Nội dung giáo dục địa phương rối rắm khi giảng dạy, phức tạp khi kiểm tra

04/12/2022 06:49
NGUYÊN KHANG
GDVN- Nội dung giáo dục địa phương hiện nay đang liên quan đến nhiều tổ chuyên môn trong nhà trường, đó là: tổ Ngữ văn; tổ Sử-Địa- Giáo dục công dân; tổ Nghệ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương đưa môn Nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhưng ngay từ năm học 2021-2022 được thực hiện ở lớp 6 đã phát sinh những bất cập.

Năm học 2022-2023 tiếp tục được triển khai ở lớp 7 và lớp 10 và những bất cập, rối rắm đang hiện hữu nhiều hơn. Thời điểm này, các trường học đang chuẩn bị cho kế hoạch ra đề cương, kiểm tra cuối học kỳ I thi Nội dung giáo dục địa phương khiến cho nhiều tổ chuyên môn phải chung tay thực hiện.

Một môn học chỉ có 35 tiết/ năm học nhưng có tới 6 phân môn và tỉ lệ phân chia số tiết cho các phân môn không đều nhau, giảng dạy ở nhiều thời điểm khác nhau và chỉ đạo chung chung khiến cho những giáo viên giảng dạy và các tổ chuyên môn liên quan gặp rất nhiều phiền toái.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Sách giáo khoa chậm trễ, khó cho cả thầy và trò ở các nhà trường

Trong những môn học mới mà ngành giáo dục triển khai ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Nội dung giáo dục địa phương là môn ít tiết nhất nhưng lại rối rắm nhiều nhất bởi cả năm chỉ có 35 tiết học nhưng có tới kiến thức của 6 môn học, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân.

Song, việc phân chia số tiết của mỗi phân môn có số lượng không đồng đều. Phân môn Ngữ văn có 9 tiết; phân môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được phân chia 6 tiết; 2 phân môn: Âm nhạc, Mĩ thuật có 4 tiết/ năm.

Khác với sách giáo khoa của các môn học khác, sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương do các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) các địa phương tự biên soạn nội dung. Sau khi các địa phương biên soạn xong sẽ gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt rồi mới định giá sách, in ấn, phát hành.

Chính vì qua nhiều khâu, nhiều bước chờ đợi như vậy nên rất nhiều địa phương không thể có sách giáo khoa cho học sinh học ngay từ đầu năm học mà giáo viên, học sinh phải học chay (đúng nghĩa). Sở gửi cho giáo viên các file giáo án thực nghiệm, hoặc file PDF để giáo viên tự in ấn tài liệu rồi dạy cho học trò.

Tuy nhiên, các bài học của các phân môn của Nội dung giáo dục địa phương được thiết kế bám vào chủ đề sách giáo khoa các môn học nên không thể dạy liên tục các phân môn mà từng phân môn phải đợi chờ môn học đó dạy xong thì Nội dung giáo dục địa phương mới được dạy.

Chẳng hạn, môn Ngữ văn 6 dạy xong chủ đề truyền thuyết, cổ tích thì Nội dung giáo dục địa phương mới được dạy phân môn Ngữ văn về các chủ đề viết về truyền thuyết, cổ tích của địa phương mình.

Chính vì vậy, có những tỉnh thiết kế phân môn Lịch sử của Nội dung giáo dục địa phương bám vào chủ đề sách giáo khoa Lịch sử nên đã chỉ đạo, yêu cầu giáo viên Lịch sử dạy phân môn Lịch sử trong Nội dung giáo dục địa phương từ tuần thứ 34 của năm học.

Trong khi, mỗi năm học có 35 tuần, tuần 34 thường là các trường tổ chức kiểm tra học kỳ thì giáo viên dạy vào lúc nào? Phân môn Lịch sử có 6 tiết/ năm, chẳng lẽ lại học dồn trong 1 tuần? Nhưng, học lúc này thì kiểm tra học kỳ phân môn này vào lúc nào và học có hiệu quả hay không khi dồn ép dạy vào tuần cuối cùng của năm học?

Hơn nữa, mỗi phân môn chỉ 1-2 giáo viên dạy, lúc này mà giáo viên dạy ở những trường loại I lên đến trên chục lớp/ khối dẫn đến quá tải đối với giáo viên dạy bởi ngoài những tiết dạy địa phương thì giáo viên còn phải dạy số tiết của môn học mà mình đang đảm nhận.

