Nữ thủ khoa được vinh danh năm 2022 dự định sẽ trở về quê hương để làm việc

22/11/2022 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Em biết ơn vì được làm học trò cô Lương Thị Lan-“người lái đò” tâm huyết của đời mình", thủ khoa được vinh danh 2022 Nguyễn Thị Hà nói. 

Năm 2022, 98 thủ khoa được Hà Nội tuyên dương gồm các em có thành tích học tập xuất sắc, tình nguyện vì cộng đồng, hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực học tốt…

Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với Nguyễn Thị Hà, thủ khoa kép Trường Đại học Hòa Bình ở niềm đam mê về những con số, là tấm gương giàu nghị lực vượt khó, lòng nhân ái và sẵn sàng sẻ chia, thiện nguyện vì cộng đồng.

Nguyễn Thị Hà (ngồi viết, ngoài cùng, bên phải) trong Lễ ghi danh sổ vàng diễn ra tối ngày 17/11/2022. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nguyễn Thị Hà (ngồi viết, ngoài cùng, bên phải) trong Lễ ghi danh sổ vàng diễn ra tối ngày 17/11/2022. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nữ sinh xứ Thanh xuất sắc trở thành thủ khoa kép

Nguyễn Thị Hà (sinh năm 2000) là sinh viên ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Hòa Bình. Năm 2022, với thành tích học tập ấn tượng, Hà xuất sắc là thủ khoa đầu ra toàn khóa và trở thành thủ khoa kép của Trường Đại học Hòa Bình.

Đằng sau thành tích học tập đáng ngưỡng mộ là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, vươn lên của nữ sinh gen Z này.

Hà là con cả trong gia đình có 4 chị em, ở tỉnh Thanh Hóa, gia cảnh không mấy khá giả, bố mẹ làm nông nghiệp bận rộn nên ngay từ khi còn nhỏ nữ sinh đã học được cách tự lập trong sinh hoạt và học tập.

Hà kể, từ cấp 3, em rất yêu thích các môn học liên quan đến những con số nên xác định chọn học đại học ở chuyên ngành nào đó sử dụng đến trình độ, kỹ năng tính toán.


Thời điểm luyện thi đại học, Hà tập trung vào các môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh (khối D) để sử dụng phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả điểm thi. Trong đó, môn Ngữ văn và Toán là sở trường nên Hà khá yên tâm. Ngược lại, do Tiếng Anh không phải thế mạnh nên Hà phải dành nhiều thời gian để học môn này hơn.

Bằng miệt mài nỗ lực, ngày nhận được giấy báo trúng tuyển, Hà thực sự bất ngờ khi trở thành thủ khoa đầu vào ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Hòa Bình.

Nhớ lại khoảnh khắc đó, Hà kể: "Lúc ấy, bố mẹ em dẫu vui mừng, phấn khởi, nhưng cũng có phần lo lắng vì con gái đi học xa mà kinh tế không đủ để chi trả tiền sinh hoạt, học tập. Bố mẹ em đã suy nghĩ rất nhiều việc có đồng ý cho em đi học hay không. Sát ngày nhập học, vì thương em nên bố mẹ cố gắng gồng gánh, vay mượn để có đủ kinh tế cho em ra Hà Nội học, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”.

Với Hà, những ngày đầu tiên xa nhà để học đại học có nhiều khó khăn. Hà phải tập thích nghi với cuộc sống sinh viên, nhớ nhà, nhất là những bữa cơm cả nhà quây quần bên nhau, tuy nghèo khó nhưng luôn lạc quan, vui vẻ.

Sau 4 năm cố gắng phấn đấu, nỗ lực học tập không ngừng, với ý chí vươn lên, Hà vinh dự đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra toàn khóa và được tuyên dương trong buổi lễ ngày 18/11/2022.

Nguyễn Thị Hà nhận Giấy khen trong Lễ trao bằng tốt nghiệp Trường Đại học Hoà Bình năm 2022. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nguyễn Thị Hà nhận Giấy khen trong Lễ trao bằng tốt nghiệp Trường Đại học Hoà Bình năm 2022. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Ngày sinh nhật đầu tiên xa nhà cũng là ngày mẹ em lên bàn phẫu thuật..."

Tâm sự với Hà mới thấy rằng, kết quả học tập mà em đạt được phải qua rất nhiều những cố gắng, trong đó có cả việc vượt nghịch cảnh - những khó khăn riêng của gia đình. Hà kể, khi chưa học hết năm nhất đại học thì mẹ của em phát hiện bị ung thư.

Từ đây, cuộc sống gia đình ở quê và việc trọ học của Hà trên thành phố có nhiều thay đổi. Hà khóc rất nhiều. Nhiều lần em có suy nghĩ bỏ học về quê đi làm để vừa chăm lo cho mẹ, vừa đỡ tốn kém tiền của gia đình.

