Hiệu trưởng chia sẻ về đổi mới kiểm tra, đánh giá khi 3 GV dạy 1 môn tích hợp

28/11/2022 06:40
Nguyên Phương
GDVN- Các giáo viên không ngừng học hỏi và tích cực bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở các lớp 1, 2, 3 (bậc tiểu học), lớp 6, 7 (bậc trung học cơ sở) và lớp 10 (bậc trung học phổ thông).

Một trong những vấn đề được quan tâm là đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn và các môn tích hợp theo chương trình mới.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) cho biết, cô luôn đồng hành, lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của các thầy cô giáo trong quá trình dạy học, đặc biệt đối với các môn học thuộc chương trình giáo dục mới.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá nhưng đội ngũ giáo viên nhà trường vẫn không ngừng học hỏi và tích cực bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng đúng yêu cầu theo định hướng đổi mới của giáo dục.

Nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc. (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc. (Ảnh: NVCC)

Đối với môn Ngữ văn, khi đổi mới kiểm tra lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, khâu lựa chọn ngữ liệu làm đề rất quan trọng, đòi hỏi người giáo viên phải đọc nhiều, biết nhiều, phải có chuyên môn, kiến thức vững vàng.

Không đơn giản chỉ là việc lựa chọn một đoạn thơ, đoạn văn bất kỳ mà quan trọng là lựa chọn được những ngữ liệu không chỉ đúng về thể loại, chủ đề mà còn phải có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Và đến cách tiếp cận, đặt câu hỏi trong đề thi cũng phải khơi gợi được hứng thú, sự tích cực, sáng tạo ở học trò.

Nguồn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa rất rộng, các đề kiểm tra có thể có nhiều nhưng để đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với chương trình thì giáo viên phải tìm kiếm một cách có chọn lọc sao cho phù hợp với đối tượng học sinh.

“Khi dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, học sinh cũng sẽ gặp khó khăn trong lần đầu cảm nhận một tác phẩm văn học mới, chưa gặp trong sách. Một số học sinh còn bỡ ngỡ, lúng túng, chưa biết cách xử lý vấn đề. Một phần cũng do lối học thụ động trước đây; do chưa nắm chắc kiến thức; và do áp lực của thời gian kiểm tra giữa học kì I”, cô Thúy chia sẻ.

Theo cô Thúy, để không làm khó học sinh, quá trình giảng dạy, ngoài việc cung cấp tri thức, giáo viên sẽ cung cấp cho học sinh các kỹ năng cần thiết để vận dụng giải quyết các dạng đề theo đặc trưng thể loại một cách linh hoạt và sáng tạo.

Giáo viên cũng cần thay đổi cách dạy: trong mỗi giờ học, cần lấy học sinh làm trung tâm, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, gợi mở tư duy sáng tạo cho học trò. Còn học sinh cần thay đổi cách học: không còn thụ động ghi chép mà tham gia tích cực vào các giờ học theo hướng dẫn của thầy cô. Điều này rất quan trọng, bởi chỉ có thay đổi cách dạy, thay đổi cách học mới giúp cho học sinh hình thành năng lực, kỹ năng, có đam mê, hứng thú với môn học.

Thêm vào đó, cần lan rộng văn hóa đọc trong mỗi nhà trường từ giáo viên đến học sinh, tận dụng cơ sở vật chất ở thư viện.

Mỗi nhà trường cần xây dựng hệ thống học liệu (chủ yếu là lấy các văn bản ngoài sách giáo khoa), cho học sinh luyện tập, vận dụng kiến thức đã học để trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân dưới sự định hướng của giáo viên.

Đặc biệt việc xây dựng đề thi cần dựa trên tinh thần "mở" với ngữ liệu mới, câu hỏi mang tính định hướng, khơi gợi, giúp học sinh phát huy tính tích cực, sáng tạo, thể hiện được quan điểm, suy nghĩ của bản thân, thay vì rập khuôn, máy móc…

Giáo viên cũng cần thay đổi cả cách đánh giá, chấm điểm, tôn trọng ý kiến, cảm nhận của học sinh, tránh đếm ý cho điểm; đáp án cần mang tính định hướng, có độ "mở" nhất định để khích lệ, động viên những bài làm sáng tạo của học trò.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần lắng nghe từ phía học trò, để hiểu tâm lý học trò, tháo gỡ khúc mắc, giải đáp những khó khăn cho học trò, giúp học trò nắm chắc kiến thức, tự tin trong mỗi kì thi.