Nhìn nhận thẳng vấn đề này, đa phần giáo viên dưới cơ sở chỉ biết lắc đầu ngao ngán về việc Bộ chủ trương xây dựng môn Nội dung giáo dục địa phương nhưng các địa phương đang thực hiện, triển khai rất manh mún, khó hiểu.

Khi kiểm tra học kỳ, Nội dung giáo dục địa phương còn phức tạp hơn 2 môn học tích hợp

Khác với các môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý khi các giáo viên cùng sinh hoạt trong một tổ chuyên môn nên dù khó khăn thì khi họp tổ họ cũng dễ dàng tháo gỡ với nhau.

Nội dung giáo dục địa phương hiện nay đang liên quan đến nhiều tổ chuyên môn trong nhà trường, đó là: tổ Ngữ văn; tổ Sử-Địa- Giáo dục công dân; tổ Nghệ thuật.

Vì thế, khi ra đề kiểm tra học kỳ các tổ phải thống nhất nội dung, thống nhất người ra đề, tổng hợp đề, ôn tập cuối học kỳ cho các phân môn, rồi gác kiểm tra, chấm bài kiểm tra, vào điểm, nhận xét kết quả học tập cho học sinh rất phức tạp.

Chính vì phân môn Ngữ văn có 9 tiết; phân môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được phân chia 6 tiết; 2 phân môn: Âm nhạc, Mĩ thuật có 4 tiết/ năm nên tỉ lệ phần trăm trong đề kiểm tra cũng khác nhau. Tất nhiên cũng phải phân chia nhau nhập điểm, nhận xét, vào học bạ theo tỉ lệ tương đối giữa các tổ với nhau.

Một môn học chỉ có 35 tiết học nhưng bắt buộc phải có 4 cột điểm thường xuyên, 4 cột điểm định kỳ, trong đó bài kiểm tra định kỳ được hướng dẫn là kiến thức của các phân môn nên tạo ra những khó khăn cho giáo viên giảng dạy và ngay cả cho người xây dựng kế hoạch giảng dạy, kiểm tra học kỳ.

Năm nay mới là năm thứ 2 thực hiện ở cấp trung học cơ sở và năm đầu tiên thực hiện ở cấp trung học phổ thông nhưng nó đang tồn tại rất nhiều những bất cập khác nhau. Các năm học tiếp theo sẽ thực hiện cuốn chiếu hết cấp học thì mọi thứ không biết sẽ như thế nào khi phân công giáo viên giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu…

Giáo viên mong chương trình địa phương như trước đây

Đối với chương trình 2006, nội dung các phân môn địa phương cũng na ná như chương trình 2018 hiện nay nhưng cách thức thực hiện đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều và tất nhiên không có sự rối rắm, phức tạp như hiện nay.

Chương trình 2006 chủ trương gộp nội dung địa phương vào các môn học luôn và cách thiết kế sách giáo khoa rất đơn giản vì các sở giáo dục mỗi môn học có 1 cuốn sách giáo khoa cho cả cấp học.

Trong quá trình giảng dạy, các tiết địa phương được bố trí xen kẽ vào các tiết học chính của môn học. Sách giáo khoa được nhà trường mua và đưa vào thư viện và khi giáo viên dạy đến bài địa phương thì học sinh lên thư viện nhà trường mượn về để học.

Bây giờ, chương trình 2018 được gộp chung 6 phân môn vào 1 cuốn sách giáo khoa và giá sách giáo khoa đang được bán cao hơn rất nhiều sách giáo khoa các môn học khác.

Một cuốn sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương 6- nơi chúng tôi đang công tác có 70 trang nhưng giá thành là 45.000 đồng. Và, tất nhiên là năm nào học sinh cũng phải mua 1 cuốn.

Điều tréo ngoe ở chỗ nhiều địa phương, trường học chưa có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông nên 2 phân môn này đang bỏ ngỏ mà tăng tiết ở các phân môn khác. Thậm chí, có những địa phương chưa có sách giáo khoa hay tài liệu địa phương nên môn học này chưa thể dạy được.

Rõ ràng, Nội dung giáo dục địa phương của chương trình 2018 đang làm rối rắm và gây khó khăn cho các nhà trường, giáo viên trong phân công, sắp xếp thời khóa biểu, giảng dạy và đặc biệt đang khiến cho phụ huynh học sinh phải mua sách mỗi năm với giá cao nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa có cơ sở đánh giá.

Vì thế, giáo viên chúng tôi vẫn mong muốn Bộ hãy trả các phân môn của Nội dung giáo dục địa phương về cho các môn học như trước đây sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều cách thức mà các địa phương đang triển khai, thực hiện trong 2 năm qua đối với môn học này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG