Thiếu giờ đào tạo, CĐ Công nghiệp Việt Đức vẫn 'tạo điều kiện' để SV tốt nghiệp

08/11/2022 06:30
Trung Dũng
GDVN- Kết luận cho thấy, Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức đã để thiếu giờ đào tạo trung bình toàn khóa của khóa 46 là 21,38%, khóa 47 là 66,58%.

Liên quan đến vụ việc, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên) bị "tố" cắt giảm thời lượng đào tạo một cách vô lý, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và thu nhập của giảng viên trong trường. Trong Kết luận số 6919/KL-BCT của Bộ Công thương đã chỉ ra một số sai sót, khuyết điểm của nhà trường về vấn đề này.

Thông qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu do nhà trường cung cấp, đồng thời qua làm việc với các cá nhân, tập thể có liên quan, kết luận này đã đưa ra kết quả xác minh.

Cụ thể, với việc thực hiện chương trình đào tạo, tại thời điểm xác minh, khóa 46 đã tốt nghiệp, ra trường (1 lớp tốt nghiệp tháng 10/2021; 5 lớp tốt nghiệp tháng 1/2022); khóa 47 đang chuẩn bị tốt nghiệp (dự kiến tháng 12/2022); các khóa 48, 49 đang trong quá trình đào tạo (dự kiến tốt nghiệp cuối năm 2023, 2024).

Theo hồ sơ, tài liệu thống kê việc thực hiện chương trình đào tạo với khóa 46 được kết luận nêu ra, tại thời điểm xác minh, học sinh khóa 46 đã tốt nghiệp ra trường, tuy nhiên trường đã tổ chức đào tạo chưa đầy đủ so với chương trình. Theo đó, tỷ lệ giờ đào tạo trung bình toàn khóa 46 thiếu 21,38%.

Bảng thống kê trong kết luận của Bộ Công thương cho thấy số giờ đào tạo trung bình toàn khóa của khóa 46, 47 tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức còn thiếu rất nhiều. Trong đó, học sinh hệ Trung cấp khóa 46 đã tốt nghiệp và ra trường nên không thể tổ chức đào tạo bổ sung được. Ảnh: Trung Dũng

Bảng thống kê trong kết luận của Bộ Công thương cho thấy số giờ đào tạo trung bình toàn khóa của khóa 46, 47 tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức còn thiếu rất nhiều. Trong đó, học sinh hệ Trung cấp khóa 46 đã tốt nghiệp và ra trường nên không thể tổ chức đào tạo bổ sung được. Ảnh: Trung Dũng

Kết luận này chỉ rõ, trong số giờ đã dạy của khóa 46, giờ thực tập nghề nghiệp là thời gian trường hợp tác với doanh nghiệp để đưa học sinh đi thực tập tại doanh nghiệp, Trường giao cho Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và hỗ trợ học sinh, sinh viên quản lý.

Quá trình thực tập nghề nghiệp không phải là quá trình giảng dạy như các môn học/ mô đun khác nên trường không phân công giáo viên giảng dạy trên lớp và giáo viên không được hưởng chế độ giờ giảng này.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên học sinh khóa 46 tại các Trung tâm liên kết không thể đi thực tập tại doanh nghiệp được. Vì vậy, các Khoa/ Tổ môn chuyên môn đã xây dựng nội dung, giao học sinh làm báo cáo thu hoạch dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Trường có chi trả giờ hướng dẫn và chấm báo cáo tốt nghiệp cho giáo viên.

Ngày 9/9/2021, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức ban hành Công văn số 419/TB-CĐCNVĐ về việc triệu tập học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19. Lúc này, học sinh khóa 46 chưa tốt nghiệp nhưng cũng không quay lại trường để học bổ sung được. Đến tháng 9/2022, Phòng Đào tạo của Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức mới có thống kê số giờ thiếu cho các lớp của khóa 46.

Căn cứ biên bản làm việc ngày 16/9/2022, Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức xác nhận có việc điều chỉnh thời lượng đào tạo của khóa 46 tại thời điểm đầu năm học để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo phần kiến thức cơ bản cho học sinh.

Theo đó, phần kiến thức còn thiếu sẽ được trường bố trí học bổ sung vào thời gian nghỉ hè của chương trình văn hóa. Tại thời điểm đầu năm 2022, các học sinh của khóa 46 đã hoàn thành chương trình học văn hóa tại các đơn vị liên kết và tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đó, có những trường hợp đã theo học trình độ cao hơn, có những trường hợp đã đi làm và không quay lại theo công văn triệu tập của trường.

Vì vậy, việc dạy bổ sung không thực hiện được. Để tạo điều kiện cho học sinh K46 tốt nghiệp và nhận bằng, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã xét tốt nghiệp cho các học sinh này. Trong đó, 1 lớp vào tháng 10/2021 là lớp Điện CN-C5 theo Quyết định số 173/QĐ-CĐCNVĐ ngày 12/10/2021. Ngoài ra, có 5 lớp vào tháng 1/2022 gồm: Lớp Ô tô - C2, Ô tô - C3, Điện CN -C3, Điện CN - C4 và Cắt gọt - C5 theo Quyết định số 11/QĐ-CĐCNVĐ ngày 6/1/2022. Tổng số là 53 học sinh.

