6 nguyên nhân khiến giáo viên băn khoăn, ái ngại với học chứng chỉ tích hợp

27/11/2022 06:32
Minh Khôi
GDVN- Nhiều giáo viên rất ái ngại đi học bồi dưỡng vì giáo viên tự đăng ký học phải tốn nguồn tiền khá lớn, ngoài ra còn kinh phí đi lại, ăn uống, tài liệu,…

Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 sau nhiều năm chuẩn bị được ban hành vào năm 2018.

Ở cấp trung học cơ sở, xuất hiện 2 môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý khi triển khai nảy sinh nhiều phức tạp, rối rắm.

Môn tích hợp từ lúc có chương trình và triển khai nay đã 5 năm nhưng số lượng giáo viên có chứng chỉ 2 môn trên để đủ điều kiện tối thiểu để được giảng dạy thì lại vô cùng ít.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trong bài viết này cùng tìm hiểu các nguyên nhân vì sao đến giờ này có rất ít giáo viên có chứng chỉ tích hợp.

Thứ nhất, cơ sở pháp lý của chứng chỉ tích hợp không rõ ràng

Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 cho phép người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được học thêm từ 20-36 tín chỉ để dạy môn “tích hợp”.

Hai Quyết định trên đều quy định: Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Tức là có thể hiểu, giáo viên cao đẳng, đại học đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, sau khi bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là đủ điều kiện được giảng dạy 2 môn tích hợp.

Nếu giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm, sau đó có chứng chỉ tích hợp thì vẫn hưởng lương cao đẳng (hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89), vẫn là giáo viên chưa đạt chuẩn.

Giả sử giáo viên đang có bằng cao đẳng Sinh học, theo quy định phải học 30 tín chỉ của môn Vật lý, Hóa học để được dạy môn Khoa học tự nhiên, nhưng vẫn là giáo viên chưa đạt chuẩn, vẫn có thể bị tinh giản biên chế.

Giáo viên trên muốn đạt chuẩn, muốn hưởng lương đại học (hạng III mới) phải học nâng chuẩn đại học, nhưng không biết sẽ học đại học môn Sinh học hay Khoa học tự nhiên?

Chỉ khi giáo viên có trình độ đại học, có chứng chỉ tích hợp thì được coi như đạt chuẩn, được xếp lương giáo viên hạng III mới hoặc hạng II mới.

Tuy nhiên, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo” như sau: “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Theo Luật Giáo dục, để được quy định đạt chuẩn phải có bằng cử nhân của môn đào tạo trong trường sư phạm hoặc cử nhân môn đào tạo ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Chương trình mới xuất hiện môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nên quy định giáo viên có bằng đại học sư phạm đơn môn, có thêm chứng chỉ Khoa học tự nhiên được xem là đạt chuẩn chưa ổn, chưa được quy định trong Luật Giáo dục.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định về bổ nhiệm xếp lương giáo viên trung học cơ sở để được xếp lương hạng III trở lên, về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng phải “Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Với quy định tại Thông tư 03 này, giáo viên các đơn môn có trình độ đại học, có chứng chỉ tích hợp khó có thể được bổ nhiệm, xếp lương giáo viên hạng III.

Thứ hai, quy định bồi dưỡng 20-36 tín chỉ để dạy được môn tích hợp thiếu cơ sở khoa học

Ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, nội dung 2 Điều 7 quy định khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể như sau (trích): Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành…

Có thể hiểu, để học một đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý ít nhất phải học 120 tín chỉ, nếu trừ kiến thức chung, sinh viên cũng phải học ít nhất 60 tín chỉ chuyên ngành và phải đạt điểm quy định mới được cấp cử nhân đơn môn.

Vậy, cơ sở khoa học nào để quy định giáo viên đơn môn học thêm môn hoàn toàn mới trong 20-36 tín chỉ là có chứng chỉ tích hợp và đủ điều kiện dạy được 2, 3 phân môn?

Thứ ba, giáo viên khó sắp xếp thời gian, địa điểm học chứng chỉ

Đây cũng là một vấn đề rất khó, giáo viên thực hiện nhiệm vụ tại trường học, phải giảng dạy đủ số tiết quy định, phải thực hiện các nhiệm vụ khác.

Các Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT đều quy định thời gian bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là 3 tháng.

Tuy nhiên, với 20-36 tín chỉ (300-540 tiết) thì giáo viên đang giảng dạy tại các trường công lập khó có thể bồi dưỡng trong 3 tháng vì vừa phải bồi dưỡng, vừa phải công tác giảng dạy tại trường học.

Nếu được trường cho phép học bồi dưỡng thứ Bảy, Chủ nhật thì thời gian bồi dưỡng không dưới 1 năm, chưa kể các trường hợp phát sinh khác.

Về địa điểm, mặc dù có nhiều giáo viên cần có chứng chỉ tích hợp nhưng đối tượng khác nhau, giáo viên Vật lý phải học Hóa học, Sinh học; giáo viên Sinh học phải học Vật lý, Hóa học; giáo viên Lịch sử học Địa lý,… nên rất khó mở các lớp tại gần nơi mình đang công tác hoặc sinh sống vì không đủ số lượng, đa số phải tập trung về các thành phố lớn, trung tâm, có giáo viên phải di chuyển hàng trăm cây số để bồi dưỡng thời gian dài, rất khó khăn.

