Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết "20 năm đi dạy lương hơn 2 triệu, giảng viên CĐ Công nghiệp Việt Đức "kêu cứu" được đăng tải ngày 6/10/2022, liên quan đến những bức xúc của những giảng viên tại Trường cao đẳng Việt Đức (Thái Nguyên) về việc, trong quá trình giảng dạy, tất cả các môn học, mô đun của các lớp liên kết đào tạo hệ trung cấp với trường này đã bị Hiệu trưởng chỉ đạo cắt giảm số giờ đào tạo một cách vô lý.
Các giảng viên cũng cho rằng, việc làm này đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học viên và thu nhập hàng tháng của các giảng viên trong trường.
Ngoài ra, theo các giảng viên, dù họ chỉ được dạy từ 50% đến 60% số giờ của chương trình, nhưng khi ghi nội dung giảng dạy trong mô đun vào sổ lên lớp thì họ phải ghi đầy đủ các đề mục thể hiện là đã dạy đủ 100% số giờ trong chương trình đào tạo.
Sau khi bài viết được đăng tải, Bộ Công thương đã vào cuộc xác minh. Theo đó, ngày 3/11/2022 Bộ Công thương đã có Kết luận số 6919/KL-BCT với Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức liên quan đến các nội dung này.
Hiệu trưởng cao đẳng Công nghiệp Việt Đức để xảy ra nhiều khuyết điểm, thiếu sót
Qua xác minh nội dung đơn tố cáo liên quan đến công tác tổ chức giảng dạy các lớp hệ Trung cấp cho học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để đào tạo nghề, Bộ Công thương đã chỉ ra một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức.
Trong Kết luận nội dung tố cáo, Bộ Công thương yêu cầu Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức phải ban hành văn bản gửi học sinh khoá 46 đã tốt nghiệp về việc giảng dạy bổ sung khối lượng còn thiếu. Ảnh: CTV |
Cụ thể, về khối lượng giảng dạy, nhà trường đã giảm giờ đào tạo thực tế với học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thái Nguyên để đào tạo trình độ trung cấp.
Việc giảm giờ đào tạo thực tế sau khi dịch Covid-19 qua đã được trường khắc phục bằng việc bổ sung kiến thức cho các lớp. Tuy nhiên, Khoá K46 đã tốt nghiệp nên việc bổ sung kiến thức là rất khó thực hiện. Việc giảm giờ đào tạo đã trực tiếp ảnh hưởng tới mức độ hoàn thành khối lượng giảng dạy yêu cầu cũng như thu nhập của giáo viên.
Qua đó, kết luận này chỉ rõ, trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm trên thuộc về Hiệu trưởng với vai trò là người đứng đầu đơn vị, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thu chi tài chính đã thiếu kiểm tra, giám sát trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Đồng thời, Phòng Đào tạo, Trưởng phòng Đào tạo với vai trò tham mưu xây dựng và trình Hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch giảng dạy đầu năm học; Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Kế toán - Tài chính chưa sâu sát trong phối hợp thực hiện công tác; Ban Thanh tra Nhân dân, Bộ phận khảo thí, Bộ phận Đảm bảo chất lượng giáo dục trong thực hiện chức trách kiểm tra, giám sát; Trưởng, phụ trách các Khoa, Tổ môn với vai trò phối hợp, thực hiện phân công giảng viên giảng dạy.
Bên cạnh đó, về việc quy đổi giờ chấm thi kết thúc mô đun, môn học ra giờ chuẩn cũng được kết luận này chỉ ra nhiều vấn đề sai sót. Theo đó, từ năm 2020 trở lại đây, Trường cao đẳng Việt Đức chưa thực hiện đầy đủ việc quy đổi công tác chấm thi ra giờ chuẩn.
Căn cứ quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 09/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ công tác của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 253/QĐ-CĐCNVĐ ngày 24/9/2020 của Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức là không đúng quy định. Khối lượng giờ chấm thi chưa được quy đổi này cũng ảnh hưởng tới mức độ hoàn thành khối lượng giảng dạy đã yêu cầu, làm giảm thu nhập của giảng viên, giáo viên, gây bức xúc trong dư luận Trường.
Kết luận này chỉ rõ, trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm trên thuộc về lãnh đạo Trường, Hiệu trưởng với vai trò là người đứng đầu đã phê duyệt các Quy định, Quy chế đối với giảng viên, giáo viên. Đồng thời, thiếu kiểm tra, giám sát trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Phòng Đào tạo, Trưởng phòng Đào tạo với vai trò tham mưu các nội dung chuyên môn về kế hoạch và tiêu chuẩn đào tạo, xây dựng Quy định, Quy chế; Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Kế toán - Tài chính chưa sâu sát trong phối hợp thực hiện công tác, tham mưu xây dựng Quy định, Quy chế; Ban Thanh tra Nhân dân, Bộ phận khảo thí, Bộ phận Đảm bảo chất lượng giáo dục trong thực hiện chức trách kiểm tra, giám sát.
