Đề xuất tăng phụ cấp cho GVMN: Cần cân đối ngân sách, từng bước đáp ứng mong mỏi

10/11/2022 06:47
Ngọc Mai
GDVN- Ai cũng thấy rõ chuyện: công việc của giáo viên mầm non vất vả hơn nhưng thu nhập thấp hơn các giáo viên bậc học khác cũng như nhiều ngành nghề khác. 

Vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, số lượng giáo viên thiếu và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non (chiếm 40%).

Do vậy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.

Biết được thông tin này qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Phỉ Đính, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Khách quan nhìn nhận, không riêng chỉ giáo viên mầm non mà những giáo viên bậc học khác đều mong muốn được tăng lương, tăng phụ cấp".

Hoc sinh tại Trường Mầm non Buôn Hồ, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ).

Hoc sinh tại Trường Mầm non Buôn Hồ, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ).

Về tính chất công việc và mức sống của giáo viên mầm non trên địa bàn thị xã, thầy Đính tâm sự: “Công việc giáo viên mầm non vất vả hơn, thu nhập thấp hơn các giáo viên bậc học khác cũng như nhiều ngành nghề khác. Vấn đề nên tập trung ở đây là khắc phục khó khăn đó như thế nào để từng bước cải thiện cuộc sống cho họ.

Hiện nay, giáo viên mầm non thường xuyên phải làm vượt quá thời gian. Ngoài hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, giáo viên mầm non còn phải làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Các cô cho trẻ ăn từng miếng cơm, nâng trẻ từng giấc ngủ, dỗ dành trẻ khi khóc quấy... không khác gì phụ huynh chăm sóc cho con nhỏ của mình. Chưa kể, một giáo viên phải chăm sóc nhiều cháu.

Chính vì thế, nói giáo viên mầm non “trông trẻ thôi có gì đâu mà vất vả” là cái nhìn phiến diện. Phải khẳng định rằng, áp lực công việc của giáo viên mầm non là rất lớn và họ xứng đáng có mức thu nhập tốt hơn hiện nay. Song, chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống”.

Thực tế, giáo viên mầm non ở các trường công lập có thêm một số loại phụ cấp khác như phụ cấp ưu đãi thâm niên... Song, không phải giáo viên nào cũng được hưởng phụ cấp này. Những giáo viên mới ra trường, lương khởi điểm rất thấp nên mới có hiện tượng các cô phải làm thêm những việc khác hoặc có xu hướng dứt khoát chuyển từ trường công sang tư thục để có mức thu nhập cao hơn.

Trước thực tế đó, bàn về đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, thầy Đính cho rằng, nếu tăng phụ cấp lên 70% hoàn toàn phù hợp với mong mỏi của các thầy cô và phù hợp với thực tiễn.

Bởi theo thầy Đính, thứ nhất, với mức lương đang thấp và phụ cấp 35% như hiện tại, nhìn chung tổng thu nhập vẫn chưa đáp ứng được mức sống của giáo viên mầm non ở từng khu vực.

Thứ hai, tăng phụ cấp lên 70% là tương ứng với mức phụ cấp của giáo viên đang công tác tại các trường nội trú, bán trú hiện nay. Do vậy, việc tăng phụ cấp cho tất cả giáo viên mầm non lên 70% không những giúp cải thiện phần nào thu nhập mà còn tạo công bằng trong giáo dục.

Thứ ba, nếu tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 70%, đây là "món quà" động viên về vật chất cũng như tinh thần để các thầy cô thêm cố gắng, nỗ lực để vượt quá khó khăn trong công việc, trong đó có về vấn đề thời gian làm ngoài giờ, đi sớm về muộn, thường xuyên vượt quá số giờ làm việc...

Thứ tư, cùng với đề xuất tăng 70% phụ cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng. Trước mắt, đây sẽ là giải pháp để giáo viên có thêm thu nhập, gắn bó với nghề trong bối cảnh nhiều người chán việc, bỏ nghề.

Tuy nhiên, thầy Đính cũng đánh giá: về lâu dài, thu hút người vừa tốt nghiệp ngành mầm non ứng tuyển, bổ sung nguồn tuyển dồi dào như mong muốn vẫn là việc gặp nhiều khó khăn. Vì giáo viên hiện có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ cũng bày tỏ mong muốn chính sách tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non sớm trở thành hiện thực.

Thầy Đính cho rằng, cùng với tăng lương cơ sở thì khi tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non cũng cần xem xét cân đối ngân sách nhà nước.

“Việc quan tâm đến đời sống giáo viên là chính sách nhân văn, rất tốt. Cũng nên dựa vào khả năng, tiềm lực ngân sách nhà nước thực tế để cân đối, đáp ứng từng bước nguyện vọng về thu nhập của giáo viên.

Hy vọng những chính sách về tiền lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non sẽ được thông qua và thực hiện từ 1/1/2023”, thầy Đính kỳ vọng.

Thầy Đính cũng kiến nghị đẩy nhanh việc trang bị cơ sở hạ tầng, vật chất, thiết bị giáo dục, phòng học để đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non, đặc biệt bổ sung đội ngũ biên chế giáo viên mầm non. Bởi theo thầy, việc tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non cũng là một trong những điều kiện để ổn định đời sống cho giáo viên và đảm bảo thực hiện hiệu quả đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi.

“Hiện nay, một số địa phương vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non. Cũng giống như các địa phương khác trong địa bàn tỉnh, thời gian tới đây, tinh thần chung là thị xã Buôn Hồ sẽ phải đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng biên chế để đảm bảo thực hiện chế độ cho giáo viên cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục.

Hiện còn nhiều giáo viên mầm non đang làm việc theo diện hợp đồng. Những giáo viên này không được hưởng phụ cấp cũng như các chế độ khác trong khi mức lương còn thấp nên nhiều khó khăn hơn. Tuyển biên chế sẽ là cơ sở để giáo viên này có thu nhập ổn định, được hưởng thêm các chế độ phụ cấp khác", thầy Đính cho biết.

Ngọc Mai