Là GV, tôi không hiểu tại sao sở, phòng giáo dục lại muốn kiểm tra học kỳ sớm?

02/12/2022 06:52
Hương Mai
GDVN- Một khi giáo viên nhập điểm lên phần mềm điện tử cũng đồng nghĩa học sinh biết điểm trung bình môn của mình nên các em không còn thiết tha với các bài còn lại.

Theo Khung thời gian năm học mà ngành giáo dục đang thực hiện thì mỗi năm học có 35 tuần thực học, học kỳ I có 18 tuần và học kỳ II có 17 tuần. Mỗi môn học ở mỗi học kỳ có bài kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Kiểm tra định kỳ có bài kiểm tra giữa học kỳ và bài kiểm tra cuối học kỳ.

Đối với mỗi năm học, các tổ chuyên môn đều được chỉ đạo xây dựng phân phối chương trình cho môn học và bài kiểm tra giữa kỳ I sẽ bố trí ở tuần thứ 9 hoặc đầu thứ 10, bài kiểm tra cuối học kỳ sẽ được bố trí ở tuần thứ 17. Sau đó, được Ban giám hiệu phê duyệt và giáo viên thực hiện.

Việc các nhà trường bố trí bài kiểm tra học kỳ I ở tuần thứ 17 là hợp lý vì tuần 18 là cuối học kỳ, giáo viên sẽ dạy những bài học còn lại và thực hiện việc chấm bài, nhập điểm cho học trò. Tuy nhiên, một số sở, phòng giáo dục đã phá vỡ việc bố trí, sắp xếp các bài học của nhà trường bằng việc ra đề kiểm tra và thực hiện kiểm tra đồng loạt ở tuần thứ 16.

Vì thế, việc kiểm tra sớm để lại rất nhiều hệ lụy, gây áp lực cho các nhà trường mà đặc biệt là các tổ phải thực hiện kế hoạch đảo tiết, đảo bài. Những bài học còn lại của học kỳ cũng rất khó để dạy và học một cách chu đáo.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Tại sao sở, phòng giáo dục lại muốn kiểm tra học kỳ sớm?

Nhiều năm công tác trong trường phổ thông, chúng tôi cũng không hiểu vì sao có lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo mà cụ thể là phòng giáo dục trung học vẫn luôn triển khai kiểm tra học kỳ sớm hơn thời gian dự kiến.

Nếu như cuối năm học, sở cho kiểm tra học kỳ II sớm còn có những lý do như chuẩn bị cho công tác thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp đã đành. Nhưng, ở học kỳ I thì có nhất thiết phải tổ chức kiểm tra sớm hay không?

Tại sao học kỳ I có 18 tuần học mà có sở lại chủ trương tổ chức kiểm tra ở tuần thứ 16? Sự việc này không phải xảy ra 1 năm, 2 năm mà thường xuyên như vậy.

Thông thường, sở sẽ ra đề kiểm tra cuối học kỳ đối với tất cả các môn học ở lớp 9 và lớp 12 (trừ các môn đánh giá bằng nhận xét: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục…

Những lớp còn lại, có năm sở ra 3 môn: Toán, Văn, Anh nhưng cũng có những năm không ra đề.

Tuy nhiên, một khi sở ấn định thời gian kiểm tra đối với những môn sở ra đề vào tuần nào thì thông thường các trường cũng sẽ bố trí kiểm tra đối với những môn còn lại trong tuần đó luôn cho tiện công việc bố trí, sắp xếp thời gian và báo cáo sau này.

Vì thế, một khi sở ấn định thời gian kiểm tra vào tuần 16 thì các môn còn lại mà sở không ra đề cũng sẽ được nhà trường bố trí kiểm tra trong tuần 16 luôn.

Điều này cũng đồng nghĩa, các trường vừa mới tổ chức kiểm tra giữa kỳ I được 1-2 tuần lại phải bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch cho việc kiểm tra cuối học kỳ I để các tổ chuyên môn lên kế hoạch ôn tập, phân công giáo viên ra đề cương, nội dung ôn tập, cũng như đề kiểm tra đối với những môn sở không ra đề và đề dự bị đối với những môn sở ra đề.

Hệ lụy của việc kiểm tra học kỳ sớm

Chúng tôi cho rằng việc kiểm tra học I sớm như một số địa phương đã triển khai kế hoạch là không khoa học và gây áp lực và khó khăn cho các nhà trường với các lý do sau đây:

Thứ nhất: chương trình, khung thời gian năm học của học kỳ I là 18 tuần, việc kiểm tra ở tuần 16 cũng đồng nghĩa là sau khi kiểm tra thì số tiết học của tuần 17, 18 chưa dạy.

Chẳng hạn, ở cấp trung học cơ sở, môn tiếng Anh có 3 tiết/ tuần nên sau khi kiểm tra còn 6 tiết, môn Toán và Ngữ văn 6, 7, 8 có 4 tiết/ tuần nên còn 8 tiết. Ngữ văn lớp 9 có 5 tiết/ tuần nên sau khi kiểm tra còn lại 10 tiết học.