Địa điểm học xa nhà, giáo viên khó sắp xếp thời gian để bồi dưỡng thời gian dài, nên kế hoạch bồi dưỡng sau 5 năm vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Thứ tư, lo lắng về kinh phí học

Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT quy định về chuyện học phí khi giáo viên đi học bồi dưỡng chứng chỉ:

Tại mục 7.6. Kinh phí bồi dưỡng chương trình bồi dưỡng giáo viên tích nêu rõ:

“Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;

Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng;

Do người học tự đóng góp.”

Như vậy, kinh phí dành cho việc bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp có 2 nguồn là từ ngân sách hoặc do người học tự đóng tiền học.

Chính vì quy định chưa rõ ràng trên, không quy định rõ nguồn kinh phí bồi dưỡng nên nhiều giáo viên rất ái ngại khi đăng ký học bồi dưỡng vì giáo viên tự đăng ký học phải tốn nguồn tiền khá lớn, ngoài ra còn kinh phí đi lại, ăn uống, tài liệu,…

Giáo viên lo lắng tốn nguồn tiền quá lớn cho việc bồi dưỡng khi lương, thu nhập còn thấp.

Các cơ sở giáo dục cũng không đủ ngân sách để bỏ kinh phí cử giáo viên bồi dưỡng vì ngoài học phí còn phải lo kinh phí đi lại, khách sạn và trong thời gian giáo viên học thiếu giáo viên giảng dạy tại trường.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có việc "bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới".

Có nghĩa là, giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới phải được miễn phí nhưng Quyết định 2454, 2455 lại quy định về kinh phí bồi dưỡng có nội dung do người học tự đóng góp nên giáo viên hoang mang, và nó có đúng với tinh thần của Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ?.

Thứ năm, sinh viên cũng ngại học môn tích hợp

Hiện nay và trong thời gian tới, số lượng sinh viên sư phạm các ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ không nhiều vì các nguyên nhân:

Các em sợ khó xin được việc, tuy là môn học mới rất cần sinh viên chính quy, đào tạo đúng chuyên ngành nhưng lại không dễ xin được việc vì sau khi tích hợp 5 đơn môn thành 2 môn, dù tổng số tiết chênh lệch không nhiều nhưng cơ bản sẽ dôi dư ra 1 lượng giáo viên, khi mà giáo viên có dôi dư thì sẽ khó có chỉ tiêu để tuyển dụng được sinh viên sư phạm 2 môn trên.

Trong 1 vài năm tới rất khó có chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu rất ít cho giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Thứ sáu, cả giáo viên và học sinh lo lắng không đủ kiến thức dạy môn tích hợp

Giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung học cơ sở, trước đây đa số có trình độ cao đẳng sư phạm, học 1 hoặc 2 môn ghép như Toán – Lý, Lý – Công nghệ, Sinh – Công nghệ, Sử - Giáo dục công dân, Văn – Sử,…

Giáo viên về giảng dạy tại các trường thường được chỉ phân công giảng dạy 1 môn chính, vì dạy 2 môn không chuyên sâu không hiệu quả, và đa số hiện nay đã chuẩn hóa trình độ đại học (đa số hệ từ xa, tại chức) 1 môn.

Giáo viên tại các trường trung học cơ sở từ bậc phổ thông có rất ít người giỏi được cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, và sau khi học và dạy chuyên 1 môn thì kiến thức của 2 môn còn lại đã “rơi rụng” dần.

Đừng trách giáo viên ngại khó, ngại khổ khi đi học thêm 1, 2 phân môn để giảng dạy được môn tích hợp vì thực tế họ rất lo lắng với điều kiện hiện nay và sức khỏe, trí tuệ giảm sút hầu như không thể học thêm được 1, 2 phân môn để giảng dạy cho học sinh tường tận, chi tiết theo kiểu thầy biết 10 dạy 1.

Vẫn sẽ có một số ít giáo viên trẻ, giỏi có khả năng đáp ứng việc giảng dạy được 2, 3 phân môn nhưng con số này không nhiều. Phần đông không đáp ứng, sẽ rất khó thực hiện chương trình 2 môn này trong thời gian tới.

Đối với học sinh thì cũng có nhiều em ái ngại, băn khoăn khi chọn lựa ngành Khoa học tự nhiên vì số lượng học sinh khá, giỏi cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở cấp trung học phổ thông không nhiều.

Qua trao đổi, các em cũng băn khoăn liệu sau quá trình học đại học, các em có đủ kiến thức để ra trường giảng dạy được 3 phân môn khó trên hay không? Các em cũng băn khoăn khi học giữa chừng cảm thấy không phù hợp sẽ không còn cơ hội quay trở lại?

Các trường sư phạm hiện nay cũng lo lắng khi năm học này học sinh lớp 10 được chọn tổ hợp môn gồm 4/9 môn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.

Vì chỉ được chọn 4 trong 9 môn, nên rất ít trường xây dựng tổ hợp có đủ 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, các trường sư phạm cũng rất đau đầu tìm nguồn tuyển sinh viên sư phạm ngành Khoa học tự nhiên trong 3 năm tới.

Rõ ràng về mặt thiết kế, chuẩn bị, triển khai, đào tạo, bồi dưỡng, lộ trình thực hiện, bố trí sách giáo khoa,… của 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở đều còn nhiều bất cập, vướng mắc khó có thể tháo gỡ.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những buổi hội thảo cùng các chuyên gia, giáo viên, các trường đại học sư phạm,… tìm hướng giải quyết tháo gỡ dứt điểm 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-404-QD-TTg-2015-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-270720.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi