Ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất liên ngành Sử học-Dân tộc học 2022 là ai?

06/11/2022 06:52
Ngọc Mai
GDVN- PGS.TS Nguyễn Văn Chính là ứng viên GS duy nhất liên ngành Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học/Nhân học được tín nhiệm đạt chuẩn chức danh GS năm 2022.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách các ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm 383 người.

Theo đó, tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở là 69,3% (trong đó tỷ lệ đạt của ứng viên giáo sư là 56,7%, ứng viên phó giáo sư là 70,8%).

Theo quy định, trong thời hạn 15 ngày, nếu không có đơn thư, phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022 cho 383 ứng viên.

Trong số 383 ứng viên giáo sư, phó giáo sư vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố tín nhiệm đạt chuẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính là ứng viên giáo sư duy nhất của ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính sinh ngày 28/10/1956, ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng. Năm 1992, ông tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) ngành Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học. Với thành tích học tập xuất sắc, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Từ đây, ông tiếp tục hành trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, không chia sẻ nhiều về chặng đường nghiên cứu "đồ sộ" của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính cho biết, dù đã đặt chân đến nhiều miền quê, vùng đất và được tiếp xúc với đa dạng văn hóa dân tộc, con người nhưng thầy vẫn đau đáu một lần được trở lại miền Tây của tỉnh Nghệ An - nơi thầy bắt đầu có những bước nghiên cứu đầu tiên.

Thầy Chính chia sẻ: "Đã nghiên cứu về Dân tộc học là phải đi đến tận vùng dân tộc họ sinh sống để biết, hiểu và sẻ chia. Từ đó, nghiên cứu sinh nhìn thấy và giải thích được những nét đặc sắc trong văn hóa đời sống sinh hoạt, cũng như quan điểm của từng dân tộc theo hướng phát hiện, góc nhìn đặc trưng nhất.

Cách đây hơn 40 năm, tôi có khoảng thời gian 3 tháng cùng ở với người dân tộc Thổ, miền Tây của tỉnh Nghệ An để nghiên cứu, tìm tư liệu làm khóa luận tốt nghiệp đại học. Cũng nhờ chuyến đi này mà tôi được sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống với người dân bản địa; khám phá nét đặc sắc văn hoá, thưởng thức những món ăn lạ...

Khóa luận tốt nghiệp sau đó được đánh giá xếp loại xuất sắc và tôi được giữ lại trường làm giảng viên.

Điều làm tôi nhớ nhất về quãng thời gian trải nghiệm cùng đồng bào người dân tộc để làm khóa luận, là tình cảm của người dân nơi đó rất chân thành, sâu sắc. Vì cảm mến tình cảm ấy nên đến nay, sau hơn 40 năm tôi vẫn không thể quên và rất trăn trở muốn tìm về để gặp lại những con người năm đó".

Được biết, thầy Chính đã làm công tác giảng dạy đại học trên 40 năm, được đào tạo bài bản về chuyên môn và ngoại ngữ, hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy được giao. Ở chức vụ nào, thầy cũng không ngừng trau dồi tri thức và đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Mong muốn của thầy là sẽ có nhiều hơn nữa những đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu.


Ngọc Mai