Vì sao hiện nay nhiều giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa?

12/10/2022 06:50
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những quy định cụ thể về dạy thêm học thêm trong thời gian tới.

Bài viết “Thời điểm này tạm dừng việc dạy thêm là vô cùng hợp lý” được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ giáo viên cả nước.

Một số bạn đọc bày tỏ thắc mắc rằng hiện nay giáo viên có được dạy thêm học sinh chính khóa không? Người viết xin được làm rõ vấn đề trên.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Hiệu trưởng không còn ký vào đơn xin dạy thêm của giáo viên?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Trước đây, việc cấp giấy phép dạy thêm được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm học thêm.

Theo đó, để được dạy thêm ngoài nhà trường thì giáo viên phải làm đơn xin được dạy thêm, hiệu trưởng ký xác nhận đồng ý vào đơn và gửi phòng/sở giáo dục thẩm định và cấp phép.

Nhưng hiện nay một số điều trong Thông tư đã hết hiệu lực, hiệu trưởng đã không còn ký vào đơn xin cấp phép của giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.

Vì, theo Điều 1 Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 đã đưa ra lý do hết hiệu lực 8 điều tại Thông tư 17 là điều chỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014.

Từ 01/7/2016, Luật Đầu tư 2014 quy định việc dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên từ 01/01/2021 cho đến hiện nay, Luật Đầu tư 2020 không còn quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa nên các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký mã ngành nghề kinh doanh giáo dục để có thể dạy thêm.

Giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường không cần phải gửi đơn cho hiệu trưởng và phòng/sở Kế hoạch và đầu tư sẽ là đơn vị cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm.

Chính vì lý do trên, hiệu trưởng không còn ký xác nhận đồng ý hay không đồng ý cho giáo viên dạy thêm nên việc kiểm soát dạy thêm cũng gặp nhiều khó khăn.

Vì sao hiện nay hầu hết giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa?

Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công bố 8 điều trong Thông tư 17 hết hiệu lực, gồm các quy định về tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; các yêu cầu với người tổ chức, cơ sở vật chất dạy thêm và những thủ tục, thẩm quyền cấp phép hoạt động này.

Tuy nhiên, giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường theo giấy phép kinh doanh dạy thêm vẫn phải đảm bảo các quy định của Thông tư 17 về dạy thêm học thêm.

Theo đó tại Điều 4 Thông tư 17 quy định các trường hợp không được dạy thêm như sau:

“1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.”

Do đó, giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường để dạy thêm được học sinh chính khóa ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn, nguyên tắc về dạy thêm còn phải được sự đồng ý của thủ trưởng (hiệu trưởng) các trường.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, Luật Đầu tư 2020 không còn quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa nên các cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký mã ngành nghề kinh doanh giáo dục thì có thể tổ chức dạy thêm và giáo viên không cần làm đơn xin dạy thêm do hiệu trưởng cấp, nên hiệu trưởng không còn xác nhận vào đơn xin dạy thêm của giáo viên ngoài nhà trường.

Hiệu trưởng không còn ký xác nhận vào đơn xin dạy thêm của giáo viên, đồng nghĩa cũng không ký đồng ý cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa ngoài nhà trường, nếu giáo viên dạy là sai sẽ bị xử phạt theo quy định về dạy thêm, theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và bị kỷ luật theo Luật Viên chức.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, dạy 2 buổi/ngày nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những quy định cụ thể về dạy thêm học thêm trong thời gian tới, hạn chế dạy thêm học thêm tràn lan.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi