Sau một học kỳ học trực tuyến vì dịch Covid bùng phát, học sinh tiểu học tỉnh Bình Thuận đã được trở lại trường học trực tiếp. Trường học nào cũng tổ chức ôn tập để giúp các em nắm vững kiến thức, kỹ năng trước khi vào tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I.
Lớp học vắng học sinh do Covid gây khó khăn cho việc tổ chức kiểm tra cuối kỳ (Ảnh tác giả) |
Tuy nhiên, nếu ôn tập từ 1 đến 2 tuần rồi kiểm tra thì mọi thứ sẽ diễn ra thuận lợi cho cả học sinh, giáo viên và nhà trường. Bởi, thời gian đầu đến trường học tập gần như chưa có hoặc có rất ít học sinh và thầy cô giáo bị F0. Thế nên, việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của các em diễn ra suôn sẻ.
Ngược lại, những trường học tổ chức kiểm tra sau 3 đến 4 tuần tổ chức ôn tập đã gặp khá nhiều khó khăn cả về phía học sinh và phụ huynh, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục.
Mệt mỏi khi kỳ kiểm tra cứ kéo dài liên tục
Từ tuần học trực tiếp thứ 3, học sinh, phụ huynh bắt đầu bị mắc Covid-19 khá nhiều. Mỗi ngày, có lớp nghỉ vài em F0, kéo theo hàng loạt F1 phải nghỉ học.
Những học sinh nghỉ ở nhà đã không thể dự kiểm tra học kỳ. Dù học sinh của lớp đã kiểm tra xong nhưng lớp học và nhà trường vẫn không thể tổ chức sơ kết học kỳ I vì vẫn còn học sinh đang nhiễm bệnh.
Thế là, mỗi ngày một vài em khỏi bệnh đến lớp, giáo viên vừa dạy học cho cả lớp, vừa phải tranh thủ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, cứ xong em này lại đợi em khác và dây dưa kéo cả tuần vẫn chưa thực hiện xong cả lớp.
Có lớp, giáo viên vì nóng ruột chưa thể sơ kết học kỳ I nên đã nôn nóng kiểm tra bằng nhiều hình thức. Có thầy cô cho kiểm tra online (sai với quy định), người lại gửi bài về nhà cho học sinh đang bị nhiễm bệnh làm.
Cách này khó đánh giá thực sự chất lượng học tập của các em lại tạo sự bất công bằng với nhiều học sinh khác phải làm bài tại lớp.
Cũng có giáo viên động viên gia đình cho học sinh vẫn chưa thật sự khỏi bệnh lên trường và sắp xếp cho các em ngồi riêng để làm bài.
Chưa nói đến nguy cơ lây bệnh cho người khác mà kiểm tra vội vàng như thế nhiều học sinh vẫn còn mệt nên chất lượng bài làm cũng không được tốt.
Học sinh là F0, nhiều thầy cô giáo cũng nhiễm bệnh nên giáo viên phải dạy hỗ trợ cho nhau. Thế là dạy xong phần việc của mình (đã khá vất vả) phải dạy luôn cả việc của giáo viên khác. Đã thế, trong lớp còn phải vừa dạy, vừa kiểm tra riêng từng em.
Mùa dịch nên trao quyền chủ động dạy và học cho các trường, hạn chế chỉ đạo từ xa
Cũng trong một tỉnh Bình Thuận, học sinh đi học trực tiếp cùng một ngày nhưng mỗi địa phương lại có cách bố trí kiểm tra đánh giá học sinh mỗi khác.
Nhiều địa phương tổ chức kiểm tra học kỳ một cách hợp lý và thuận lợi. Nói là hợp lý, vì sau 2 tuần học trực tiếp (chủ yếu là ôn tập kiếm thức kỹ năng), các trường học ấy đã đồng loạt cho kiểm tra học kỳ ngay.
Lúc này, học sinh, giáo viên chưa nhiễm bệnh nên kỳ kiểm tra diễn ra vô cùng thuận lợi.
Ngược lại, có một số địa phương lại kéo dài tới tuần 3, tuần 4, thời điểm mà cả giáo viên và học sinh đã nhiễm Covid khá nhiều, dẫn đến việc đánh giá, kiểm tra học kỳ I gặp khó khăn khi cứ kéo dài dai dẳng ngày nọ sang ngày kia và chất lượng kỳ kiểm tra cũng bị ảnh hưởng không hề ít.
Nói về nguyên nhân tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá học sinh chưa thật sự hợp lý, một số hiệu trưởng nói rằng do nhà trường phải thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, cụ thể là phòng giáo dục nên không dám thay đổi.
Còn những nơi tổ chức đánh giá, kiểm tra sớm là do mỗi trường học nơi ấy đều tự chủ động trong công tác giảng dạy, đánh giá học sinh. Họ không phải chịu sự chỉ đạo cứng từ cấp trên.
Không ai nắm rõ tình hình học tập sinh hoạt của học sinh bằng giáo viên chủ nhiệm. Cũng không ai nắm rõ tình hình học tập của học sinh toàn trường bằng chính hiệu trưởng nhà trường.
Bởi thế, những việc giảng dạy, thời gian ôn tập, rèn luyện, bố trí lịch kiểm tra nên để nhà trường tự chủ động, tự sắp xếp vẫn sát hơn với tình hình thực tế.
Những cấp quản lý khác, đừng chỉ đạo theo lối cũ “cầm tay chỉ việc” buộc thực hiện một cách máy móc, rập khuôn.
Điều cần làm, chỉ nên đưa ra những định hướng, những kế hoạch chung và có biện pháp theo dõi, giám sát cụ thể một cách chặt chẽ, tránh tình trạng làm qua loa dẫn đến ảnh hưởng chất lượng dạy và học của toàn ngành.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.