Theo đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Quốc hội sẽ bàn về tăng lương cơ sở. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu.
Một trong những nội dung được quan tâm trong kỳ họp này là việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đáng chú ý, theo tổng hợp ý kiến từ 19 tổ thảo luận về ngân sách, nhiều ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.
Một số ý kiến nhận thấy Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu (tăng khoảng 20%), thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023, như vậy từ lúc tăng lương từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2023 là 4 năm.
Điều này dẫn đến người hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức kể cả cấp xã.
Do vậy hiện nay mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương
Chính phủ đề xuất mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm đảm bảo giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Việc sửa đổi này nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách, bởi theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 2 năm qua đã có trên 39.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó nguyên nhân chính là chế độ tiền lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Trao đổi về nội dung này, Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng trong bối cảnh kinh tế hiện nay là chấp nhận được.
Tuy nhiên, đại biểu mong muốn được áp dụng sớm hơn. Với lộ trình tăng lương như hiện nay, theo đại biểu Hồ Thị Minh, mới chỉ đáp ứng được một phần, bởi từ nay đến 1/7/2023 còn rất lâu, trượt giá tăng cao.
"Trong khi, chúng ta mới chỉ có chủ trương, thì bước ra chợ, giá đã tăng lên rất nhiều. Chắc chắn, đời sống của cán bộ, công chức thực tế chưa cải thiện được bao nhiêu.
Theo tôi nên điều chỉnh mốc áp dụng từ ngày 1/1/2023 sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, cũng nên tăng lương theo lộ trình phù hợp, không thể để những gián đoạn, dẫn đến chậm như thời gian qua", đại biểu Minh kiến nghị.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở là việc cần thiết, mặc dù biết tăng lương có thể giá cả còn tăng nhiều hơn nhưng vẫn cần phải thực hiện.
Tuy nhiên, nếu áp dụng tăng lương tổng thể đối với toàn xã hội thì cần số tiền lớn, bởi điều kiện hoàn cảnh ngân sách đang còn khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đề xuất phương án lựa chọn đối tượng, nhóm người yếu thế để tăng lương, tránh tình trạng tăng đồng loạt.
Bởi có một số người có hệ số lương cao chưa thực sự có nhu cầu tăng lương, mà cần có sự san sẻ, chia sẻ với nhau.
Một trong những nguyên nhân khiến cán bộ trong ngành giáo dục và y tế bỏ việc, dẫn tới thiếu nhân lực là chính sách tiền lương chưa phù hợp.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, nếu đã quyết định tăng lương thì nên áp dụng càng sớm càng tốt, thời điểm có thể từ 1/1/2023.
Thời gian tới, nên tính toán để có thang bảng lương đặc thù cho ngành giáo dục, y tế
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đề xuất tăng lương vào thời điểm này là hợp lý, phương án đề xuất cũng dựa trên tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như có sự tham mưu của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, tăng lương từ 1/7/2023 sẽ phù hợp hơn với tình hình kinh tế, xã hội: "Trong thời gian dịch COVID-19, ngân sách phải tiêu tốn một số tiền rất lớn cho an sinh xã hội, thu ngân sách thấp, chỉ riêng năm 2022 mức thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở sẽ áp dụng cho hàng triệu công chức, viên chức, bởi vậy số tiền chi từ ngân sách rất lớn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Nếu tăng lương theo cách "cào bằng" thì với những người hưởng hệ số lương thấp thì mức tăng không đáng kể, ngược lại với những người có hệ số lương cao, cán bộ lãnh đạo mức lương lại tăng lên khá nhiều. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Do đó Bộ Tài chính đã có sự cân đong, đo đếm để chi lương nhưng không làm thâm hụt phần thu ngân sách mà xuất phát từ tiền lương tích lũy chi thường xuyên các năm của các đơn vị để thực hiện tăng lương và ngân sách nhà nước chỉ bù thêm 1 phần nào đó".
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng, dù mức lương tăng không nhiều, song cũng có ý nghĩa rất lớn, giúp ổn định tinh thần, tư tưởng làm việc của công chức, viên chức, đặc biệt là nhóm thuộc ngành giáo dục, y tế, những người có hệ số lương thấp.
Hiện nay công chức, viên chức mới vào nghề nếu tính thêm cả phần trăm phụ cấp, mức lương cũng chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả thị trường tăng cao, nếu không tăng lương, đời sống những người làm công ăn lương nhà nước sẽ rất khó khăn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến 1 bộ phận không nhỏ công chức, viên chức xin nghỉ việc chuyển ra khu vực tư nhân làm việc trong thời gian qua.
Nói thêm về cách tính mức tăng lương, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn rằng, nếu tăng lương theo cách "cào bằng", nhìn có vẻ rất hợp lý, nhưng với những người hưởng hệ số lương thấp thì mức tăng không đáng kể, ngược lại với những người có hệ số lương cao, cán bộ lãnh đạo mức lương lại tăng lên khá nhiều.
Do đó, Chính phủ nên tính toán chi tiết theo từng nhóm đối tượng, khu vực, như vậy tổng quỹ lương không vượt quá mức dự toán ban đầu, nhưng những người có mức lương thấp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới nên tính toán để có thang bảng lương đặc thù cho các ngành như giáo dục, y tế.