Năm học 1991-1992, tôi học lớp 5 Trường Tiểu học Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị), do cô Lê Thị Oanh làm chủ nhiệm. Đã 30 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỉ niệm về cô – người giáo viên dạy giỏi nhiều môn: Toán, Tiếng Việt, Vẽ, Nhạc… và giàu lòng yêu thương với các thế hệ học sinh trường làng nghèo khó.
Học sinh chúng tôi thời đó khốn khổ trăm bề, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, còn việc học thì hầu hết các bậc cha mẹ đều giao hết cho thầy cô. Ngoài giờ lên lớp, cô Oanh vẫn phải làm công việc đồng áng để mưu sinh vì đồng lương ít ỏi. Có lẽ vì thế cô rất thấu hiểu hoàn cảnh của học sinh để rồi “cháy” hết mình với từng tiết học, từng bài giảng.
Cô Oanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của tác giả bài viết. (Ảnh: FBNV) |
Cô Oanh giảng Toán rất dễ hiểu, nhiều bạn tiến bộ hẳn và học giỏi môn này như bạn lớp trưởng Bùi Hữu Lê A. (đã mất), lớp phó học tập Nguyễn Thị Nhã... Tôi thích cô dạy Văn vì cô đọc thơ hay và truyền cảm lắm (sau này tôi mới biết cô còn làm thơ và có nhiều bài thơ được đăng báo).
Tôi đặc biệt thích cô Oanh dạy nhạc, cô hát hay và thường tập cho lớp trong khoảng 20 phút là tất cả học sinh đều thuộc lời một bài hát ngắn, hát đúng giai điệu. Đến nay, tôi vẫn nhớ như in “Bài ca trong đêm lửa trại” (lời Lê Minh Cường) được cô tập hát trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm.
Lửa ơi cháy lên đi ta nắm tay cùng vui liên hoan. Lửa ơi bốc cao lên cho tình bạn bốn phương thêm thân. Lửa cháy chiếu ánh sáng ngời bao mắt cười say trong câu hát. Dù mai muôn nơi gian khó vẫn xứng danh con cháu Bác Hồ. Lửa ơi cháy nhanh lên đi! Lửa ơi bốc cao lên đi! Lửa ơi lửa trại vui lửa nhiệt tình trong đêm liên hoan.
Kỉ niệm về cô chủ nhiệm thì nhiều lắm, ví như lần cắm trại nhân dịp sinh nhật Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 26/3 năm 1992. Học sinh chúng tôi chung nhau từng bó củi nhỏ, từng lon gạo, từng cây tre… dựng hội trại trong 2 ngày nhưng niềm vui, sự hân hoan thì vẫn còn đọng lại sau nhiều tháng.
Tuổi thơ chúng tôi có được những phút giây vừa học vừa chơi thoải mái (thời đó phương tiện nghe nhìn rất hạn chế) và đến nay còn lưu giữ nhiều kỉ niệm đẹp cũng nhờ một phần sự yêu thương, gắn bó, che chở của cô Oanh.
Nhưng kỉ niệm khắc sâu trong tâm trí nhiều nhất đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 1991. Nhóm chúng tôi có 4 bạn gồm tôi, Dũng, Anh và Thành dành dụm được 2.500 đồng, mua quyển sổ 2000 đồng (tương đương 4 cái bánh bích quy) làm quà tặng cô Oanh.
Sáng 20/11 lớp chúng tôi có mặt đông đủ ở nhà cô giáo chủ nhiệm. Cô đã chuẩn bị sẵn bánh kẹo mời chúng tôi ăn và cùng trò chuyện rất tự nhiên, rôm rả. Bỗng, cô hỏi: “Các em đã chuẩn bị quà tặng cô Lệ (giáo viên chủ nhiệm năm lớp 4) hay chưa?” Chúng tôi ngớ người một lúc (cũng bởi trẻ người non dạ) và thật thà nói với cô là chưa chuẩn bị gì cả.
Ngay sau đó, cô Oanh tự tay chọn những bông hoa đẹp nhất trong số những bó hoa chúng tôi mang đến tặng, gom thành một bó và bảo lớp tranh thủ thời gian ghé thăm cô Lệ.
Lớp chúng tôi đến thăm cô chủ nhiệm cũ vào chiều muộn chỉ có một bó hoa tươi nhưng ai cũng cảm nhận được sự hân hoan trên gương mặt cô giáo. (Cô Lệ đã mất vì một căn bệnh hiểm nghèo).
Học theo sự ứng xử của cô Oanh, hơn 15 năm làm nghề dạy học, tôi luôn tử tế với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh. Mỗi khi đối mặt với những khó khăn, thử thách trong công việc, tôi luôn suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Cũng bởi lẽ đó, công việc của tôi khá trôi chảy, cùng với đó tôi luôn nhận được tình yêu mến từ nhiều người.
Tốt nghiệp tiểu học, lên trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông tôi may mắn gặp được nhiều cô giáo chủ nhiệm dạy giỏi và tràn đầy tình yêu thương với học sinh không khác gì cô Oanh. Đó là cô Miên (dạy Văn lớp 6), cô Lan (dạy Địa lí lớp 7), cô Lành (dạy Văn lớp 8), cô Hiền (dạy Văn lớp 9), cô Lương (dạy Văn suốt 3 năm lớp 10, 11, 12). Bên cạnh đó, các giáo viên bộ môn cũng hết lòng dạy dỗ chúng tôi nên người.
Và một điều khiến tôi cảm thấy chạnh lòng đó là, hàng năm học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đua nhau họp lớp cuối cấp – lớp 9, lớp 12, thầy trò có dịp ngồi lại với nhau ôn những kỉ niệm đã qua rất vui vẻ. Tuy vậy, hầu như học sinh bậc tiểu học thì chẳng mấy ai tổ chức họp lớp 5 để tri ân thầy cô.
Riêng tôi, tôi vẫn theo dõi cuộc sống của cô giáo chủ nhiệm lớp 5 qua trang Facebook cá nhân Oanh Lê. Thỉnh thoảng cô trò vẫn tương tác, cùng nhau bàn về chuyện dạy học thời nay, tôi thấy cô vẫn còn yêu nghề lắm. Tôi cảm thấy vui mỗi khi cô có thơ được đăng báo hay những lúc cô chia sẻ về những điều thú vị trong cuộc sống.
Năm nay, mùa Hiến chương Nhà giáo lại về, có một nhà báo phỏng vấn tôi rằng, cơ duyên nào khiến tôi chọn nghề giáo viên? Tôi trả lời, sở dĩ tôi chọn nghề giáo vì từ thuở còn là học sinh phổ thông, tôi đã rất thần tượng các thầy, cô giáo của mình và xem đó là hình mẫu lí tưởng. Cho đến nay, tôi vẫn khẳng định sự lựa chọn nghề giáo của tôi là hoàn toàn đúng đắn, không có gì hối tiếc cả dẫu công việc còn lắm khó khăn, vất vả nhọc nhằn.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), qua bài viết này, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến cô Oanh và tất cả thầy cô giáo của tôi thời phổ thông. Chính thầy cô đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê với nghề giáo để giờ đây tôi được làm nghề, sống tử tế với nghề và được nhiều học sinh tôn trọng, thương yêu.