Nếu tính kĩ ra, số tiết các môn học này còn lại sẽ nhiều hơn vì thời gian kiểm tra môn tiếng Anh thường là 60 phút, môn Toán và Văn có thời gian 90 phút (tương đương 2 tiết) nên trong tuần 16 vẫn còn một số tiết theo phân phối chương trình vì môn học được ấn định số tiết cụ thể, bắt buộc giáo viên phải dạy hết, cho dù kiểm tra ở thời điểm nào.

Chính vì thế, sau khi kiểm tra học kỳ thì việc bắt buộc là phải chấm điểm, vào điểm, thống kê và báo cáo lên cấp trên theo quy định. Một khi giáo viên nhập điểm lên phần mềm điểm tử thì cũng đồng nghĩa học sinh biết điểm trung bình môn của mình.

Lúc này, học sinh không còn động lực học tập. Những em học giỏi cũng xao nhãng vì điểm số đã có rồi, những em học hành chểnh mảng thì đây là giai đoạn để các em chỉ đến trường có có mặt, hoặc thậm chí không cần đến trường.

Bài học vẫn còn, những môn ít tiết thì còn vài tiết, những môn như Toán, Văn còn trên dưới 10 tiết. Giáo viên giai đoạn này dạy rất cực vì thầy cô giảng nhưng học trò thường không tập trung, thậm chí không để ý lời thầy cô giảng. Thầy cô chỉ cần quay lên bảng là học sinh dưới lớp lại rì rào nói chuyện với nhau.

Vì thế, về cơ bản là giai đoạn này giáo viên dạy vì còn tiết, không thể bỏ được cho tròn nhiệm vụ nhưng học sinh thì cơ bản là các em không còn động lực, chỉ có những em cuối cấp vì nội dung học liên quan đến thi cử thì còn có một bộ phận học sinh chú ý, các lớp còn lại gần như học sinh không mấy chú tâm vào những lời giảng của thầy cô.

Thầy cô vẫn dạy bình thường nhưng học sinh không còn động lực để học tập vì điểm số đã được thầy cô tổng kết xong cả rồi.

Thứ hai: việc kiểm tra học kỳ sớm rất khổ cho những thầy cô tổ trưởng chuyên môn phải làm kế hoạch đảo tiết, các tổ chuyên môn phải họp hành, thống nhất với nhau về nội dung giảng dạy.

Bởi lẽ, phân phối chương trình các môn học thường bố trí các tiết ôn tập cuối kỳ vào những tiết cuối của học kỳ để hệ thống toàn bộ kiến thức môn học. Nhưng, khi kiểm tra sớm cũng đồng nghĩa phải đẩy các tiết ôn tập học kỳ lên trên nên gần như phải sửa lại toàn bộ phân phối chương trình từ tuần 14 đến tuần 18 vì nó liên quan đến nhiều bài học, nhiều chủ đề khác nhau.

Mỗi tổ chuyên môn có 3-4 khối mà đa phần là tổ ghép nên việc một số thầy cô tổ trưởng ngồi tính toán, sắp xếp lại bài dạy cũng mất rất nhiều thời gian, công sức.

Thứ ba: việc 2 tuần cuối giảng dạy nhưng vì học sinh biết điểm rồi dẫn đến việc một số giáo viên thấy học sinh không còn động lực học nên họ cũng chỉ vào lớp rồi ngồi quản lý cho hết giờ rồi ra. Những em không thiết tha với học tập thì đó là điều các em chờ đợi nhưng những học sinh siêng năng thì đó là quãng thời gian vô nghĩa.

Không đến trường thì bị điểm danh vắng học nhưng vào lớp thì không học dẫn đến lãng phí thời gian, mệt mỏi cho học trò khi ngày nào cũng vào nhưng giờ dạy, giờ không. Giáo viên dạy thì bạn bè quậy phá không học, không dạy thì ngồi chờ thời gian hết tiết, hết buổi cũng mệt mỏi vô cùng.

Chúng tôi mong rằng các sở giáo dục, phòng giáo dục- những địa phương cho truyền thống ra đề chung nên bố trí kiểm tra học kỳ phải khoa học và đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

Sở, phòng chỉ nên kiểm tra học kỳ I vào tuần 17 và học kỳ II vào tuần 34 để các trường học, các tổ chuyên môn không phải đảo tiết, đảo bài. Đặc biệt là học sinh được học hết chương trình, không phải bỏ bài một cách lãng phí.

Nếu vẫn thực hiện như hiện nay, không chỉ bài học bị bỏ, hoặc giáo viên dạy cho có dạy vì học sinh đã biết điểm, không còn thiết tha học tập, thực hiện nhiệm vụ thầy cô phân công, trao đổi thì chỉ gây áp lực cho giáo viên mà thôi.

Có nỗi khổ nào hơn khi nhà trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ, giáo viên đã nhập điểm, báo cáo xong rồi mà một số giáo viên còn phải dạy trên dưới 10 tiết/ lớp nữa mới hết chương trình giảng dạy. Không dạy thì không được mà dạy thì học sinh không học, không hợp tác với thầy cô nên họ mệt mỏi và bất lực vô cùng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Mai