Nữ thủ khoa Trường ĐH Công nghệ Đông Á: Đừng lãng phí năm học đầu tiên

04/12/2022 06:57
Trà My
GDVN- Sinh ra trong gia đình khó khăn, Lê Thị Thùy xuất sắc trở thành 1 trong 98 thủ khoa đầu ra được Hà Nội tuyên dương năm 2022. 

Lê Thị Thùy (sinh năm 2000), xuất thân trong một gia đình thuần nông ở Thanh Hóa. Có một điều rất đặc biệt là bố mẹ Thùy sinh ba chị em cùng lúc. Để nuôi ba con cùng sinh, gia đình Thùy đã gặp rất nhiều khó khăn, bố mẹ không chỉ làm lụng vất vả mà còn thường xuyên phải chạy vạy đi vay khắp nơi để có tiền nuôi 3 con ăn học.

Bởi vậy, ngay từ năm thứ nhất đại học, Thùy đã đặt ra mục tiêu cho bản thân rằng phải cố gắng để trở thành sinh viên đứng đầu lớp cũng như thực sự đầu tư thêm thời gian và công sức cho 2 năm cuối để đạt được thành tích cao là trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường.

Lê Thị Thùy (nhận bằng khen) cùng bố và hai chị em sinh ba của mình tại Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 (Ảnh: NVCC).

Lê Thị Thùy (nhận bằng khen) cùng bố và hai chị em sinh ba của mình tại Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 (Ảnh: NVCC).

“Em luôn đặt ra định hướng cho bản thân là không bao giờ coi năm thứ nhất chỉ là để trải nghiệm và vui chơi tận hưởng, bởi theo em, cần vạch sẵn lộ trình cho 4 năm đại học để không lãng phí thời gian của bản thân và gia đình. Chưa kể, em cũng biết rất nhiều bạn bè đã lên kế hoạch học tập cho bản thân cả 4 năm học ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường năm nhất.

Do vậy, em luôn cố gắng cân bằng được cả việc trải nghiệm môi trường học đại học mới mẻ với việc tự học tập của bản thân, bởi mình chỉ cần chậm chân là bạn khác sẽ vươn lên và bỏ xa mình”.

Chia sẻ về lý do lựa chọn ngành học quản trị kinh doanh, Thùy cho biết, bản thân đam mê về quản trị, marketing và kinh doanh, cũng như nhìn thấy được cơ hội nghề nghiệp cao nên đã lựa chọn theo ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Theo Thùy, ngành học này khá rộng mở, định hướng của Thùy là cần một nền tảng tổng quát và hiểu biết rộng về lĩnh vực, sau đấy sẽ học thêm và trau dồi một số ngách chính (chuyên ngành sâu) để theo đuổi lâu dài.

Để có được thành tích cao như hiện tại, nữ thủ khoa tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Đông Á luôn cố gắng tập trung 100% để nghe giảng trên lớp, đến đoạn nào thấy khó và cảm thấy bản thân không thể hiểu được ngay thì Thùy sẽ ghi âm và về nhà nghe lại.

Bên cạnh đó, Thùy cũng không bao giờ ngại hỏi giảng viên, bất kỳ giảng viên nào dạy mình, Thùy cũng xin số điện thoại để hỏi bài, bởi theo nữ sinh, việc này sẽ giúp em vừa hiểu bài hơn mà giảng viên đó cũng nhớ mình hơn, thuận lợi cho những trao đổi bài học khác nữa.

Ngoài học tập, nữ sinh Trường Đại học Công nghệ Đông Á còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như: tham gia Câu lạc bộ Beer For Life, Câu lạc bộ Tiếng Anh; tham gia các hoạt động chào đón tân sinh viên và hỗ trợ dẫn các đoàn trường trung học phổ thông tham quan nhà trường; lao động công ích; hiến máu nhân đạo; đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ mùa thi,.. và các hoạt động khác do Đoàn trường tổ chức.

Không những vậy, theo Thùy, các bạn sinh viên cũng nên cố gắng tham gia giành giải thưởng tại các cuộc thi thì sẽ có cơ hội nhận được học bổng cao hơn. Ví dụ như ngay từ năm nhất, Thùy đã tham gia cuộc thi English Quiz Game do Trường Đại học Công nghệ Đông Á tổ chức và cùng team giành giải nhất chung cuộc,...

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập và rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động, cuộc thi như vậy, nữ thủ khoa luôn đạt học bổng trong tất cả các kỳ học của trường cũng như đạt được học bổng lớn của những đơn vị nổi tiếng như "Học bổng sinh viên xuất sắc" của Ngân hàng Agribank,...

Cũng giống như nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn khác, năm cuối đại học, dù chưa ra trường, Thùy vừa phải cân bằng giữa việc học và công việc của mình để có thể giúp đỡ phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình, đặc biệt là vào năm cuối - giai đoạn sắp tốt nghiệp, có rất nhiều vấn đề cần xử lý nên cũng rất vất vả.

Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn khi có 3 chị em học đại học cùng lúc, Lê Thị Thùy trước kia chưa từng nghĩ bản thân sẽ được học đại học. Chính vì thế, khi đỗ đại học và được bố mẹ động viên, tạo điều kiện để tiếp tục học lên, Thùy càng trân trọng cơ hội này hơn.

May mắn cũng đã mỉm cười với nữ thủ khoa Trường Đại học Công nghệ Đông Á khi gặp được một giảng viên đầy lòng nhân ái - đó là cô Lê Thị Tầm.

“Biết gia đình em gặp khó khăn khi có 3 người con cùng lúc học đại học, cô Tầm đã tìm cơ hội để em có thể cố gắng giành học bổng.

Vì vậy, cô đã giới thiệu em đến với Trường Đại học Công nghệ Đông Á và cũng là người dẫn dắt em từ những ngày đầu tiên em ra Hà Nội. Nhờ có sự hỗ trợ không quản vất vả của cô Tầm, em đã thực sự đạt được ước mơ, giành lấy học bổng để giảm đỡ được một phần gánh nặng cho bố mẹ ở quê”, Thùy nói.

Ngoài cô Tầm ra, nữ thủ khoa vẫn luôn biết ơn tất cả giảng viên, bạn bè đã luôn đồng hành và giúp đỡ mình trong suốt những năm tháng học đại học. Trong đó, có thầy Đinh Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đông Á một người thầy luôn mang đến những kiến thức bổ ích nhưng cũng rất gần gũi với sinh viên.

Ngoài những nỗ lực trong học tập, hoạt động, nữ thủ khoa còn là một cô gái có tấm lòng nhân hậu. Trong quá trình học tập ở trường, Thùy đã từng lựa chọn đi dạy học tình nguyện ở Trường Trung học cơ sở Thuần Hưng, Hưng Yên.

Lần đầu tiên được thử làm giáo viên đúng nghĩa, lên kế hoạch giảng dạy, chuẩn bị dụng cụ và trực tiếp đứng lớp, may mắn là mọi thứ diễn ra suôn sẻ và trở thành một dấu ấn đáng nhớ trong 4 năm học đại học của cựu nữ sinh.

Trong tương lai gần, Thùy cho biết, bản thân sẽ tiếp tục làm các công việc văn phòng liên quan đến marketing để tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thêm từ các anh chị đi trước. Còn với mục tiêu xa hơn, Thùy cũng có ước mơ sẽ kinh doanh riêng để có thể tự chủ về mọi thứ cũng như hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Trà My