Trường cao đẳng Việt Đức phải chấm dứt tình trạng dạy thiếu khối lượng kiến thức
Căn cứ kết quả xác minh, Bộ Công thương cũng đã nêu ra yêu cầu với các đơn vị, cá nhân tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức trong kết luận.
Đối với nhà trường, Bộ này yêu cầu tập thể lãnh đạo, Hiệu trưởng nhà trường phát huy vai trò người đứng đầu đơn vị, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng văn hoá công sở, duy trì mối đoàn kết trong nhà trường.
Đồng thời, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tố cáo đến toàn thể giảng viên, giáo viên người lao động; Công khai, minh bạch, tăng cường mối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ trường.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, phối hợp đối với hoạt động tuyển sinh, tổ chức giảng dạy. Thanh toán giờ giảng cho giảng viên giáo dạy hệ Trung cấp cho học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các nội dung liên quan được nêu tại phần kết luận xác minh.
Bên cạnh đó, nhà trường cần rà soát, chấn chỉnh hoạt động đào tạo các khoá 47, 48, 49 đối với các học sinh hệ Trung cấp đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Nghiêm túc thực hiện dạy bổ sung các nội dung còn thiếu so với chương trình đào tạo. Đồng thời, chấm dứt tình trạng dạy thiếu khối lượng kiến thức theo chương trình đào tạo đã ban hành.
Ngoài ra, nhà trường cần phải tổng hợp phần kinh phí do thanh khối lượng giờ đã giảng dạy hệ Trung cấp cho khoá K46 đối với học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn dư, xây dựng phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Rà soát, tổng hợp phần chênh lệch giữa khối lượng thanh toán giờ đã giảng dạy thực tế cho các khoá 47, 48, 49 đối với học sinh hệ Trung cấp đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (số giờ đã dạy kể từ năm 2019 cộng với số giờ dạy bổ sung) với số giờ theo chương trình đào tạo; hạch toán theo đúng quy định của pháp luật.
Rà soát, tổng hợp toàn bộ khối lượng công tác chấm thi Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức chưa thực hiện quy đổi ra giờ chuẩn đối với tất cả các cấp, các hệ. Nghiên cứu có phương án thanh toán bổ sung cho giảng viên phù hợp với quy định; hạch toán theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi Bộ Công thương vào cuộc, nhiều sai sót, khuyết điểm tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã được phơi bày. Ảnh: CTV |
Bên cạnh đó, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức cũng được yêu cầu rà soát, tổng hợp toàn bộ khối lượng giờ giảng dạy các môn/ khối lượng kiến thức thực hành đối với tất cả các cấp, các hệ theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH; nghiên cứu có phương án thanh toán bổ sung phần khối lượng thiếu (nếu có) cho giáo viên theo quy định.
Khẩn trương xây dựng quy định về thời gian một giờ dạy môn thực hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 07/2017/BLĐTBXH thay thế quy định tại Quyết định số 253/QĐ-CĐCNVĐ.
Rà soát, bổ sung thu nhập đối với khối lượng giảng dạy cho giáo viên được hưởng theo quy định. Xem xét, đánh giá, phục hồi các chế độ thi đua, khen thưởng, bổ sung phần thu nhập tăng thêm căn cứ theo quy định tại Quy chế nội bộ của trường đối với các trường hợp giảng viên bị thiếu khối lượng giảng dạy do cách tính thiếu giờ giảng dạy dẫn đến không đạt điều kiện thi đua, đánh giá cuối năm và các chế độ khen thưởng đi kèm.
Trong kết luận này cũng yêu cầu Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức rà soát, tổng hợp và đánh giá đối với tất cả các khoá, các hệ đào tạo trong thời gian qua. Đồng thời, cần rà soát Kế hoạch đào tạo, chương trình, tiến độ đào tạo đối với các khoá tuyển sinh từ năm 2022 trở đi, không để xảy ra tình trạng đào tạo không đảm bảo theo quy định.
Nhà trường cũng cần tiếp tục ban hành văn bản gửi học sinh khoá 46 đã tốt nghiệp về việc giảng dạy bổ sung khối lượng còn thiếu, đảm bảo chất lượng đào tạo. Rà soát, kiểm tra lại Sổ lên lớp các khoá từ 46 đến 49. Chấm dứt ghi chép sổ không đúng quy định, bảo đảm lưu trữ khoa học.
Rà soát các quy định về chế độ giờ giảng của giảng viên, giáo viên, nhất là chế độ giảng dạy các môn thực hành, các mô đun đảm bảo theo quy định. Rà soát công tác tài chính liên quan đến thu - chi ngân sách Nhà nước được cấp, thu từ học phí và việc chi trả lương, chế độ cho giảng viên, giáo viên đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo phân cấp quản lý, tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân có liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm được nêu ra.
Công khai việc thực hiện Kết luận xác minh theo Điều 6 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018.
Thực hiện nghiêm túc Kết luận xác minh; kết quả thực hiện báo cáo về Bộ Công thương (qua Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp) trước ngày 30/12/2022.