Người trong cuộc đề xuất để không còn cảnh dạy thêm HS chính khóa trong trường

13/11/2022 06:36
Nguyễn Nhật Minh
GDVN- Dạy thêm, học thêm trong trường học hiện nay thực hiện theo quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT.

Chuyện dạy thêm, học thêm đã có khoảng hơn 30 năm nay ở nước ta, đến năm 2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.[1]

Ngày 16 tháng 5 năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thay thế Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.

Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Như vậy, năm học 2022-2023 sẽ không còn dạy thêm ngoài nhà trường do giấy phép cấp hoạt động cho các trung tâm dạy thêm, học thêm của các địa phương đã hết hiệu lực, các địa phương không còn các trung tâm bồi dưỡng văn hóa được cấp phép.

Làm đúng quy định, dạy thêm trong trường học sẽ không còn cảnh học thêm

Đó là chia sẻ của một lãnh đạo trường trung học cơ sở phía nam khi bàn về vấn đề làm sao để nhà trường không có cảnh dạy thêm, học thêm.

Theo vị lãnh đạo này: “Nếu không hiểu đúng, thực hiện đúng Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT sẽ rất dễ vướng quy định.

Vướng thứ nhất, đó là giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa. Muốn giáo viên không dạy thêm học sinh chính khóa, nhà trường buộc phải đổi giáo viên dạy lớp này sang lớp khác, khối này sang khối khác.

Với trường nhỏ, muốn đảm bảo giáo viên không dạy thêm học sinh chính khóa chỉ có thể chuyển giáo viên đang dạy khối này lên dạy khối khác và ngược lại.

Khi đổi giáo viên để đảm bảo giáo viên không dạy thêm học sinh chính khóa cũng có hạn chế, đó là giáo viên đang dạy khối này sang dạy thêm khối khác, giống như dạy “chéo” chuyên môn, rất vất vả khi dạy thêm, nên giáo viên không hứng thú khi được bố trí dạy thêm trong trường học.

Dù không thuận lợi cho giáo viên nhưng nhà trường phải làm đúng quy định, có như thế mới tránh được tình trạng ép học sinh học thêm, đảm bảo công bằng cho học sinh.

Với học sinh, đang học chính khóa giáo viên này buổi sáng, học thêm giáo viên khác buổi chiều, nên cũng không hứng thú lắm, nhưng nhà trường phải làm, có như vậy mới xóa được tình trạng học sinh đi học thêm vì điểm số.

Vướng thứ hai, đó là chia học sinh theo học lực khi tổ chức dạy thêm trong trường học. Nhà trường không thể giữ nguyên lớp chính khóa để dạy thêm, buộc phải phân chia lại lớp theo học lực như quy định, đây là việc nhà trường rất "ngại" làm.

Trong ba môn Toán, Văn, Anh các cơ sở giáo dục hay dạy thêm, đều là những môn có yếu tố quyết định đến học lực của học sinh, vì thế khi chia học sinh cũng khó chính xác, không phù hợp nguyện vọng của các em.

Ví dụ, học sinh chỉ học khá Văn, còn Toán và Anh trung bình, nay phân lớp học thêm cùng nhau, mức độ nhận thức của các em không tương đương nhau.

Với học sinh lớp 6, 7 càng phức tạp hơn. Với cách đánh giá xếp loại theo chương trình mới, càng khó phân lớp khi tổ chức dạy thêm. Theo vị này, tuyệt đối không dạy thêm, học thêm với học sinh học chương trình mới.

Học sinh đã yếu, kém, thường là học sinh ngại học, ngán học, nay chia theo lớp như vậy các em lại tự ti, mặc cảm, nhà trường nên dạy miễn phí, tránh thu phí với đối tượng này.

Để kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy thêm trong trường học hết sức đơn giản, chỉ cần yêu cầu nhà trường gửi danh sách xếp lớp dạy thêm và danh sách xếp lớp chính khóa, người kiểm tra chỉ cần đối sánh hai danh sách này là đánh giá được ngay.

Chỉ cần kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy thêm trong trường học “từ xa”, “trực tuyến” một cách công minh, các cơ sở giáo dục phải làm đúng quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT.

Để các cơ sở làm đúng quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, phòng giáo dục yêu cầu nhà trường cung cấp danh sách học sinh theo xếp lớp dạy thêm, lớp chính khóa, bảng phân công chuyên môn chính khóa và dạy thêm ngay từ khi làm hồ sơ cấp phép, dạy thêm trong trường học sẽ không còn cảnh học thêm chính khóa.

Ảnh minh họa: Báo Lao độngẢnh minh họa: Báo Lao động

Dạy thêm, học thêm trong trường học hiện nay thực hiện theo quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, tuy nhiên các cơ sở giáo dục không thực hiện đúng quy định, nên gây ra “phản cảm” cho xã hội.

Để trả lại sự trong sáng, lành mạnh trong dạy thêm, học thêm ở trường học, Sở giáo dục, Phòng giáo dục chỉ cần yêu cầu nhà trường cung cấp danh sách học sinh theo xếp lớp dạy thêm, lớp chính khóa, bảng phân công chuyên môn chính khóa và dạy thêm trước khi cấp phép, dạy thêm trong trường học, sẽ không còn cảnh học thêm chính khóa, dạy thêm chính khóa.

Một việc làm đơn giản, tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều có thể làm được, kiểm tra được, không cần nhiều nhân lực, vật lực, nhưng hiệu quả vô cùng lớn, đem lại niềm tin cho xã hội với nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-03-2007-QD-BGDDT-Quy-dinh-day-hoc-them-16863.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx

[3] https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2499-qd-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-176503-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh