Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút triển khai “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi”. Vấn đề này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.
Nên hạ chuẩn trình độ giáo viên mầm non
Bày tỏ quan điểm về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi, bà Nguyễn Thị Minh Quý, công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết:
"Hiện huyện Sìn Hồ đã thực hiện được công tác huy động gần như 100% trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi đến lớp. Tuy nhiên, về các điều kiện để giáo dục cho các em thì chưa thể đảm bảo. Đặc biệt là khó khăn trong nguồn tuyển dụng đội ngũ giáo viên.
Các em học sinh Trường Mầm non Nậm Cha, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu trong giờ ra chơi (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ). |
Hiện tại, toàn huyện Sìn Hồ còn thiếu 28 giáo viên cấp mầm non theo quy định, nhưng theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên. Điều này gây ra khó khăn trong việc tìm nguồn tuyển giáo viên mầm non trên địa bàn, bởi hầu hết những giáo viên có trình độ cao đẳng hay đại học cũng đều lựa chọn làm việc tại những nơi có điều kiện sống tốt hơn như đồng bằng.
Do vậy, tôi mong rằng, có thể hạ chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non cho riêng những vùng khó, vùng cao như huyện Sìn Hồ để chúng tôi có thêm nguồn tuyển, đảm bảo trẻ được học tập đầy đủ”.
Cũng theo bà Quý, để khắc phục vấn đề thiếu đội ngũ giáo viên trên, phía huyện Sìn Hồ cũng đã có những biện pháp như cho giáo viên của trường đang thiếu ít nhân lực dạy kiêm nhiệm thêm lớp của trường thiếu nhiều. Do vậy, có nhiều giáo viên mầm non trên địa bàn hiện nay đang phải dạy cho cả hai trường nên rất vất vả.
Ngoài vấn đề khó khăn về đội ngũ giáo viên, các trang thiết bị, bếp ăn, nhà vệ sinh của các trường mầm non trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục cho các em.
Vậy nên, bà Quý cũng hi vọng, các cấp có thẩm quyền có thể bổ sung thêm kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các bếp ăn, nhà vệ sinh, phòng bộ môn cho các nhà trường.
Bên cạnh đó, bà Quý cũng chia sẻ, bản thân cũng mong muốn tất cả các trẻ 3 - 4 tuổi trên địa bàn được học “Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo” theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, hiện cũng chỉ có số ít trường có điều kiện thực hiện được chương trình này. Do đây là một chương trình được áp dụng tùy theo nguyện vọng của gia đình, nên nguồn kinh phí học cho các em phải do phụ huynh tự đóng góp. Bởi vậy, phía huyện cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động phụ huynh đóng góp cho các con đi học.
Hầu hết người dân huyện Sìn Hồ đều là đồng bào dân tộc thiểu số nên kể cả việc nộp 5.000 - 10.000 đồng đã khó chứ chưa nói đến việc nếu học theo chương trình tiếng Anh thì một tuần các cháu phải học 2 buổi sẽ cần phải đóng 50.000 đồng/tuần.
Bà Quý tin rằng, nếu các cấp có thẩm quyền có chế độ hỗ trợ cho các con vùng cao thêm được phần chi phí học tập tiếng Anh, sẽ giúp các con có thể được phát triển toàn diện, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước.
Cũng bàn về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thơm, công tác tại bộ phận giáo dục mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho hay, đối với trẻ 3 - 4 tuổi, để thực hiện được công tác phổ cập giáo dục thì hầu như mọi thứ của những huyện miền núi đều khó khăn.
Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác giáo dục mầm non của huyện Mường Chà là các em học lớp mẫu giáo ghép nhưng lại không có chương trình dạy cho hình thức lớp này.
Cô giáo cùng các em học sinh Trường Mầm non số 1 Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà). |
Việc học lớp ghép sẽ giúp cho trẻ em mẫu giáo vùng cao có cơ hội được tiếp cận giáo dục. Bởi điều kiện kinh tế của các huyện vùng này gặp khó khăn, giao thông đi lại vất vả, dân cư phân bố thưa thớt.
Hiện các trường mầm non trên địa bàn huyện Mường Chà cũng đã lập ra những kế hoạch tùy theo hoạt động của lớp học để buổi học được diễn ra hiệu quả hơn như xác định buổi học đó có thể dạy chung hay riêng theo độ tuổi,... Nhưng vẫn gặp nhiều bất cập do trẻ không cùng lứa tuổi, đặc biệt là đối với lớp ghép cho trẻ 3 và 4 tuổi.
Cũng theo bà Thơm, hàng năm trường cũng có những mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, quần áo, sách vở,... cho các em nhưng chỉ cải thiện được phần nào. Chính sách mỗi năm từ địa phương do là vùng khó khăn nên cũng không có nhiều.
Cơ sở vật chất của các trường mầm non trên địa bàn huyện cũng còn thiếu trầm trọng, thậm chí, có những trường không có cả đường nước chứ chưa nói đến các thiết bị dạy học hay đồ chơi cho trẻ.
Do vậy, theo bà Thơm, để công tác phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo trong thời điểm hiện tại được diễn ra thuận lợi thì cần phải cải thiện, khắc phục từ chương trình học tới các cơ sở vật chất cho những vùng khó, vùng cao như huyện Mường Chà.
Đồng tình về những khó khăn mà các trường mầm non trên vùng đồi núi đang gặp phải, cô Phạm Thị Chang, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện tại, Trường Mầm non Cổ Lũng đã hoàn thành được việc phổ cập được giáo dục cho trẻ 4 tuổi. Tuy nhiên, đối với trẻ 3 tuổi chắc phải đến 2025 mới có thể phổ cập được.
Bởi Trường Mầm non Cổ Lũng thuộc một miền núi, nằm ở vùng phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên khu vực có địa hình rộng, lắm đồi nên việc di chuyển đưa trẻ đến trường học cũng gặp một số bất cập. Có những bạn ở khu vực cách trường học đến 6 - 7km nên việc huy động trẻ 3 tuổi đến lớp của trường vẫn còn nhiều khó khăn.