Bộ trưởng Nội vụ: Cần tập trung cải cách chính sách tiền lương

28/10/2022 06:06
Lam An (tổng hợp)
GDVN- Chiều 27/10, các ĐBQH tiếp tục thảo luận, trong đó có nội dung về công chức, viên chức khối giáo dục y tế nghỉ việc trong 2,5 năm qua. 

Nguyên nhân công chức viên chức nghỉ việc cũng đến từ môi trường công tác

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra hôm nay (27/10), đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, 2,5 năm dịch vừa qua đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và chuyển việc. Bình quân mỗi năm có khoảng 15.800 người nghỉ việc và chuyển việc. Số nghỉ việc và chuyển việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, trong ngành y tế là 12.198 người. Đây là một vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc là do thu nhập thấp. Nhưng bên cạnh đó còn có nhóm nguyên nhân rất quan trọng liên quan đến áp lực công việc và môi trường công tác.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: vov.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: vov.vn

“Hiện nay hầu hết các bệnh viện công đều ở trong tình trạng quá tải, ví dụ như là Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người bệnh đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Nhiều bệnh viện thì y, bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày mỗi bác sĩ có thể khám vài chục, thậm chí là cả trăm bệnh nhân cho nên rất áp lực. Nhiều bác sĩ cho biết là do thường xuyên phải làm việc quá tải cho nên mới chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ chưa phải là người bệnh, trong khi đáng lẽ ra các bác sĩ cần phải có thời gian để lắng nghe và tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng của từng bệnh nhân.

Khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các trạm y tế xã, phường, vốn đã ít người, vừa phải đảm trách nhiệm vụ của 19 chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vắc xin, trong khi đó lương tháng chỉ có khoảng 5 triệu đồng”, đại biểu nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, một nguyên nhân khác khiến nhiều y, bác sỹ nghỉ việc do tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh, môi trường làm việc cũng chưa thực sự tạo cơ hội để cho nhân viên y tế cống hiến hết mình, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y, bác sĩ.

Vẫn biết rằng việc dịch chuyển nhân lực là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào, tuy nhiên, việc dịch chuyển nhân lực với một số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế như thời gian vừa qua thì rất cần phải đánh giá đúng nguyên nhân, đủ nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ, chiến lược.

Chính vì vậy, cần có những giải pháp về cải thiện chế độ, chính sách đối với nhân viên ngành y phù hợp với đặc thù công việc, đồng thời có những giải pháp để cải thiện môi trường làm việc của ngành y.

Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định 56 ngày 4/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập. Trong đó, nâng mức lương phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40% -70% tăng lên tất cả đều hưởng mức là 100%. Xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới

Giải trình trước Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế có liên quan đến hai yếu tố quan trọng. Bộ trưởng cho biết, vấn đề thiếu thuốc liên quan đến việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế và việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Đối với việc đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế, Chính phủ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12 để giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành. Đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hạn hiệu lực; tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2022 nên đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của Nhân dân và phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các nghị định, thông tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được phân công làm công tác đấu thầu và công bố rộng rãi kết quả đấu thầu, thành lập tổ công tác để hỗ trợ cho công tác đấu thầu…

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế, theo đó, đối với các chính sách liên quan hỗ trợ cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ thì mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, sở y tế dự phòng. Hiện nghị định này đang được trình Chính phủ. Các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ báo cáo bổ sung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này.

Giải đáp các băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức, viên chức nghỉ việc trong hai năm diễn ra đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới, như tại các nước Anh, Pháp, Mỹ , Úc và các nước khối ASEAN đều cũng phải đối mặt với vấn đề này.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Đồng thời thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Do vậy, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động. Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư.

Bên cạnh đó, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xác định cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.

Lam An (tổng hợp)