Tuần này Quốc hội thảo luận nhiều dự thảo Luật, tình hình KT-XH và ngân sách

24/10/2022 10:01
Lam An/tổng hợp (Theo quochoi.vn; vov.vn)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hôm nay, 24/10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV bắt đầu tuần làm việc thứ hai. Tuần này, Quốc hội sẽ dành 2 ngày để thảo luận tình hình kinh tế xã hội và ngân sách.

Quốc hội dành 2 ngày thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022

Một trong những nội dung đáng chú ý là Quốc hội sẽ dành 2 ngày (27, 28/10) để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp sáng ngày 24/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp sáng ngày 24/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Thảo luận nhiều dự luật quan trọng

Trong sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận về về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Đồng thời cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quốc hội thảo luận về về dự thảo Luật Khám bệnh trong sáng 24/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Quốc hội thảo luận về về dự thảo Luật Khám bệnh trong sáng 24/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Buổi chiều các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Xã hội phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý.

Ủy ban Xã hội đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại một số tỉnh, thành phố, tổ chức các hội nghị chuyên gia, hội nghị theo chuyên đề, làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành hữu quan; xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 12 chương và 120 điều, nhiều hơn 14 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, bỏ 1 điều và bổ sung 15 điều.

Luật Phòng, chống rửa tiền được sửa đổi (theo quy trình tại 1 kỳ họp) nhằm bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Đồng thời, góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Dự thảo Luật gồm 4 chương, 65 điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Lam An/tổng hợp (Theo quochoi.vn; vov.vn)