Đừng “hành” giáo viên qua việc sắp xếp thời khóa biểu!

01/12/2022 06:45
Hương Mai
GDVN- Chỉ riêng việc sắp xếp thời khóa biểu cũng đủ cho giáo viên bở hơi tai vì tất bật leo lên, lội xuống từ khối học này sang khối học khác.

Trong trường học, hiệu trưởng là người phụ trách, quản lý chung mọi mặt hoạt động của nhà trường. Bên cạnh hiệu trưởng sẽ có 1-2 (tùy vào số lớp của trường) phó hiệu trưởng được giao phụ trách từng mảng cụ thể.

Đối với giáo viên, nhiều người vẫn ngại phó hiệu trưởng chuyên môn hơn hiệu trưởng nhà trường bởi phó hiệu trưởng chuyên môn là người toàn quyền sắp xếp thời khóa biểu, có thể dự giờ đột xuất và kiểm tra đột xuất hồ sơ giáo viên- khi nào họ muốn.

Việc kiểm tra hồ sơ sổ sách hay dự giờ giáo viên thì tìm những hạn chế rất dễ dàng bởi cho dù giáo viên có giỏi, có cẩn thận như thế nào cũng khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Những hạn chế đó có thể được ghi trong biên bản và cũng có thể không bị ghi vào biên bản- tùy vào mối quan hệ giữa phó hiệu trưởng chuyên môn và giáo viên đứng lớp.

Đặc biệt, một khi mà phó hiệu trưởng chuyên môn không ưa một giáo viên nào đó ở trong trường thì họ tìm cách “hành” cho tơi tả. Chỉ riêng việc sắp xếp thời khóa biểu cũng đủ cho giáo viên bở hơi tai vì tất bật leo lên, lội xuống từ khối học này sang khối học khác hoặc xếp cho mỗi buổi 1-2 tiết để giáo viên đi suốt tuần.

Các phần mềm xếp thời khóa biểu hiện nay rất thuận lợi (Ảnh: Hương Mai)

Các phần mềm xếp thời khóa biểu hiện nay rất thuận lợi (Ảnh: Hương Mai)

Hành giáo viên qua cách sắp xếp thời khóa biểu

Hiện nay, các trường học đều có nhiều dãy lớp khác nhau và tất nhiên cũng có nhiều khối lớp trong mỗi trường. Trong khi, giáo viên thì ngoài cấp mầm non và giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học là dạy 1 lớp của mình, còn lại, giáo viên bộ môn thì phải dạy nhiều khối lớp, nhiều môn học khác nhau.

Ở tiểu học, giáo viên dạy các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật hiện nay không đơn thuần là dạy những môn mà họ đã được đào tạo. Bởi, Ban giám hiệu phân công giáo viên theo định mức, mỗi giáo viên phải dạy 23 tiết/ tuần.

Chính vì thế, những giáo viên này ngoài việc dạy môn học của mình thì họ được phân công dạy Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý. Có những giáo viên phải dạy đến 3 môn học khác nhau để không phát sinh tiền thừa giờ.

Khi giáo viên phải dạy những môn học không phải chuyên môn của họ được đào tạo cũng đã là một sự nỗ lực vì họ phải tự học hoàn toàn. Việc soạn thêm giáo án, đầu tư cho chuyên môn mới là một công việc không hề dễ dàng đối với giáo viên “tay ngang” khi đứng trước học trò.

Tuy nhiên, có những phó hiệu trưởng nhà trường không xem đây là những nỗ lực của giáo viên mà họ đã xếp thời khóa biểu một số giáo viên một cách rất tùy hứng, chủ quan theo ý của mình.

Chẳng hạn, một giáo viên Âm nhạc buổi chiều có 3 tiết Âm nhạc và 1 tiết Tự nhiên và Xã hội, 1 tiết Đạo đức ở 3 khối học (3 dãy lớp) khác nhau nhưng 3 tiết Âm nhạc kề nhau không xếp liên tục mà “chéo cánh” môn này môn kia.

