Nhiều tỉnh thiếu GVMN so với định mức, tuyển dụng khó, nhu cầu nâng chuẩn cao

12/12/2022 06:43
Ngọc Mai
GDVN- Đội ngũ, chuẩn trình độ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tăng nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng.

Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023-2030" được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non, bảo đảm hầu hết trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi ở mọi vùng, miền được đến lớp để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp một.

Nguồn ảnh: Báo Gia Lai
Nguồn ảnh: Báo Gia Lai

Một trong những vấn đề được quan tâm đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên công tác trong ngành giáo dục bậc học mầm non.

Theo số liệu trong đề án, năm học 2020 - 2021 (tính đến thời điểm cuối năm học), toàn ngành có 529.531 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục mầm non. Trong đó, có 37.740 cán bộ quản lý; 377.103 giáo viên; 114.688 nhân viên.

Nhìn chung, giai đoạn từ 2016 - 2021, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non đã tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Các địa phương đã tích cực chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo yêu cầu đổi mới chuẩn/tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu và chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có biểu đồ Tổng hợp số lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non tính đến cuối năm học 2020-2021 của 63 tỉnh thành như sau:

Hà Nội là thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng cán bộ quản lý, số giáo viên và nhân viên cấp mầm non. Trong đó, số giáo viên (28.344 người) nhiều nhất, tiếp đến là nhân viên (11.282 người) và cán bộ quản lý (2.300 người).

Về cán bộ quản lý: Ngay sau Hà Nội là Thanh Hóa (1.746 người), Nghệ An (1.248 người), thành phố Hồ Chí Minh (815 người).

Tỉnh, thành có số lượng cán bộ quản lý ít nhất là Ninh Thuận (132 người), Đà Nẵng (194 người) và Bắc Kạn (233 người).

Về giáo viên, ngoài Hà Nội dẫn đầu, tiếp ngay sau là Thanh Hóa (12.838 người), thành phố Hồ Chí Minh (10.813 người), Nghệ An (10.587 người).

Địa phương có số lượng giáo viên ít nhất là: Cà Mau (175 người), Ninh Thuận (886 người). Ninh Thuận cũng là tỉnh có ít cán bộ quản lý nhất cả nước.

Về nhân viên, tiếp sau Hà Nội, Nghệ An là tỉnh có nhiều nhân viên thứ 2 (5.029 người). Xếp ngay sau là Thanh Hóa (3.296 người), Hải Phòng (2.410 người) và Bắc Giang (2.332 người).

Một số địa phương có số lượng nhân viên bậc giáo dục mầm non chưa đến 1.000 người bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định... Trong đó, cá biệt tỉnh thành có số nhân viên ít nhất là: Tuyên Quang (5 người), Phú Yên (29 người)

Cũng theo biểu đồ, chênh lệch về số lượng giữa cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên giữa các tỉnh thành không đồng đều. Lấy ví dụ, Nghệ An có số lượng cán bộ quản lý, giáo viên ít hơn Thanh Hóa nhưng có nhiều nhân viên hơn. Tuyên Quang có 3.809 giáo viên, nhưng chỉ có 5 nhân viên.

Nâng chuẩn trình độ giáo viên sẽ là điều kiện để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non

Dựa theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Đà Nẵng và Cà Mau đạt 100% trình độ giáo viên đạt chuẩn trở lên theo Luật Giáo dục 2019.

Tỷ lệ trình độ giáo viên đạt chuẩn trở lên trên 90% là các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Cũng theo biểu đồ trên, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Ninh Thuận là các địa phương có số giáo viên chưa đạt chuẩn nhiều nhất. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc nhiều nhất là 33,3%.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng của trường đào tạo cao đẳng sư phạm ở tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Từ khi áp dụng Luật Giáo dục 2019, sinh viên của trường chủ yếu là người đã đi làm tại các cơ sở giáo dục mầm non có nguyện vọng học tiếp để nâng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Cũng theo vị này, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non sẽ là tiền đề, điều kiện để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ, nhất là trẻ 5 tuổi chuẩn bị tâm thế bước vào lớp 1.

Cùng chia sẻ về tầm quan trọng của trình độ đạt chuẩn với giáo viên bậc mầm non, cô Vũ Thị Út, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Thái (Hà Nội) cho rằng, trình độ giáo viên nâng lên thì chất lượng giáo dục mầm non cũng được tăng theo.

