Một trường học muốn phát triển thì việc đầu tiên là Ban giám hiệu nhà trường phải đoàn kết, không để xảy ra xích mích, không tạo phe phái cho riêng mình. Khi 2 người đứng đầu đơn vị đoàn kết, cùng quan điểm trong chỉ đạo thì mọi kế hoạch sẽ thực hiện tốt và đơn vị sẽ đi lên.
Một khi cấp trưởng và cấp phó đối đầu nhau thì cũng là lúc đơn vị bị chia rẽ và giáo viên không biết phải nghe ai và trong quá trình công tác đều phải dè chừng lời ăn, tiếng nói và các mối quan hệ với đồng nghiệp ở trường.
Ngoài việc giảng dạy, giáo viên còn mệt mỏi khi Ban giám hiệu nhà trường mất đoàn kết (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Mâu thuẫn giữa cấp trưởng, cấp phó có rất nhiều
Trong thực tế công tác ở các nhà trường thì việc hiệu trưởng và phó hiệu trưởng bất đồng quan điểm, bằng mặt với nhau nhưng không bằng lòng có rất nhiều. Sự bất đồng này có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nếu như hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cùng giới với nhau, hiệu trưởng nhiều tuổi hơn phó hiệu trưởng thì đa phần các trường đoàn kết. Bởi, họ có cái nhìn cảm thông với nhau hơn, sự phục tùng cả về chức vụ, tuổi tác cũng thuận tiện hơn.
Ngược lại, nếu hiệu trưởng nhỏ tuổi hơn phó hiệu trưởng hoặc cấp trưởng và cấp phó khác giới với nhau thì thường xảy ra những mâu thuẫn trong quá trình công tác và xử lý công việc. Bởi, nó có rất nhiều những vấn đề tế nhị trong chỉ đạo, điều hành công việc ở nhà trường.
Hiệu trưởng là nữ thì thường quản lý chặt về tài chính và đương nhiên có nhiều khoản mà phó hiệu trường đề nghị chi sẽ khó được chi hoặc chi nhưng trong lòng hiệu trưởng cũng không vui.
Hiệu trưởng ít tuổi hơn phó hiệu trưởng thì cũng đôi khi xảy ra những mâu thuẫn âm thầm. Người ít tuổi nhưng chức vụ cao hơn, người nhiều tuổi lại là cấp dưới nên đôi khi trong ứng xử có thể tạo nên những điều bất đồng. Phó hiệu trưởng lớn tuổi thì cho rằng hiệu trưởng nhỏ tuổi mà hách dịch, đây ta, cậy quyền thế để làm phách.
Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường |
Hiệu trưởng ít tuổi thì cho rằng cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Những lời qua, tiếng lại, những lúc trà dư tửu hậu thì giáo viên nghe đầy những câu chuyện của cấp trưởng và cấp phó của mình.
Bất đồng lớn nhất của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng thường diễn ra ở lĩnh vực chi tiêu tài chính của nhà trường. Thực tế, mua gì, chi cái gì thì hiệu trưởng và kế toán bàn luận với nhau chứ ít khi phó hiệu trưởng được tham dự. Bởi vì cơ chế thủ trưởng đơn vị nó thế.
Trong khi, ở trường học thì rất ít người nắm được khoản nào chi phù hợp, khoản nào chi không phù hợp vì nghiệp vụ quản lý tài chính không có. Chỉ có những người học qua lớp cán bộ quản lý mới nắm được sự việc này. Vì vậy, mọi sai sót trong chi tiêu tài chính ở các nhà trường thường là phó hiệu trưởng nhà trường khui ra.
Một bên trách nhiệm thì gánh chung, lợi ích thì ít khi được hưởng nên nhiều khi phó hiệu trưởng nhà trường là người lên tiếng đầu tiên.
Nếu phó hiệu trưởng còn trẻ, còn nghĩ đến tương lai thì họ im lặng, những phó hiệu trưởng mà lớn tuổi, hết tuổi cơ cấu hoặc nhìn vào thực tế khó có cơ hội được đề bạt, bổ nhiệm làm hiệu trưởng thì họ đâu có kiêng sợ gì mà không nói những cái sai của hiệu trưởng. Đương nhiên, những bất đồng cũng từ đây mà nảy sinh.
Khi cấp trưởng, cấp phó bằng mặt mà không bằng lòng với nhau
Chuyện bằng mặt nhưng không bằng lòng với nhau giữa hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có rất nhiều nhưng thường thì họ che giấu mâu thuẫn này trước mặt mọi người.
Về nguyên tắc, phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng nên phải phục tùng mệnh lệnh của hiệu trưởng. Điều này đã được quy định rất rõ trong các văn bản hiện hành. Vì vậy, hiệu trưởng giao việc thì phó hiệu trưởng phải làm và thường thì hiệu trưởng giao cho phó hiệu trưởng rất nhiều mảng hoạt động lớn như: chuyên môn, phổ cập, ngoài giờ…
Nhiều trường học phổ thông bây giờ phó hiệu trưởng còn kiêm thêm cả chủ tịch công đoàn và đương nhiên là phải dạy 4 tiết theo quy định. Việc này trở nên nặng nề hơn nếu là trường chỉ có 1 phó hiệu trưởng.
Một khi làm nhiều việc, kiêm nhiệm nhiều việc sẽ có những thiếu sót, hạn chế và đương nhiên sẽ bị hiệu trưởng phê bình nhắc nhở. Nhiều lần như vậy thì phát sinh mâu thuẫn là chuyện đương nhiên.
Khi phó và trưởng mâu thuẫn thì đương nhiên phải tìm nơi để chia sẻ, nói cho đỡ tức và cũng đồng thời nhấn mạnh cái đúng của mình, cái sai của người kia để có sự đồng thuận của giáo viên trong trường.
Vì vậy, ở một số trường học vẫn tồn tại cụm từ “phe hiệu trưởng”, “phe phó hiệu trưởng” và nhiều giáo viên vẫn thường đề phòng, đố kỵ nhau. Nhiều giáo viên cũng rất cơ hội họ nhìn vào thực tế để có thể đứng về phía ai.
Nếu phó hiệu trưởng còn trẻ, có triển vọng lên thay hiệu trưởng thì đương nhiên có nhiều người ngầm bảo vệ cho vị này. Thực tế, trong trường học ở trường phổ thông thì phó hiệu trưởng là người gần giáo viên hơn hiệu trưởng với tất cả các hoạt động bởi phó hiệu trưởng chỉ đạo trực tiếp còn hiệu trưởng thì chỉ đạo gián tiếp.
Nhưng, nếu hiệu trưởng còn trẻ thì đương nhiên phe của hiệu trưởng cực mạnh và chiếm thế thượng phong trong nhà trường.
Nhiều giáo viên trung lập không đứng về phe ông nào…cũng khổ bởi mình sẽ trở nên đơn độc trong đơn vị ở tất cả các hoạt động.
Thiết nghĩ, trong nhà trường thì Ban giám hiệu cần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để tạo ra sự đồng thuận cho đơn vị. Tránh tình trạng để xảy ra mâu thuẫn và tạo phe cánh cho nhau khiến đơn vị không phát triển được mà giáo viên cũng mệt mỏi vô cùng.