ĐBQH: Hưởng thù lao tương xứng thì bác sĩ đâu phải "chân trong chân ngoài"

24/10/2022 16:10
Lam An/tổng hợp (Theo vov.vn; quochoi.vn)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4.

Cơ chế quản lý đang trói buộc

Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Trong điều kiện làm việc đó, nếu họ được hưởng mức thù lao tương xứng với công sức bỏ ra và hiệu quả đóng góp của mình, thì họ sẽ toàn tâm toàn ý dành hết năng lực của bản thân cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện, mà không cần phải chân trong chân ngoài, tất bật với phòng khám tư.

Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Đại biểu Hoàng Văn Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo Luật này.

Do vậy, ông Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi lần này một số nội dung: Quy định về tự chủ của bệnh viện công tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

Làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân

Đánh giá cao dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 4, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng dự thảo cơ bản tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng có nhiều nội dung cần phải nghiên cứu, quy định rõ, cụ thể hơn.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đối chiếu với mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế và có nền y học khoa học, dân tộc và hiện đại, tuy nhiên, Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng trong dự thảo Luật vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết trong dự thảo Luật.

Điển hình như các quy định về cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hóa, giá dịch vụ, phân cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề, khám, chữa bệnh từ xa, dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh… Đây là những vấn đề mới nhưng vẫn chưa làm rõ trong dự thảo Luật.

Đại biểu Tạ Văn Hạ lấy ví dụ quy định về phân cấp, trước đây tiến hành phân cấp theo tuyến nhưng dự thảo luật phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Đại biểu đồng tình với việc phân cấp này và khẳng định đây là nội dung mới trong dự thảo luật, nhưng nhiều nội dung chưa quy định chưa rõ. Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện như thế nào, từ các cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu? Mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân? Chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề. Trước đây quy định cấp một lần nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch; cần làm rõ mô hình của Hội đồng y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào… Tương tự, đối với vấn đề xã hội hóa chỉ quy định “được ưu tiên theo quy định của pháp luật” nhưng không quy định cụ thể được ưu tiên vấn đề nào.

Trước đó, báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.

Về bố cục của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại bảo đảm rõ ràng, hợp lý hơn bằng việc điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Lam An/tổng hợp (Theo vov.vn; quochoi.vn)