Hải Phòng: Thảo luận, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên

07/11/2022 09:03
LÃ TIẾN
GDVN- Cán bộ quản lý, giáo viên tại quận Kiến An (Hải Phòng) đã được bồi dưỡng, thảo luận phương pháp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên theo chương trình GDPT mới.

Ngày 5/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên” năm học 2022-2023 tại Trường Trung học cơ sở Trần Phú.

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: LT)

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: LT)

Dự và chỉ đạo có ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; các Phó Giám đốc: ông Đỗ Văn Lợi, bà Đỗ Thị Hòa cùng lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo quận Kiến An và đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn quận Kiến An.

Các tiết mục văn nghệ tại hội thảo chuyên đề (Ảnh: LT)

Các tiết mục văn nghệ tại hội thảo chuyên đề (Ảnh: LT)

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề, ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới, bộ môn Khoa học tự nhiên có vai trò góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực và phát triển thế giới quan khoa học ở học sinh.

Bộ môn Khoa học tự nhiên đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh tinh thần khách quan, tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của thiên nhiên để từ đó biết ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: LT)

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: LT)

Môn Khoa học tự nhiên có 3 phân môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Hội thảo sẽ giúp các thầy cô giáo đảm nhiệm 2 phân môn thay vì một phân môn như hiện nay tiến tới đảm nhiệm cả 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên.

Hội thảo chuyên đề “Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên” thông qua 2 tiết dạy minh họa:

Tiết thứ nhất: Môn Khoa học tự nhiên - bài 20: “Sự lớn lên và sinh sản của tế bào” dạy học theo định hướng giáo dục STEM do cô giáo Hoàng Thị Loan và các em học sinh lớp 6A1, Trường Trung học cơ sở Nam Hà thực hiện.

Tiết dạy: "Sự lớn lên và sinh sản của tế bào” dạy học theo định hướng giáo dục STEM do cô giáo Hoàng Thị Loan và các em học sinh lớp 6A1, Trường Trung học cơ sở Nam Hà thực hiện (Ảnh: LT)

Tiết dạy: "Sự lớn lên và sinh sản của tế bào” dạy học theo định hướng giáo dục STEM do cô giáo Hoàng Thị Loan và các em học sinh lớp 6A1, Trường Trung học cơ sở Nam Hà thực hiện (Ảnh: LT)

Thông qua các hoạt động của tiết học giúp học sinh củng cố lại các kiến thức cơ bản: quá trình lớn lên của tế bào, quá trình sinh sản (phân chia) của tế bào và ý nghĩa của sự lớn lên và sinh sản (phân chia) của tế bào.

Trong tiết học này, cô giáo Hoàng Thị Lan đã vận dụng kiến thức của các môn học khác như: môn Toán (dùng để tính toán lượng nguyên, vật liệu), môn Mỹ thuật (dùng để vẽ và sử dụng màu vẽ, cắt dán).

Đồng thời vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học trong các môn học trên giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người (bảo vệ sức khỏe, phòng, tránh bệnh ung thư...).

Học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn qua việc tự gieo trồng các loại hạt để nắm bắt được quá trình lớn lên của tế bào (Ảnh: LT)

Học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn qua việc tự gieo trồng các loại hạt để nắm bắt được quá trình lớn lên của tế bào (Ảnh: LT)

Qua tiết học, giáo viên đã phát triển các năng lực cho học sinh như: năng lực giao tiếp: trình bày dự án, điều hành các hoạt động trên lớp; năng lực hợp tác: hoạt động nhóm, cùng nhau tạo ra các sản phẩm.

Cùng với đó là năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: qua việc tạo mô hình sơ đồ đơn giản về quá trình lớn lên và sinh sản của tế bào từ các nguyên vật liệu (giấy thủ công, giấy xốp màu, đất sét, kẹo màu);

Năng lực nhận biết khoa học tự nhiên, vận dụng kiến thức vào thực tiễn qua việc tự gieo trồng các loại hạt để nắm bắt được quá trình lớn lên của tế bào...

Tiết thứ 2 của chuyên đề là môn Khoa học tự nhiên lớp 7 - bài 11 “Thảo luận về sự ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông” do cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy và các em học sinh lớp 7C1 Trường Trung học cơ sở Trần Phú thực hiện.

Tiết dạy “Thảo luận về sự ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông” do cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy và các em học sinh lớp 7C1 Trường Trung học cơ sở Trần Phú thực hiện (Ảnh: LT)

Tiết dạy “Thảo luận về sự ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông” do cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy và các em học sinh lớp 7C1 Trường Trung học cơ sở Trần Phú thực hiện (Ảnh: LT)

Mục tiêu của tiết học giúp học sinh nêu được ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông thông qua việc học sinh sưu tầm tranh, ảnh, học liệu điện tử.

Tiết học giúp phát triển cho học sinh năng lực chung đó là tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết một số bài tập trắc nghiệm.

Mục tiêu của tiết học giúp học sinh nêu được ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông thông qua việc học sinh sưu tầm tranh, ảnh, học liệu điện tử (Ảnh: LT)
Mục tiêu của tiết học giúp học sinh nêu được ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông thông qua việc học sinh sưu tầm tranh, ảnh, học liệu điện tử (Ảnh: LT)
Tiết dạy của cô và trò Trường Trung học cơ sở Trần Phú (Ảnh: LT)

Tiết dạy của cô và trò Trường Trung học cơ sở Trần Phú (Ảnh: LT)

Nhận thức khoa học tự nhiên: Nêu được một số ảnh hưởng của tốc độ trong an toàn giao thông; tìm hiểu tự nhiên: đọc và phân biệt được các biển báo an toàn trong giao thông. Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: vận dụng, tuân thủ các quy tắc an toàn trong tham gia giao thông.

Sau 2 tiết dạy, các đại biểu tham dự hội thảo chuyên đề đã cùng nhau thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của phương pháp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.

LÃ TIẾN