Kết luận này cũng cho biết thêm, học sinh khóa 47 đang trong học kỳ cuối và dự kiến tốt nghiệp vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, theo số liệu thu thập được, nhà trường đã tổ chức giảng dạy các môn học/ mô đun thiếu giờ so với chương trình đào tạo, tỷ lệ giờ giảng dạy thực tế trung bình bị thiếu của toàn khóa 47 là 43,64%.

Nếu tính cả số giờ thực tập nghề nghiệp thì số giờ bị thiếu của toàn khóa 47 là 66,58%. Tất cả các lớp khóa 47 chưa được thực tập nghề nghiệp.

Theo giải trình của Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, khóa 47 được tuyển sinh và nhập học vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong cả nước. Thực hiện chủ trương về phòng, chống dịch của Trung ương và địa phương, tại một số thời điểm, học sinh toàn trường phải nghỉ học để giãn cách xã hội, làm ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo của nhà trường. Từ tháng 8/2022, trường đã bố trí lịch đào tạo bổ sung các nội dung còn thiếu so với chương trình đào tạo.

Về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, qua xác minh cho thấy, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã chủ động điều chỉnh thời lượng đào tạo đối với các môn học/ mô đun của các khóa 46, 47, 48, 49 hệ trung cấp cho học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ngay từ thời điểm đầu năm học.

Căn cứ các chương trình đào tạo ban hành theo Quyết định số 94/QĐ-CĐCNVĐ và số 152a/QĐ-CĐCNVĐ, các môn học/ mô đun được xây dựng và thực hiện theo từng học kỳ, bao gồm thời gian học tập, thời gian ôn thi và thời gian thi kết thúc môn học/ mô đun.

Qua đó, Kết luận số 6919/KL-BCT của Bộ Công thương nhận định, việc Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức xây dựng kế hoạch đào tạo các năm học theo hướng chia tách nội dung đào tạo với các môn học/ mô đun thành 2 thời điểm khác nhau là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 2 và điểm a khoản 2 Điều 12 của Thông tư số 09/2017/BLĐTBXH, đồng thời chưa phù hợp nội dung chương trình đào tạo theo Quyết định số 94/QĐ-CĐCNVĐ và Quyết định số 152a/QĐ-CĐCNVĐ của nhà trường.

Cụ thể, kết luận này trích dẫn, với khóa 46 thời lượng đào tạo trung bình toàn khóa bị thiếu là 21,38%. Hiện các học sinh đã tốt nghiệp và nhà trường chưa thể giảng dạy bổ sung phần chương trình bị thiếu.

Với khóa 47, dự kiến thời gian tốt nghiệp vào tháng 12/2022. Thời lượng đào tạo trung bình toàn khóa bị thiếu là 66,58%. Hiện Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đang tiếp tục tổ chức dạy phần kiến thức bổ sung cho các lớp của khóa này.

Kết luận cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức có hành vi "chỉ đạo cắt giảm giờ đào tạo trái quy định" và nhà trường "cắt giảm giờ đào tạo trái quy định". Ảnh minh họa: CTV
Kết luận cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức có hành vi "chỉ đạo cắt giảm giờ đào tạo trái quy định" và nhà trường "cắt giảm giờ đào tạo trái quy định". Ảnh minh họa: CTV

Ngoài ra, kết luận này cho rằng, nhà trường bắt đầu triển khai hoạt động tổ chức dạy cho các lớp hệ Trung cấp khóa 46 đối với học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên từ tháng 9/2018, khóa 47 từ tháng 9/2019.

Trong thời gian đó, công tác giảng dạy, học tập được triển khai bình thường cho đến tháng 1/2020 mới bùng phát dịch bệnh Covid-19, nên việc nhà trường giải thích lý do về dịch bệnh đối với khóa 46, 47 trong thời gian này là không phù hợp.

Quá trình xác minh cho thấy Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã có một số thiếu sót, vi phạm về việc thực hiện chương trình đào tạo và quản lý hồ sơ, sổ sách trong đào tạo.

Mặc dù có những vi phạm đã được nêu nhưng kết luận này cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức có hành vi "chỉ đạo cắt giảm giờ đào tạo trái quy định" và nhà trường "cắt giảm giờ đào tạo trái quy định".

Kết luận của Bộ Công thương cũng khẳng định, việc giảng dạy thiếu giờ so với giờ theo quy định của chương trình đào tạo hệ Trung cấp các khóa 46, 47, 48, 49 cho học sinh tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết tại các Trung tâm của trường đã và đang diễn ra. Việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện định mức giờ giảng và thu nhập của giáo viên tham gia giảng dạy các khóa này.

Trung Dũng