Chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên khi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ (xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), cả một ngôi trường khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ không một bóng học trò.
Hỏi ra mới biết, đến thời điểm hiện tại, cả thầy và trò ở điểm trường trung tâm của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ đã phải đi “sơ tán”, học nhờ vì nguy cơ sạt lở, sụt lún nguy hiểm.
Thầy giáo Phạm Xuân Tuyến – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tiểu học Pá Mỳ cho biết, từ đầu tháng 8 ở Pá Mỳ xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, khiến đất đá xói mòn đi nhiều. Trước khi vào năm học, các thầy cô giáo nhà trường đã tiến hành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới.
Trong quá trình chuẩn bị, các thầy cô đã phát hiện ngọn đồi sau trường xuất hiện vết nứt lớn, nguy cơ mất an toàn. Ngay sau khi phát hiện vết nứt, nhà trường đã báo cáo ban ngành có liên quan.
Trường Phổ thông dân tộc Tiểu học Pá Mỳ phải bỏ hoang vì nguy cơ mất an toàn. Ảnh: LC |
Sau khi có sự chỉ đạo của các cấp, các ngành có liên quan, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ đã “di cư” sang Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pá Mỳ ở gần đó để học tập và giảng dạy.
Chúng tôi được “tận mục sở thị” vết nứt. Quan sát từ thực địa cho thấy, vết nứt từ giữa núi rộng gần 50 cm chạy dài hàng chục mét nằm ngay trên quả đồi phía sau trường.
Hiện tại, cây cỏ đã mọc che khuất vết nứt. Nguy cơ sụt lún, sạt lở, tiềm ẩn nguy hiểm đối với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ là rất lớn.
Cận cảnh vết nứt trên đồi ngay sau trường học. Ảnh: LC |
Cơ quan chức năng phải đặt biển cảnh báo trên đường đi. Ảnh: LC |
Cũng theo thầy Phạm Xuân Tuyến số học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ ở điểm trung tâm là 234 học sinh, trong đó có 217 học sinh bán trú.
“Hiện cán bộ giáo viên, học sinh của nhà trường đều phải đi học nhờ, ở nhờ. Cơ sở vật chất khang trang thế này mà chúng tôi đành phải bỏ không, không dám cho học sinh học vì sợ mất an toàn”, thầy Tuyến cho biết.
Khi được hỏi về việc triển khai các nhiệm vụ học tập cho năm học 2022-2023, thầy Phạm Xuân Tuyến lo lắng: việc đi học nhờ đang ảnh hưởng rất nhiều đến các kế hoạch học tập, giảng dạy của nhà trường. Thầy Tuyến hi vọng các cơ quan chức năng sớm có phương án khắc phục để thầy trò nhà trường có thể “về nhà” học tập.
“Đến nay đã hơn 2 tháng từ lúc phải chuyển cả trường đi học nhờ, các thầy cô, học sinh luôn mong ngóng đến ngày có thể quay về điểm trường của mình. Thế nhưng, nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn nên không thể yên tâm cho học sinh quay lại điểm Trường Phổ thông dân tộc Tiểu học Pá Mỳ để học được”, thầy Tuyến nói.
Toàn cảnh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ nhìn từ trên đồi - nơi xuất hiện vết nứt xuống. Ảnh: LC |
Thầy Nguyễn Quang Tuyến – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pá Mỳ cho biết: “Thầy cô giáo chúng tôi ở trường cấp 2 gần đó thấy bên trường tiểu học quá vất vả. Theo yêu cầu của các cấp, các ngành, và với tinh thần đồng nghiệp cùng giúp đỡ nhau, trường chúng tôi cũng đã hỗ trợ các thầy cô tiểu học di chuyển toàn bộ tài sản sang bên đơn vị mình để đảm bảo cơ sở vật chất, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 của cả hai trường”.
Theo thầy Nguyễn Quang Tuyến, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pá Mỳ hiện có 223 học sinh bán trú với 8 phòng học và 24 phòng bán trú.
Trong khi đó, nhu cầu của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ cũng là 8 phòng nên 2 trường thực hiện học 2 ca sáng - chiều.
Cả thầy Nguyễn Quang Tuyến và thầy Phạm Xuân Tuyến đều cho biết, 2 trường học phải tạm nhập về một nên nhiều việc còn áp lực, vất vả. Tuy nhiên, trong tình hình này cả 2 trường đều phải cố gắng, san sẻ để hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Hai nhà trường đều hi vọng, cơ quan chức năng sớm có phương án khắc phục để sao cho các em học sinh vừa an toàn và các thầy cô, nhà trường yên tâm công tác.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết, trước những nguy cơ mất an toàn cho học sinh, phòng giáo dục đã có phương án tạm bố trí 2 trường học chung và thực hiện phương án dạy 2 ca/ngày cho 2 trường.
Theo đó, cấp tiểu học thực hiện dạy và học vào buổi chiều, cấp trung học cơ sở thực hiện dạy và học vào buổi sáng.
Khi được hỏi về phương án bố trí nơi ăn, chốn ở cho học sinh bán trú của tiểu học, ông Phạm Thiết Chùy cho biết thêm, phòng đã giao cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pá Mỳ bố trí, sắp xếp 6 phòng dành cho học sinh bán trú tiểu học Pá Mỳ, đảm bảo đủ chỗ ngủ cho học sinh bán trú.
Hiện 2 trường vẫn phải tận dụng khoảng trống giữa ba dãy nhà bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc Trung học cơ sở Pá Mỳ, lợp mái tôn để sử dụng đồng thời dựng tạm dãy nhà vệ sinh cho học sinh.
Cũng theo ông Phạm Thiết Chùy, đây là phương án khắc phục tạm để chờ đợi các phương án từ cơ quan chức năng.
* Một số hình ảnh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ:
Không học sinh, cả trường tĩnh lặng. Ảnh: LC |
So với nhiều trường ở Mường Nhé, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Mỳ được đánh giá là khang trang nhưng hiện tại không thể sử dụng được. Ảnh: LC |
Sân trường vắng bóng học sinh dù đang trong thời gian của năm học. Ảnh: LC |
Hai nhà trường cùng khai giảng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pá Mỳ. Ảnh: Nhà trường cung cấp |