"Tập thể giáo viên mầm non của nhà trường luôn thể hiện tinh thần yêu nghề, mến trẻ, trách nhiệm cao trong công việc. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên tham gia học nâng chuẩn trình độ để đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhất là khi đưa vào chương trình giáo dục mầm non, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục trẻ.

Giáo viên không chỉ là người trực tiếp đứng lớp, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mà còn là cầu nối giữa trẻ nhỏ, phụ huynh với nhà trường, góp phần phát triển giáo dục bậc mầm non phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế", vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ.

Định mức giáo viên còn thiếu

Bên cạnh những ưu điểm, đề án cũng chỉ ra, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên chưa sát thực tế, chậm đổi mới. Chưa chú trọng cho sinh viên sư phạm trải nghiệm, thực hành nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục mầm non. Chuẩn đầu ra ngành sư phạm chưa được xây dựng đầy đủ, chưa gắn với yêu cầu về năng lực nghề nghiệp giáo viên.

Đặc biệt, đội ngũ giáo viên thiếu, khó bổ sung. Tuy tỷ lệ giáo viên/lớp các vùng đều tăng, nhưng nhiều tỉnh, thành phố tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp. Tại các địa phương đều tuyển dụng chậm do chỉ tiêu biên chế giao theo năm tài chính hoặc giao chậm hơn so với quy mô năm học, công tác tuyển dụng cần nhiều thời gian.

Trong năm 2020-2021 toàn ngành thiếu 48.718 giáo viên mầm non. Một số địa phương thiếu chỉ tiêu biên chế, thiếu nguồn tuyển dụng trình độ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên theo Luật Giáo dục.

Thiếu giáo viên nhưng địa phương không được hợp đồng lao động trong khi vẫn phải thực hiện chủ trương giảm 10% biên chế. Sau dịch COVID-19, nhiều địa phương không có đủ nguồn giáo viên để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Dựa vào biểu đồ cho thấy, Hà Nội có định mức giáo viên nhiều nhất là 29.542 người. Tiếp sau là Thanh Hóa (16.161 người), Nghệ An (15.297 người), thành phố Hồ Chí Minh (12.548 người), Hải Dương (8.154 người), Nam Định (8.071 người). Ít nhất là Ninh Thuận (1.152 người), Bắc Kạn (1.631 người), Phú Yên (1.387 người).

Địa phương có số giáo viên thiếu theo định mức nhiều nhất là Nghệ An (4.710 người), Thanh Hóa (3.323 người), Thái Bình (3.319 người). Ít nhất là Quảng Ninh (2), Lạng Sơn (2), Hòa Bình (5), Phú Thọ (34), Đà Nẵng (49).

Với nhu cầu nâng chuẩn trình độ của giáo viên, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số nhu cầu đào tạo nâng chuẩn giáo viên mầm non gồm 15.094, trong đó, 10.318 nâng chuẩn đại học và 4.776 nâng chuẩn cao đẳng.

Tiếp theo là Hà Nội 11.101 người (9.172 đại học, 1.929 cao đẳng); Bình Dương 4.967 người (2.759 đại học và 2.208 cao đẳng). Sóc Trăng 3.097 người (2.580 đại học, 517 cao đẳng).

Đặc biệt, Bạc Liêu, Bình Thuận, Hòa Bình, Bắc Kạn, Quảng Ninh không có giáo viên nâng chuẩn cao đẳng. Trong khi, Ninh Bình có tổng 100 nhu cầu đào tạo nâng chuẩn trình độ nhưng đều là trình độ cao đẳng.

Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi chưa cao

Mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi chậm 2 năm so với yêu cầu (phải đạt năm 2015). Thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, toàn quốc còn 8 xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Tỷ lệ giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo 5 tuổi mới đạt 1,85 giáo viên/lớp, công tác tuyển dụng chậm, ảnh hưởng tới điều kiện công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, cùng với tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi còn thấp, làm suy giảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi. Nhiều địa bàn thiếu cơ sở vật chất, giáo viên nên trẻ các độ tuổi dưới 5 tuổi chưa được quan tâm, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ở một số địa bàn thấp.

Ngọc Mai