Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030".
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn rằng, nếu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi trong thời điểm hiện tại thì có đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các trường mầm non vùng khó, những nơi đang thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực?
Khó khăn nếu triển khai vì thiếu cơ sở vật chất và giáo viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi”, bà Nguyễn Thị Huế công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết:
“Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum và Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Đăk Glei cũng đã chỉ đạo, phối hợp cùng các trường mầm non trên địa bàn để nâng cao tỉ lệ huy động trẻ 3 - 4 tuổi đến lớp.
Các em học sinh trong giờ vui chơi tại trường Mầm non xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum (Nguồn: Website huyện Đăk Glei). |
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, cũng như theo nhu cầu của các trường trong năm học 2022 - 2023, thì huyện Đăk Glei còn thiếu 55 giáo viên cấp mầm non. Đó là còn chưa tính đến cả số lượng cán bộ quản lý của các trường mầm non cũng còn thiếu.
Không những vậy, thực tế trong 12 điểm trường mầm non/ 12 xã, thị trấn của huyện Đăk Glei, chỉ có 1 đơn vị trường có thể đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị, phòng học để huy động được 100% trẻ 3 - 4 tuổi đến lớp.
Do vậy, nếu triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi thì theo tôi sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có đủ giáo viên cũng như cơ sở vật chất".
Bên cạnh đó, theo bà Huế chia sẻ, gần như 100% người dân trên địa bàn huyện Đăk Glei đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nên trình độ nhận thức của các bậc phụ huynh còn chưa cao. Họ chưa có nhận thức sâu sắc trong việc cho trẻ 3 - 4 tuổi đến lớp để các con được học tập, giáo dục và phát triển theo đúng lứa tuổi của mình.
Cũng theo bà Huế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei đã xây dựng lộ trình kế hoạch về kiểm định chất lượng cho các trường mầm non trên địa bàn nhưng chưa thể đồng bộ vì còn nhiều bất cập.
Phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei cũng cùng các trường mầm non trên địa bàn thực hiện những đề án để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ mầm non như: “Nâng cao chất lượng đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025” theo Nghị quyết 26/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Tỉnh Kon Tum; Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cho cả trẻ mầm non và tiểu học” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Khó đảm bảo tỉ lệ chuyên cần của trẻ 3 - 4 tuổi
Cũng đồng tình về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi gặp nhiều khó khăn do thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, cô Nguyễn Thị Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bày tỏ quan điểm:
“Mặc dù Trường Mẫu giáo Trà Giác đã thực hiện được công tác vận động được 100% trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp học nhưng tỉ lệ chuyên cần thì khó có thể đảm bảo. Bởi nhiều trẻ nhà xa, nên kể cả trường đã có 6 điểm trường lẻ tại các thôn, nhưng vì địa hình khu vực dốc và khó, bố mẹ bận đi làm ăn xa, ông bà không có sức khỏe nên đôi khi các em cũng vẫn phải nghỉ ở nhà.
Điều kiện bếp ăn của điểm trường lẻ của Trường Mẫu giáo Trà Giác chưa đảm bảo, gây khó khăn khi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi (Nguồn: Trường Mẫu giáo Trà Giác). |
Hiện tại, chỉ có 3 lớp ở điểm trường chính của Trường Mẫu giáo Trà Giác được học bán trú, còn các điểm trường lẻ do điều kiện về bếp ăn chưa đảm bảo, các em mặc dù học 2 buổi/ngày nhưng trưa phải về nhà ăn cơm, cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ chuyên cần đến lớp của trẻ.
Hơn nữa, theo Thông tư 02/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, thì các trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ, đặc biệt là đồ chơi ngoài sân trường của Trường Mẫu giáo Trà Giác cũng chưa thể đảm bảo đủ theo quy định. Hầu hết các đồ chơi cho trẻ của trường đều do các cô tự làm thủ công nên công tác giáo dục cho trẻ 3 - 4 tuổi vẫn còn nhiều bất cập.
Do vậy, theo tôi, nếu triển khai được Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi thì rất tốt vì tất cả các em đều được ra lớp đúng theo độ tuổi cần được giáo dục của mình. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn về việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị học tập, đồ chơi, bếp ăn cho trẻ, đặc biệt là ở các trường nằm trên vùng khó như trường tôi. Để từ đó, đảm bảo được việc tổ chức bán trú cho tất cả các điểm trường thì mới có thể đảm bảo công tác giáo dục cho trẻ 3 - 4 tuổi".
Cũng theo cô Hải, theo điều 9, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ có giáo viên mầm non dạy trực tiếp tại lớp ghép, dạy 2 buổi/ngày tại các điểm trường lẻ được hưởng 450.000 đồng/tháng, việc này gây ra sự chồng chéo, bất cập, thiếu công bằng cho tất cả các giáo viên trên vùng khó.
Bởi đã ở trên vùng cao, thì dù giáo viên dạy ở điểm trường chính hay điểm trường lẻ đều gặp khó khăn. Do vậy, cô Hải hy vọng, tất cả giáo viên mầm non trên vùng khó đều được hưởng mức phụ cấp như nhau để đảm bảo mức sống, thu nhập cho các cô yên tâm công tác, giáo dục trẻ được phát triển tốt nhất. Từ đó, việc phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3 - 4 tuổi cũng sẽ ít gặp khó khăn hơn.