Cấp mầm non đang thiếu 44.068 giáo viên

23/11/2022 09:51
Linh An
GDVN-So với định mức quy định, toàn quốc còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên.

Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Quang cảnh hội thảo (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ông Cristian Aedo - Giám đốc Ban Giáo dục, vùng Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới và ông Christophe Lemiere - lãnh đạo Ban Phát triển con người, Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cùng các đại biểu, chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Việc đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, từ các khâu, các yếu tố, các quá trình. Có thể nói sự đổi mới nhằm đến tính tập thể rất cao, trong đó có những quan điểm xâu chuỗi từ bậc mầm non cho đến bậc đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi đây là cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em, cả về phương diện thể chất, phương diện tinh thần và phương diện trí tuệ. Việt Nam từng có một chương trình dành cho giáo dục mầm non thống nhất trong cả nước cùng nhiều ưu tiên phát triển khoa học giáo dục. Bậc học này đã đạt khá nhiều kết quả khả quan.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với mục tiêu xa và lớn hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình cho giáo dục mầm non, để trong đa dạng lấy chương trình làm thống nhất cho các khâu để kiểm soát được chất lượng cũng như có những sự đầu tư.

Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam nằm trong chuỗi hoạt động để Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận hữu ích của các nhóm chuyên gia để phục vụ cho việc phát triển giáo dục mầm non nói chung cũng như chuẩn bị biên soạn, triển khai chương trình giáo dục mầm non nói riêng.

Về phía Ngân hàng Thế giới, ông Cristian Aedo - Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương cho rằng, cam kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với một chương trình cải cách và đầu tư vào phát triển trẻ mầm non (trẻ em, giáo viên, chương trình giảng dạy và môi trường học đường, cách tiếp cận đa ngành/toàn chính phủ) là một bước quyết định và mang tính chuyển đổi để đảm bảo sự khởi đầu và cơ hội bình đẳng cho trẻ em và xã hội của Việt Nam, phát triển kinh tế trong những năm tới.

Nhấn mạnh Chỉ số Vốn con người (Human Capital Index - HCI) của Việt Nam tiếp tục thể hiện xuất sắc, ngang bằng với các nước có thu nhập cao, ông Cristian Aedo tin tưởng Việt Nam có thể vượt qua kỷ lục của chính mình bằng những cải cách mang tính chuyển đổi và đầu tư vào phát triển trẻ mầm non. Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương khẳng định mối quan tâm và cam kết của Ngân hàng Thế giới trong việc cung cấp tư vấn bền vững và hỗ trợ liên ngành cho chương trình phát triển trẻ mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên nhiều phương diện.

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh chia sẻ về chính sách phát triển giáo dục mầm non và cho biết, định hướng sẽ chú trọng chính sách cho giáo viên mầm non, bao gồm tăng thu nhập, nâng cao năng lực nghề nghiệp, giảm giờ làm việc, hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.

Về đội ngũ nhà giáo, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh thông tin, so với định mức quy định, toàn quốc còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát và triển khai sửa đổi nhiều thông tư và đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nâng cao năng lực của các trường đại học sư phạm.

Đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương, trường học của Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Tuyên Quang cũng cung cấp, chia sẻ về chính sách dinh dưỡng cho trẻ mầm non, công tác phối hợp trong giáo dục trẻ, công tác xã hội hoá, kinh nghiệm xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng.

Lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của ngành Giáo dục đối với giáo dục mầm non. Sự đổi mới của toàn hệ thống giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới, gia tăng chất lượng giáo dục mầm non. Chăm lo cho giai đoạn này vừa là một vấn đề khoa học, vừa là vấn đề thuộc về nhận thức, tình cảm, lương tri, dành điều tốt nhất cho trẻ em. Đó là tầm nhìn mang tính chất quốc gia, với thế hệ trẻ Việt Nam và công dân thế giới, mặc dù Việt Nam còn khoảng cách rất lớn với các nước phát triển về điều kiện chung của quốc gia, thu nhập của người dân và ngân sách của Nhà nước.

Khẳng định giáo dục mầm non còn nhiều điều phải làm, hướng đến những gì tốt nhất có thể, Bộ trưởng cho biết, quá trình lắng nghe càng nhiều ý kiến chuyên gia sẽ giúp cho công việc vốn khó khăn sẽ hạn chế được càng nhiều sai sót. Các ý kiến đã gợi mở đích phấn đấu, thực tiễn triển khai để xem xét, thể hiện sự tâm huyết đối với giáo dục mầm non. Thông qua hội thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thu nhận được rất nhiều thông tin hữu ích, không chỉ cho xây dựng chương trình giáo dục mầm non sắp tới mà còn với công tác điều hành quản lý giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đại học, nhất là hệ thống trường sư phạm.

Với việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải lưu ý rất lớn đến tính phức hợp, liên ngành, tích hợp, không thuần tuý chương trình phục vụ hoạt động giáo dục, mà bao hàm cả chính sách về dinh dưỡng, phát triển thể chất, tinh thần, đi cùng các giải pháp cho các vấn đề xã hội và cuộc sống khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần chú ý tính khả thi của chương trình đặt trong điều kiện thực tiễn, đặc thù khu vực khó khăn trên cơ sở tính phổ biến, tính chung của đối tượng và 63 tỉnh, thành phố.

Trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo chương trình thành công, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lực lượng giáo viên, theo đó, việc chuẩn bị lực lượng, tập huấn, đào tạo đảm bảo số lượng và chất lượng, cùng việc chuẩn bị tài liệu, yêu cầu phải bắt đầu ngay trong quá trình xây dựng chương trình. Trong quá trình chuẩn bị này, cần tính đến phương diện chính sách cần có để mở đường, tính đến những cơ hội tiếp cận tập huấn hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng giáo viên ngoài công lập. Song song với đó, các trường sư phạm cần chú trọng đổi mới giáo viên, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên.

Cùng với tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng là vấn đề đáng chú ý. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Việt Nam còn gần 20% trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Trong đó, tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hoá chiếm nhiều nhất. Theo đó, trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hoá trường học, phải giải quyết nhiều nhất câu chuyện kiên cố hoá đối với hệ thống các trường mầm non.

“Đây là câu chuyện trực tiếp, cụ thể. Có hay không có chương trình giáo dục mầm non mới thì việc kiên cố hoá này cũng là một việc cấp bách đối với Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở rất chú ý công việc này. Ngoài việc xây trường lớp, những chuẩn bị trang thiết bị, học liệu, đồ chơi bên trong đó cũng rất quan trọng. Tôi rất tán thành ý kiến của một chuyên gia rằng, không chỉ sẵn sàng cho trẻ em đến trường mà điều kiện rất quan trọng là trường học cũng phải sẵn sàng để đón trẻ em”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Linh An