Ngày 24/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – VNUK (Đại học Đà Nẵng) tổ chức hội thảo: “Hướng tiếp cận và một số giải pháp triển khai giáo dục STEM cho các trường trung học phổ thông tại Đà Nẵng” với sự tham gia của lãnh đạo, giáo viên các trường trung học phổ thông trên địa bàn.
STEM giúp học sinh đổi mới phương thức học tập
Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, giáo dục STEM là phương pháp giáo dục khoa học, hiện đại, kết hợp các nội dung và phương pháp giảng dạy của 4 môn gồm: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học trong toàn bộ chương trình học.
Nhiều giáo viên, lãnh đạo các trường trung học phổ thông tham gia hội thảo về STEM với mong muốn khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm đẩy mạnh môn học này trong các nhà trường. Ảnh: AN |
“Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Thay vì dạy các môn học: Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học, như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Với đặc điểm là dạy học gắn với thực tiễn, “học đi đôi với hành”, giáo dục STEM giúp học sinh đổi mới phương thức học tập và tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực thực sự phù hợp với thời đại mới.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có mục đích cốt lõi cũng là hình thành phẩm chất năng lực thông qua việc học sinh đổi mới cách học, cách nghĩ.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định giáo dục STEM là một phương pháp giáo dục hiện đại cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường”, ông Linh nói.
Theo đại diện VNUK, Viện luôn có định hướng hỗ trợ phát triển tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và giáo dục STEM cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nổi bật nhất trong những năm qua là hai chương trình thường niên Startup Weekend và U-Invent.
"Dựa vào những nguồn lực hiện có, VNUK hiện đang phối hợp với nhiều đối tác uy tín trong cả nước xây dựng các chương trình nhằm hỗ trợ các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố triển khai giáo dục STEM trong chương trình phổ thông mới.
Nhận thấy được tính thiết thực, hiệu quả của chương trình giảng dạy STEM, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 gửi đến các Sở Giáo dục và Đào tạo để hướng dẫn các nội dung triển khai giáo dục STEM trong nhà trường với mục tiêu thúc đẩy giáo dục STEM một cách đầy đủ, đúng hướng, phát huy tốt nhất tác dụng trong thúc đẩy đổi mới giáo dục tại Việt Nam.
Định hướng này cũng đã thể hiện trong chương trình phổ thông mới ở cấp độ dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn trong dạy học các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán, tạo điều kiện cho học sinh kết nối và vận dụng kiến thức được học với những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM thông qua ba hình thức như: dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật", đại diện VNUK cho hay.
Còn nhiều hạn chế khi triển khai STEM vào nhà trường
Chia sẻ về tình hình triển khai các hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường, ông Linh cho hay, từ năm 2016 đến nay, Sở đã bắt đầu triển khai giáo dục STEM thông qua các hoạt động như: Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên về giáo dục STEM trong giáo dục trung học;
Thiết bị nhận dạng nụ cười dùng để bật đèn của một nhóm học sinh cấp ba đã giành giải nhất tại vòng chung kết cuộc thi U-Invent mùa thứ hai do VNUK tổ chức. Ảnh: AN |
Tổ chức dạy học các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ) theo tinh thần dạy học liên môn; xây dựng và dạy học các chủ đề giáo dục STEM;
Triển khai chương trình STEM Robotics (Khoa học thực hành robot) dưới hình thức câu lạc bộ, tham gia các cuộc thi Robotics.
“Tuy nhiên, việc triển khai có hiệu quả và nhân rộng giáo dục STEM đang gặp không ít khó khăn. Nguyên do là nhận thức, kinh nghiệm của cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM còn hạn chế nên còn rất lúng túng trong việc tiếp cận, thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục STEM.
Cở sở vật chất như: phòng học, thiết bị dạy học… tại các trường phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu xây dựng chủ đề giáo dục STEM cũng như các điều kiện thuận lợi để cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Số lượng học sinh trong mỗi lớp học đông giáo viên khó bao quát và đánh giá toàn diện các em trong lớp dựa theo các biểu hiện năng lực.
Với những hình thức kiểm tra đánh giá hiện nay, mặc dù đã cố gắng thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực, nhưng nhiều giáo viên vẫn rất đặt nặng về lý thuyết nên gặp khó khăn trong việc tổ chức dạy học, đánh giá theo giáo dục STEM.
Thời gian học tập của mỗi tiết học ngắn so với lượng kiến thức cần truyền tải nên thời gian để tổ chức các hoạt động trải nghiệm còn hạn chế (các hoạt động giáo dục STEM chủ yếu thực hiện vào các buổi ngoại khoá, câu lạc bộ STEM…”, ông Linh nói.
Cũng tại hội thảo, các giáo viên bậc trung học phổ thông đã chia sẻ, còn nhiều rào cản để có thể triển khai hiệu quả giáo dục STEM, đặc biệt là trong chương trình phổ thông mới. Trong đó, khó khăn lớn nhất là yêu cầu về đội ngũ giáo viên, thiết kế nội dung giảng dạy…
Về phương án đẩy mạnh STEM trong các nhà trường, ông Linh cho hay, Sở sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên về xây dựng và thực hiện dạy học các chủ đề giáo dục STEM ở trường trung học trong chương trình hiện hành và tiến tới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Nâng cao nghiệp vụ sư phạm và kĩ năng cho đội ngũ giáo viên về áp dụng phương pháp giáo dục STEM trong công tác giảng dạy của trường nhằm nâng cao năng lực học tập và thực hành của học sinh giảng dạy giáo dục STEM tại các trường phổ thông; phát triển cơ sở vật chất phục vụ giáo dục STEM, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, như: robotic, khoa học máy tính…
Tổ chức các cuộc thi về giáo dục STEM dành cho giáo viên và học sinh ở các cấp học trên địa bàn thành phố nhằm đổi mới phương thức dạy học, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.