Linh hoạt trong kiểm tra, đánh giá môn tích hợp

Chia sẻ về các môn tích hợp, cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy cho biết, chương trình môn Khoa học tự nhiên của lớp 6, lớp 7 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lí, Sinh học, Hoá học.

Chương trình lớp 6 được sắp xếp theo trình tự thời gian và số lượng: Hoá học 20% - Sinh học 38% - Vật lí 32% (đánh giá định kỳ 10%); Chương trình lớp 7 là Hoá học 24% - Vật lí 28% - Sinh học 38% (đánh giá định kỳ 10%).

Các giáo viên dạy môn tích hợp nói chung và môn Khoa học tự nhiên nói riêng phải thay đổi bản thân cho phù hợp với chương trình, phương pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Nếu giáo viên không thay đổi được chính mình, chắc chắn sẽ xảy ra sự tự đào thải. Giáo viên phải tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng của mình; qua hoạt động dạy học, phát hiện, khơi dậy những năng lực tiềm ẩn, kích thích tư duy sáng tạo cho từng học sinh.

“Nhiều giáo viên cũng trăn trở, chương trình mới, sách giáo khoa mới, môn học mới khó tránh được những khó khăn trong thời gian đầu triển khai. Đặc biệt, khâu khó khăn nhất vẫn là việc kiểm tra và đánh giá học sinh khi có tới 3 cô cùng dạy 1 môn học.

Tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc, với bài kiểm tra thường xuyên, khối lượng kiến thức phân môn Sinh học và Vật lí nhiều hơn nên sẽ có 2 bài. Riêng phân môn Hóa chiếm tỉ lệ ít hơn sẽ có 1 bài kiểm tra trong mỗi một học kì.

Đối với bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, học đến phần nội dung kiến thức của phân môn nào thì các thầy cô dựa trên kiến thức của phân môn đó để ra đề kiểm tra.

Đối với bài kiểm tra cuối kì sẽ được thiết kế dưới dạng bài thi tổ hợp nội dung, kiến thức của 3 phân môn Hóa học, Sinh học và Vật lí. Nội dung kiểm tra, các thầy cô giáo sẽ đưa và tổ trưởng môn học chọn lọc ra các câu hỏi, xây dựng đề thi theo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Việc phân chia theo tỉ lệ % để lượng kiến thức kiểm tra phù hợp với nội dung bài dạy. Bài kiểm tra này là bài trắc nghiệm và sẽ chấm điểm bằng máy.

Sau đó, dựa vào kết quả của học trò, giáo viên sẽ đánh giá mức độ phù hợp của đề thi và có sự điều chỉnh tương ứng thông qua các buổi họp nhóm chuyên môn”, cô Thúy chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc cho biết thêm, đối với môn Khoa học tự nhiên lớp 6, ba giáo viên cùng dạy 1 môn học nhưng theo học bạ, chỉ có duy nhất 1 giáo viên phụ trách vào điểm.

Do đó, việc lựa chọn giáo viên nào vào điểm, đánh giá là đều được Ban giám hiệu phụ trách chuyên môn phân công rõ ràng. Căn cứ vào tỉ lệ tiết dạy của các thầy cô cũng như điều kiện thực tế của nhà trường để lựa chọn giáo viên phụ trách vào điểm, nhận xét học trò. Ví dụ học kì 1 sẽ là giáo viên dạy phân môn Sinh học phụ trách vào điểm học bạ, kì 2 sẽ là giáo viên môn Hóa học.

Dẫu còn một số khó khăn nhất định nhưng các thầy cô luôn nỗ lực tự học, trau dồi và bồi dưỡng thêm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Nguyên Phương