Đề thi môn Ngữ văn theo hình thức viết luận sẽ triệt tiêu được văn mẫu

03/10/2022 06:46
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ra đề kiểm tra, đề thi theo hình thức viết luận sẽ đánh giá được năng lực học sinh một cách toàn diện, chính xác nhất.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên và học sinh trên cả nước.

Vấn đề cần bàn là, đề kiểm tra, đề thi nên ra theo hình thức trắc nghiệm; tự luận; kết hợp cả hai hay còn phương án nào hay hơn không?

Ảnh minh họa: Thùy Linh/giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Thùy Linh/giaoduc.net.vn

Quy định ra đề kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn thế nào?

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cách thức đánh giá (định kì) như sau:

Đánh giá định kì thường thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết. Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình.

Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học. [1]

Theo quy định tại Thông tư này, đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) và đề thi có thể ra theo 2 phương án: 1) Ra đề tự luận (một hoặc nhiều câu); 2) Ra đề kết hợp hình thức trắc nghiệm và hình thức tự luận.

Đối với phương án ra đề tự luận, có thể yêu cầu viết bài luận (nghị luận xã hội) hoặc nghị luận văn học (phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, văn xuôi).

Vì sao nên ra đề theo hình thức viết luận?

Quan điểm cá nhân người viết cho rằng, nên ra đề kiểm tra, đề thi theo hình thức viết luận - nghị luận xã hội. Bởi, yêu cầu phân tích, cảm nhận một đoạn thơ (bài thơ) hay một đoạn trích (tác phẩm) văn xuôi (truyện, kí, kịch) là quá sức so với số đông học sinh.

Đây là kiến thức hàn lâm, chỉ phù hợp cho học sinh khá giỏi môn văn, sinh viên chuyên ngành ngữ văn hay nhà các nghiên cứu chuyên sâu về văn học (khoa học nghiên cứu về văn chương).

Thực tế dạy học cho thấy, học sinh viết đoạn văn, bài văn nghị luận xã hội tương đối dễ dàng, nhưng khi phân tích thơ thì các em gặp rất nhiều khó khăn vì ngôn ngữ thơ mang tính hình tượng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ khó giải mã.

Vậy nên, đa số học sinh làm bài kiểm tra định kì, thi tuyển sinh vào 10 hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều học thuộc văn mẫu để chép.

Người viết giới thiệu một số đề văn hay (dạng viết luận) nhận được sự yêu thích của giáo viên và học sinh. Chẳng hạn, câu nghị luận xã hội đề thi chọn học sinh giỏi của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị ngày 21/9/2022 như sau:

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Để tưởng nhớ ba người lính cứu hoả đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ (ngày 1/8/2022 tại Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), anh Phạm Cao Thái - tác giả của bức tranh dưới đây chia sẻ:

“Hồi xưa mình hay định nghĩa một cách ước lệ rằng: Thiên thần là những con người xinh đẹp, lộng lẫy, có đôi cánh để bay và nhiều phép thuật. Mãi sau này mới hiểu rằng: Thiên thần cũng chỉ là những người bình thường như chúng ta nhưng họ dám sống một cuộc đời phi thường, sẵn sàng hy sinh chính mình để bảo vệ người khác...”

(Dẫn theo https://tingiaitri.org/dan-mang-rung-rung-ve-tien-biet-3-chien-si-cong-an-cuu-hoa)

Lấy cảm hứng được gợi lên từ lời chia sẻ trên, anh/chị hãy viết bài văn ngắn với chủ đề: Những con người bình thường dám sống một cuộc đời phi thường.

Hay, cho hai hình ảnh sau: thứ nhất, con ốc mượn hồn (một loài vật có vỏ ốc, thân cua) tuy mang vỏ ốc nhưng vẫn giữ được bản chất là một con cua. Thứ hai, con chim nhại giọng tuy bản thân là một con chim nhưng giọng hót lại nhái mượn.

Hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của về lối sống của con người trong xã hội ngày nay qua hai hình ảnh trên (cô Trúc Lâm, tỉnh An Giang gợi ý).

Cách ra đề như như trên khơi gợi được nhiều cảm xúc cho mọi đối tượng học sinh, không chỉ dành riêng cho các em giỏi Văn.

Một điều đáng suy nghĩ nữa là, nhiều học sinh có học lực trung bình, yếu môn Văn nhưng viết status (dòng cảm nghĩ, suy nghĩ, cảm xúc tức thời) trên mạng xã hội Facebook thì rất hay vì các em được viết bằng cảm xúc chân thành, tự nhiên.

Ngoài ra, cũng nhờ khả năng viết bài luận mà nhiều học sinh nhận được học bổng, đi du học ở một số trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Chẳng hạn, năm 2021, Hoàng Mai Uyên (tỉnh Khánh Hòa) chinh phục thành công học bổng toàn phần lên tới 336.152 USD cho 4 năm học tại Cornell University, 1 trong 8 trường thuộc khối Ivy League nhờ bài viết luận "lạ": cảm hứng nghệ thuật có thể bắt đầu từ những sợi tóc rụng. [2]

Trần Nguyễn Khánh Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) giành học bổng 6,2 tỷ đồng bằng bài luận nhảy múa (2021). [3]

Với bài luận xuất sắc về tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam, Ninh Hải Nam (tỉnh Thanh Hóa) đã chinh phục thành công học bổng toàn phần trị giá 6,8 tỷ đồng của Colorado College (Mỹ). [4]

Thiết nghĩ, việc đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn bằng cách cho học sinh viết bài luận thì sẽ triệt tiêu được văn mẫu. Hơn nữa, cách ra đề theo hình thức này sẽ đánh giá được năng lực học sinh một cách toàn diện, chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2018-tt-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-169745-d1.html

[1] https://vietnamnet.vn/bai-luan-la-giup-nu-sinh-gianh-hoc-bong-toan-phan-den-dh-ivy-league-730124.html

[2] https://vnexpress.net/gianh-hoc-bong-6-2-ty-dong-bang-bai-luan-nhay-mua-4273836.html

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bai-luan-ve-nong-nghiep-hoc-tro-xu-thanh-nhan-hoc-bong-68-ty-dong-cua-my-20210508193453953.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên