Ngày 27/01, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Dạy học trực tuyến, có giáo viên Thể dục, Giáo dục quốc phòng bị dừng chi chế độ” của tác giả Ánh Dương đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng cả nước.
Trong bài viết đã thông tin việc “một số giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng an ninh bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, thầy cô tạm thời bị dừng bồi dưỡng chế độ giờ giảng trong quá trình dạy học trực tuyến”.
Trong bài viết, cũng có nêu ý kiến tác giả Ánh Dương cho rằng việc không chi trả phụ cấp bồi dưỡng 1% cho giáo viên là chưa đúng.
Người viết còn nhận được ý kiến của một số bạn bè, đồng nghiệp là giáo viên Giáo dục thể chất, họ cho biết, trong thời gian dạy trực tuyến họ cũng không được chi trả tiền bồi dưỡng 1% mỗi tiết dạy và cũng không được cấp chế độ đồng phục theo quy định.
Người viết xin tiếp tục nêu các căn cứ pháp lý để khẳng định rằng việc các trường không chi tiền phụ cấp, bồi dưỡng cho mỗi tiết dạy và cả trang phục của giáo viên Giáo dục thể chất là chưa đúng quy định hiện hành.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo điện tử VietnamNet. |
Tại Điều 3, Điều 4 Quyết định 51/2012/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao có quy định cụ thể:
“Điều 3. Chế độ bồi dưỡng
Chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 01% mức lương tối thiểu chung cho 01 tiết giảng thực hành.
Chế độ bồi dưỡng bằng tiền không áp dụng đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao trong các cơ sở giáo dục thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.”
Về chế độ trang phục cho giáo viên môn Giáo dục thể chất được quy định tại Điều 4 dưới đây:
“Điều 4. Chế độ trang phục
1. Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách môn thể dục, thể thao được cấp 02 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 02 đôi giầy thể thao/năm, 04 đôi tất thể thao/năm, 04 áo thể thao ngắn tay/năm.
2. Đối với giáo viên, giảng viên dạy kiêm nhiệm (giáo viên dạy môn học khác dạy kiêm nhiệm môn thể dục, thể thao) được cấp 01 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 01 đôi giày thể thao/năm, 02 đôi tất thể thao/năm, 02 áo thể thao ngắn tay/năm.
Trang phục thể thao do Việt Nam sản xuất, phù hợp với khí hậu từng vùng, miền.[...]”
Quy định về kinh phí và phương thức chi trả được quy định tại Điều 5 như sau:
“ Điều 5. Kinh phí và phương thức chi trả
1. Nguồn kinh phí chi trả cho các chế độ quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Đối với các cơ sở giáo dục được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí chi trả do ngân sách nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;
b) Đối với các cơ sở giáo dục tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động: Kinh phí chi trả được bảo đảm từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;
c) Đối với các cơ sở giáo dục tư thục: Căn cứ vào nguồn thu hợp pháp để vận dụng thực hiện các chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục quy định tại Quyết định này.
2. Phương thức thực hiện:
a) Chế độ bồi dưỡng bằng tiền được chi trả cùng với thời điểm chi trả tiền lương hằng tháng;
b) Chế độ trang phục được cấp 1 lần/năm vào thời điểm đầu năm học.”
Từ những căn cứ pháp lý trên, người viết cho rằng giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất được hưởng chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền, được tính bằng 01% mức lương tối thiểu chung cho 01 tiết giảng thực hành và được chi trả cùng thời điểm chi trả tiền lương hằng tháng mà không quy định trực tuyến hay trực tiếp, đó là tiền bồi dưỡng cho mỗi tiết giảng thực hành mà không phải là tiền bồi dưỡng ngoài trời.
Vì vậy, giáo viên môn Giáo dục thể chất vẫn được hưởng chế độ bồi dưỡng mỗi tiết dạy và hưởng chế độ trang phục theo quy định trên mà không phải hưởng chế độ khi dạy ngoài trời như một số hiểu lầm của cán bộ quản lý trường học.
Tài liệu tham khảo: Quyết định 51/2012/QĐ-TTg
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.