Thiếu cơ sở vật chất môn thể dục, có trường phải dạy bù vào cuối kỳ, cuối năm

23/11/2022 06:39
Hoài Linh
GDVN- Chương trình GDPT 2018 ở khối 10 đã được triển khai gần một học kỳ, thế nhưng nhiều trường THPT vùng cao vẫn chưa thể đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ môn thể dục.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên các trường trung học phổ thông trên cả nước tổ chức giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối lớp 10. Đổi mới chương trình học đồng nghĩa với việc nhà trường phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Giáo dục thể chất (hay thường gọi là thể dục) nằm trong nhóm các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, có nhiều đổi mới về các nội dung phân môn, đem lại hứng thú cho người học nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho thầy cô bộ môn, đặc biệt là với những trường ở địa bàn khó khăn.

Khó khăn cả về tài chính lẫn nhân lực

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giáo dục điện tử Việt Nam, thầy Đỗ Công - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết: “Hiện trường đang tổ chức một số bộ môn thể thao (nằm trong môn Giáo dục thể chất) như đá cầu hay cầu lông để dạy và học. Điều kiện vật chất của nhà trường không đủ nên chưa thể triển khai các môn thể thao khác. Ở thành phố, các em được học trong điều kiện đầy đủ, có nhà đa năng, sân tập nên sẽ được học nhiều môn khác như bóng đá, bóng rổ.

Thầy cô chúng tôi cũng rất băn khoăn khi học sinh trên này không được học nhiều môn thể thao đa dạng theo đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng làm sao để các em được học tập trong điều kiện tốt nhất. Với hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, trước mắt, chúng tôi ưu tiên nâng cao chất lượng, dạy tốt những môn sẵn có hơn là chạy theo số lượng các môn thể thao”.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có nhà và sân thể thao đa năng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động dạy học môn Giáo dục thể chất của các trường ở vùng cao. Ảnh minh hoạ: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có nhà và sân thể thao đa năng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động dạy học môn Giáo dục thể chất của các trường ở vùng cao. Ảnh minh hoạ: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Bằng Ca, tỉnh Cao Bằng cũng gặp những khó khăn tương tự. Thầy Nông Văn Nảy - Giáo viên môn Giáo dục thể chất của trường chia sẻ: “Hiện trường đang triển khai giảng dạy duy nhất môn bóng chuyền. Chúng tôi chọn dạy cho các em học môn thể thao này vì đây là môn học không phải đầu tư cơ sở vật chất quá nhiều, các em có thể chia thành hai đội và chỉ cần sử dụng một quả bóng.

Theo tôi, để đa dạng hóa các môn thể thao cho học sinh lựa chọn, khó khăn nhất vẫn là ở trang thiết bị. Dù trường chúng tôi chỉ đang dạy bóng chuyền nhưng các cột bóng, lưới đã cũ, số lượng bóng không nhiều. Cơ sở vật chất thiếu thốn khiến tiết học thể dục chưa thực sự tạo ra hứng thú cho học sinh”.

Theo các thầy, mỗi môn thể thao lại cần những thiết bị học tập riêng biệt, để chuẩn bị hết tất cả trang thiết bị này là khó trong điều kiện kinh phí hạn hẹp. Đơn cử, học cầu lông thì phải có lưới, mỗi em có một chiếc vợt, rồi phải có cầu. Nhưng cầu và vợt cũng thường xuyên hỏng, sẽ phải đầu tư mua dụng cụ mới liên tục.

Là địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vận động học sinh đi học đã khó nên không thể trông chờ vào nguồn xã hội hóa hay mong phụ huynh tự chuẩn bị đồ dùng học tập môn thể dục cho con đi học được. Nhà trường phải chủ động chi trả, mua sắm số trang thiết bị này. Tuy nhiên, ngân sách có hạn, không thể sắm đủ hay sắm mới liên tục cho các em, vì vậy đôi khi các em phải dùng lại các dụng cụ môn học cũ.

Thêm vào đó, để giảng dạy hiệu quả môn thể dục, cơ sở vật chất cũng cần phải được đầu tư cơ bản. Hiện nay, hầu hết các trường vùng cao không có sân tập riêng biệt hay nhà đa năng, các em học trên sân trường. Lúc trời nắng gắt hay mưa giông các em không thể học môn này. Bên cạnh đó, khí hậu mùa đông ở vùng cao khắc nghiệt, nhiệt độ nhiều khi xuống dưới 10 độ C, lúc đó yêu cầu các em ra sân học thể dục là không thể. Để đảm bảo số giờ dạy cũng như chất lượng tiết học, nhiều trường phải đợi đến cuối kỳ, cuối năm dồn thời gian dạy bù.

Bên cạnh thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trường trung học phổ thông ở những địa phương này còn đối diện với vấn đề thiếu giáo viên. Theo thầy Công: “Trước đây trường có hai giáo viên dạy thể dục nhưng hiện tại chỉ còn một, khó cùng lúc đảm đương việc giảng dạy cho cả ba khối lớp 10, 11 và 12. Không chỉ riêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trạm Tấu mà nhiều trường khác, giáo viên thể dục không được đào tạo chuyên về một môn thể thao cụ thể nên khó giảng dạy chuyên sâu, chính bản thân các thầy cô cũng cần có thời gian nghiên cứu nếu tổ chức các nội dung phân môn thể thao mới. Nhưng, một thầy dạy thể dục cho cả trường thì không thể nào còn thời gian tự tập luyện chuyên sâu được”.

Mong mỏi được đầu tư

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Công bày tỏ: “Hiện tại nhà trường mong nhất là được trang bị các thiết bị giảng dạy cơ bản cho giáo viên và học sinh như: cầu, vợt, lưới tập; thứ hai là mong được cấp kinh phí để xây dựng sân tập thể thao riêng cho các em học sinh. Điều này còn phải chờ đợi vào các cơ quan cấp trên. Chúng tôi cũng mong sẽ có thêm giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất trong thời gian tới dẫu biết rằng: với địa phương vùng cao, việc tuyển giáo viên gặp khó vì chế độ đãi ngộ chưa cao cộng thêm phải xa nhà nên các thầy cô thường không mặn mà bám bản”.

Ảnh minh họa: nguồn Báo dân tộc và Phát triển

Ảnh minh họa: nguồn Báo dân tộc và Phát triển

Cùng chung mong mỏi ấy, thầy Nảy cũng hy vọng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Bằng Ca sẽ sớm được cấp kinh phí để mua sắm các trang thiết bị sử dụng cho việc giảng dạy. Đồng thời, thầy cũng mong nhà trường sớm xây dựng được nhà đa năng để đảm bảo chất lượng giờ học. Với điều kiện khí hậu đặc thù, môn thể dục rất cần có nhà đa năng để các em không phải chịu ảnh hưởng của thời tiết. Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Bằng Ca gồm hai cấp, số lượng học sinh khá đông nên việc có một nhà đa năng là điều rất cần thiết.

Môn Giáo dục thể chất theo chương trình giáo dục mới sẽ giúp học sinh phát triển các tố chất thể lực, nâng cao và phát triển sức khỏe thông qua các hoạt động thể dục thể thao thế mạnh, sở trường. Muốn môn học này được triển khai hiệu quả, điều đầu tiên cần làm là phải đa dạng hóa các môn thể thao để học sinh lựa chọn theo đúng nguyện vọng của mình.

Nhưng để làm được điều này, yếu tố cần là các trường trung học phổ thông đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa cần phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, đảm bảo cơ sở vật chất, cũng như nguồn nhân lực.

Hoài Linh