Vì thế, có chuyện giáo viên đang dạy Âm nhạc ở dãy bên này, hết tiết lại chạy sang dãy bên kia dạy Đạo đức, sau đó lại chạy lại bên này dạy Âm nhạc…

Một tiết học ở cấp tiểu học chỉ có 35 phút nhưng họ “hành” giáo viên trèo lên, lội xuống, chạy từ bên này sang bên kia và ngược lại đến bở hơi tai thì tâm thế của người thầy chắc chắn cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Giáo viên ý kiến lên, họ nói khó không sắp xếp được nhưng việc sắp xếp thời khóa biểu hiện nay bằng phần mềm chẳng có gì là khó khăn bởi tất cả được cài đặt sẵn, chỉ cần người sắp xếp công tâm, khách quan là mọi thứ sẽ thuận lợi cho cả giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, những phó hiệu trưởng chuyên môn mà hành xử với giáo viên như vậy đã quên mất một điều là chỉ chừng ấy thời gian, họ có thể hành được giáo viên nhưng đồng thời họ đang làm mất đi thời gian gian học tập của học trò.

Giáo viên họ phải di chuyển từ lớp này sang lớp khác có thể mệt nhưng những lúc học trò đợi chờ thầy cô sẽ gây ồn cho các lớp bên cạnh và ảnh hưởng thời gian của tiết học.

Bên cạnh việc xếp thời khóa biểu khối này, môn này chéo với khối kia, môn kia thì tình trạng một số giáo viên có ngày dạy đến 8 tiết dạy nhưng có ngày họ chỉ xếp 1 tiết lưng chừng ở giữa buổi mà không có sự cân đối cho phù hợp.

Những sự việc này đang khiến cho một bộ phận giáo viên cảm thấy ngao ngán nhưng nếu họ có ý kiến sẽ bị quy chụp là người chống đối, không chấp hành nhiệm vụ phân công của Ban giám hiệu nhà trường. Vì thế, một khi mà họ không ưa giáo viên nào là họ tìm cách gây khó dễ.

Ban giám hiệu hãy đặt lợi ích tập thể, lợi ích của học trò lên trên

Khi ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đồng nghĩa giáo viên đứng lớp họ đang rất áp lực để thích nghi với chương trình, phương pháp dạy học mới.

Việc tạo điều kiện cho giáo viên đứng lớp là điều mà các Ban giám hiệu phải luôn chú trọng. Bởi, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mới thúc đẩy nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đơn vị.

Hơn nữa, người kiến tạo, xây dựng đoàn kết nội bộ đơn vị không ai khác là những thành viên Ban giám hiệu vì nếu họ đầu tàu, gương mẫu sẽ tạo đà cho mối đoàn kết nhà trường được tốt hơn.

Vì thế, phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên mới xứng tầm là những lãnh đạo nhà trường.

Thế nhưng, đâu đó ở một số đơn vị vẫn tồn tại những lãnh đạo nhà trường có tư tưởng ích kỷ, áp đặt, thích làm theo ý mình để đạt được mục đích hẹp hòi của cá nhân để gây khó dễ với một bộ phận giáo viên trong trường.

Một nhiệm kỳ 5 năm của hiệu trưởng, hoặc phó hiệu trưởng tuy dài nhưng cũng nhanh chóng trôi qua. Khi hết nhiệm kỳ, dù ở lại đơn vị hay được bổ nhiệm ở đơn vị khác thì điều cần có là tình cảm của những đồng nghiệp, những cấp dưới của mình còn cảm thấy lưu luyến mới là điều đáng trân quý và đáng làm.

Việc “hành” một vài giáo viên trong trường của một số phó hiệu trưởng chuyên môn là điều tối kỵ trong môi trường giáo dục. Bởi, không ai cứ mãi cam chịu những việc làm, cách hành xử nhỏ nhoi ấy. Bởi, thành ngữ có câu: “con giun xéo lắm cũng phải oằn”…

Vì thế, những lãnh đạo nhà trường hãy sống, công tác, lãnh đạo đơn vị mình như những nhà giáo chân chính mới xứng đáng với kỳ vọng của cơ quan đã bổ nhiệm mình và cũng là cách xây dựng hình ảnh bản thân, xây dựng hình ảnh nhà trường trong mắt mọi người.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Mai