29/63 tỉnh, thành phố huy động trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp đạt từ 95% trở lên

01/12/2022 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỷ lệ huy động trẻ chênh lệch giữa các vùng kinh tế xã hội, giữa các tỉnh, thành phố và nhóm tuổi là những vấn đề được quan tâm trong thực hiện PCGDMN.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, giai đoạn 2015- 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng để phát triển giáo dục mầm non.

Nhất là từ năm 2016 đến nay, đã có 2 Luật, 3 Nghị định của Chính phủ, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành liên quan trực tiếp đến giáo dục mầm non. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành 6 Thông tư và 11 Quyết định về quy chế chuyên ngành, hướng dẫn thực hiện chuyên môn.

Phát triển giáo dục mầm non ngày càng được quan tâm đầu tư. (Ảnh: Trường Mầm non Chiềng Lề, tỉnh Sơn La).

Phát triển giáo dục mầm non ngày càng được quan tâm đầu tư. (Ảnh: Trường Mầm non Chiềng Lề, tỉnh Sơn La).

Các văn bản góp phần định hướng rõ ràng mục tiêu phát triển, bảo đảm các điều kiện, cơ chế chính sách để thúc đẩy củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non; bổ sung cơ sở vật chất, phát triển và giải quyết khó khăn cho đội ngũ, nhằm từng bước mở rộng khả năng thu nhận và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung xây dựng Đề án “Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030”.

Với mục tiêu đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp một.

Căn cứ vào số liệu trong dự thảo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ trẻ mầm non được tiếp cận giáo dục có xu hướng tăng lên.Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp có sự chênh lệch giữa nhóm tuổi, vùng kinh tế xã hội và giữa các tỉnh, thành phố là vấn đề được ngành giáo dục quan tâm, cần có giải pháp tạo chuyển biến tỷ lệ huy động đồng đều giữa các tỉnh thành trong thực hiện phổ cập giáo dục mầm non.

Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp chênh lệch giữa nhóm tuổi và giữa các tỉnh, thành phố

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phân tích kết quả thực hiện phát triển giáo dục mầm non tính đến cuối năm học 2020-2021 theo số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

Dựa vào biểu đồ có thể thấy, nhìn chung, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp có sự chênh lệch giữa nhóm tuổi nhà trẻ - mẫu giáo và giữa các tỉnh, thành phố.

Theo nhóm tuổi: Tỷ lệ huy động trẻ nhóm tuổi mẫu giáo ra lớp nhiều hơn so với nhóm tuổi nhà trẻ.

Các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Gia Lai có tỷ lệ trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo huy động ra lớp chênh lệch lớn. Đơn cử, tỉnh Tiền Giang có tổng 57.262 học sinh bậc mầm non, trong đó có 7,4% nhóm nhà trẻ huy động ra lớp, trong khi có tới 77,9% nhóm mẫu giáo huy động ra lớp.

Tỉnh An Giang có 56.450 học sinh mầm non, nhưng chỉ có 9,0% nhóm nhà trẻ và 72,5% nhóm mẫu giáo được huy động ra lớp.

Theo tỉnh, thành phố: Đối với nhóm trẻ mẫu giáo, hiện có 29/63 tỉnh đã huy động đạt từ 95% trở lên.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 95% trở lên gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Cần Thơ

- Về tỷ lệ nhóm mẫu giáo huy động ra lớp: Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam và Điện Biên có tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt từ 100% trở lên. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lai Châu có mức tiệm cận tỷ lệ 100% huy động trẻ mẫu giáo ra lớp.

Các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Bến Tre... chưa đạt 90% tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp. Tỷ lệ huy động thấp nhất là Cà Mau 63,1%, Ninh Thuận 69,4%.

- Về tỷ lệ nhóm nhà trẻ huy động ra lớp: Top 3 địa phương chiếm tỷ lệ cao nhất là Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Nội. Thấp nhất là các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang, Gia Lai, Hà Tĩnh (chưa tới 10%).

Theo dự thảo đề án, năm học 2020-2021, toàn quốc đã huy động 5.375.046 trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ đạt 66,9%, trong đó nhóm nhà trẻ đạt tỉ lệ 28,2%, nhóm mẫu giáo đạt 92,4%. Tỷ lệ huy động trẻ năm 2021 tăng 4,4% (268.471 trẻ) so với năm 2015.

Tỷ lệ huy động trẻ chênh lệch giữa các vùng kinh tế xã hội.

Không chỉ chênh lệch nhóm tuổi, tỉnh, thành phố mà tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn phân hóa theo vùng kinh tế xã hội. Cụ thể, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có biểu đồ dưới đây:

Dựa vào biểu đồ trên cho thấy, vùng kinh tế xã hội có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp cao nhất là Đồng bằng Sông Hồng. Vùng có tỷ lệ huy động thấp nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đồng bằng Sông Hồng có mật độ dân cư cao, điều kiện phát triển kinh tế xã hội thuận lợi hơn so với các vùng miền khác nên đầu tư cho giáo dục được quan tâm nhiều và hiệu quả huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ cao hơn.

Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển vượt bậc, mang lại hiệu quả xã hội và niềm tin rất lớn cho nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đến nay giáo dục mầm non đã có mạng lưới trường lớp rộng khắp đến các địa bàn dân cư phường xã, thôn bản, tạo điều kiện để trẻ em trong độ tuổi mầm non được tới trường, lớp, bao gồm cả các trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ không ngừng được cải thiện.

Hiện tại, ngoài việc 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đã có 29 tỉnh, thành phố có tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi đến trường từ 95% trở lên, nhiều điều kiện đáp ứng cho công tác huy động trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đã tiệm cận với tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi hiện hành, mang đến niềm tin về giáo dục mầm non cho cộng đồng và nhân dân các địa phương.

Kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi có tác dụng tốt đối với sự phát triển của trẻ (chuẩn bị tốt vào lớp một), đồng thời tạo sự an tâm, tin tưởng, tích cực tham gia lao động, sản xuất của cha mẹ trẻ nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực thành thị.

Ngọc Mai