Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng: 60 năm khẳng định thương hiệu

20/11/2022 06:48
AN NGUYÊN
GDVN- Nhiều tập thể, cá nhân của nhà trường đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành trao tặng bằng khen.

Ngày 19/11, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm 60 năm xây dựng, phát triển nhà trường (1962 - 2022) và đón nhận nhiều phần thưởng cao quý do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trao tặng.

Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng (bên trái) nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. Ảnh: AN

Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng (bên trái) nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. Ảnh: AN

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Tiền thân của nhà trường hiện nay là Trường Kỹ thuật Đà Nẵng (1962-1976) và sau đó là Trường Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi (1976-1994), Cao đẳng Công nghệ (1994-2017).

Và đến ngày 8/11/2017, ngôi trường này đã chính thức mang tên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thuộc Đại học Đà Nẵng theo quyết định số 1749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sự kiện này đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển nhà trường. Với sứ mạng và tầm nhìn rất rõ ràng, minh triết. Xuyên suốt với một triết lý “Tinh thông nghề nghiệp - Sống có trách nhiệm - Không ngừng tiến bộ” để lồng ghép trong đó là giá trị cốt lõi “Trách nhiệm - Hợp tác - Đổi mới - Đa dạng”.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã dần tạo nên thương hiệu trong hệ thống các trường đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật công nghệ ở thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Phát triển theo định hướng ứng dụng nên tất cả mọi hoạt động của nhà trường đều hướng theo mục tiêu này. Đến nay đã có 6 Khoa với danh hiệu Công nghệ kỹ thuật, 17 Bộ môn chuyên ngành, 4 Trung tâm và 1 Viện nghiên cứu - Sáng tạo, khởi nghiệp, 14 Phòng thí nghiệm, 8 phòng máy tính toán, 18 xưởng thực hành.

Đội ngũ giảng viên liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học hiện là 99,3% trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ đạt 36%.

Ngay sau khi thành lập trường đại học, nhà trường đã đầu tư xây dựng và ban hành chiến lược phát triển đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035 trong đó tập trung đổi mới quản trị đại học, đổi mới phương thức đào tạo theo hướng đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng trao khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc của nhà trường. Ảnh: AN

Giám đốc Đại học Đà Nẵng trao khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc của nhà trường. Ảnh: AN

Các chương trình đào tạo được thiết kế lại theo hướng đưa vào các học phần ứng dụng công nghệ mới, hiện đại thích ứng với thực tiễn công nghệ, cũng như nâng cao kỹ năng số, tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên.

Nhờ đó mà quy mô đào tạo và tuyển sinh của trường tăng lên theo từng năm, điều đó chứng tỏ uy tín đào tạo, nhu cầu của xã hội đối với các ngành đang được đào tạo tại trường.

Bên cạnh hoạt động đào tạo và đảm bảo chất lượng, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm và dành kinh phí thích đáng cho các hoạt động khoa học công nghệ, đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích giảng viên, sinh viên phát huy năng lực, đổi mới sáng tạo, tham gia nghiên cứu khoa học.

Từ đó hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường đã có bước phát triển mạnh mẽ, công trình khoa học các cấp đều tăng hằng năm cả về số lượng và chất lượng.

Ghi nhận những đóng góp của nhà trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng là “Tập thể lao động xuất sắc”; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được nhận các Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng.

“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học nói chung và nhà trường nói riêng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đặt ra mục tiêu phát triển trong thời gian tới là tiếp tục đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, triển khai từng bước tự chủ đại học.

Tập trung phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu đưa nhà trường thành một trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu ở Việt Nam, khẳng định uy tín và vị thế trong hệ thống các trường đại học kỹ thuật, tiếp cận với chuẩn mực khu vực và quốc tế”, Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo thầy Thọ, để thực hiện được mục tiêu trên thì nhà trường sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý theo hướng tự chủ trên cơ sở học tập và áp dụng mô hình quản trị của các trường đại học tiên tiến trên thế giới;

Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý MIS cho tất cả mọi hoạt động của nhà trường theo đề án chuyển đổi số đã phê duyệt;

Xây dựng các chính sách phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất để thu hút giảng viên giỏi có học vị, học hàm;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (thứ 3 từ trái sang) trao bằng khen cho tập thể nhà trường. Ảnh: AN

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (thứ 3 từ trái sang) trao bằng khen cho tập thể nhà trường. Ảnh: AN

Xây dựng các chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, lấy đó vừa làm thước đo hiệu quả, vừa làm cơ sở cải tiến qui trình, các hoạt động của nhà trường;

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; hợp tác doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ người học. Phát triển cơ sở vật chất ở cơ sở 2 tại Khu đô thị Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư của Đại học Đà Nẵng từ các nguồn vốn;

Xây dựng môi trường văn hóa học thuật, văn hóa phụng sự tất cả vì người học, lấy người học là trung tâm nhưng trước hết người thầy phải là hạt nhân thu hút truyền cảm hứng và lan tỏa.

Tự hào với 60 năm truyền thống là cả một quãng thời gian khá dài mà các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên đã trải qua biết bao những thay đổi, thử thách để cố gắng giữ gìn, vun đắp và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhà trường.

Một chặng đường dài đã qua, là cả quá trình đầu tư trí tuệ, công sức, là kết quả của tinh thần hợp tác, miệt mài, kiên trì, bền bỉ, năng động với một tinh thần quyết tâm vì sự phát triển của nhà trường.

Đó cũng chính là kết quả của quá trình từng bước hoàn thiện về tổ chức bộ máy; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ; cải thiện và nâng cấp cơ sở vật chất; điều chỉnh mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá.

Đặc biệt, phát huy thế mạnh trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong quá trình đào tạo; học hỏi và áp dụng những mô hình, kinh nghiệm tốt giúp cho công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành ngày càng hiệu quả hơn”, thầy Thọ khẳng định.

AN NGUYÊN