"Em còn nhớ rõ, ngày sinh nhật đầu tiên sau khi xa nhà cũng là ngày mà mẹ em lên bàn phẫu thuật ở bệnh viện chuyên khoa ung bướu tại Hà Nội

Những ngày tháng ở bệnh viện sau đó hết sức vất vả. Buổi sáng em đi học, buổi chiều vào viện chăm mẹ. Có những hôm học cả ngày, tối đến em mới bắt xe đến viện với mẹ được. Trường em cách bệnh viện khá xa nên quá trình đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong suốt thời sinh viên, giai đoạn mẹ phẫu thuật và điều trị nằm viện là gian nan nhất đối với em”, Hà nhớ lại.

Phẫu thuật, điều trị bước đầu thành công, đều đặn hàng tháng, mẹ của Hà lại ra Hà Nội để tái khám, theo dõi bệnh tình. Về sau, vì đường xa, kinh tế cũng không đảm bảo nên mẹ em chuyển về một bệnh viện ung bướu ở quê để tiện cho việc thăm khám hàng tháng.

Qua thời gian điều trị tích cực, bệnh tình mẹ của Hà đã thuyên giảm nhưng sức yếu nên không làm việc được nữa. Trong gia đình, chỉ còn lại bố là người lao động duy nhất nên kinh tế càng khó khăn hơn.

Hiểu chuyện, Hà xác định phải học tốt, giành học bổng và đi làm thêm để đỡ đần cho gia đình, phụ bố mẹ nuôi 3 em. Do đó, từ năm thứ 2 đại học, em bắt đầu tự chi trả phí sinh hoạt hàng tháng và học phí đóng bằng tiền học bổng em nhận được nhờ thành tích học tập tốt.

Nhắc về học trò cũ, cô Lương Thị Lan, giáo viên dạy môn Ngữ văn, chủ nhiệm Hà năm lớp 9 bày tỏ: “Hà là một học trò ngoan ngoãn, có tinh thần xây dựng tập thể cao và luôn ý thức học tập nghiêm túc.

Ngày thi cấp 3, với khả năng của Hà, em có thể đỗ vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Lam Sơn. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh kinh tế hạn chế, dưới Hà còn có 3 em ăn học, nên dù thi đỗ thì việc duy trì học tập ở trường này cũng không đơn giản nên em lựa chọn học trường gần nhà.

Lúc biết tin em đỗ đại học, tôi mừng cho Hà. Nhưng gia đình vốn vất vả, đến khi mẹ của Hà trở bệnh nặng, kinh tế lại càng kiệt quệ hơn. Lúc này, Hà rất suy sụp, nhiều lần, em liên lạc cho tôi bộc bạch muốn dừng học để về quê đi làm.

Tôi thương và động viên em nhiều, tôi nói với em rằng đã đi học là phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn.

Cũng may mắn là 3 em của Hà rất ngoan và đều ý thức được hoàn cảnh gia đình mình nên có thể hỗ trợ việc nhà, chăm sóc mẹ, hỗ trợ bố các công việc khác. Đây cũng là động lực, chỗ dựa để Hà yên tâm học tập 4 năm ở Hà Nội.

Thành tích thủ khoa đầu ra toàn khóa của Trường Đại học Hòa Bình năm 2022 sẽ là món quà xứng đáng cho nỗ lực của Hà, là niềm tự hào của gia đình em".

Làm nhuần nhuyễn bài tập để cải thiện Tiếng Anh chuyên ngành

"Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai..." - câu hát ấy thật đúng với chặng đường học vấn của nữ sinh Nguyễn Thị Hà. Dù đạt thành tích học tập ấn tượng, nhưng cũng có thời điểm Hà từng rất sợ học Tiếng Anh chuyên ngành.

Chia sẻ kỹ năng đạt điểm cao các môn học chuyên ngành, Hà cho biết, ngoài đọc kỹ, hiểu sâu giáo trình, em thường đọc thêm sách chuyên khảo mượn ở thư viện trường hoặc mua ở ngoài.

“Quá trình học trên lớp, em cố gắng nắm chắc luôn kiến thức và làm hết bài tập. Khi về nhà sẽ tìm thêm các bài tập trên internet để làm nhuần nhuyễn tất cả các dạng bài của môn học đó.

Bên cạnh đó, để đạt điểm tổng kết cao trong suốt 4 năm học, việc nắm chắc các môn cơ sở cũng hết sức quan trọng. Em chú tâm học đều tất cả các môn, không phân biệt môn đại cương hay môn chuyên ngành. Nếu học tốt và đạt điểm cao các môn đại cương thì sẽ kéo điểm tổng kết cuối kỳ của sinh viên lên đáng kể”, Hà cho biết.

Về chuyên ngành, Hà thích nhất môn Tài trợ dự án. Thông qua môn học này, Hà có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá để lựa chọn phương thức tài trợ phù hợp cho các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi và hiệu quả.

“Hơn nữa, giảng viên dạy môn này là tiến sĩ đi du học nước ngoài về nên kiến thức của thầy rất phong phú và đa dạng, giúp cho sinh viên có những tiết học hết sức bổ ích và thoải mái”, Hà chia sẻ.

Môn khó nhất theo Hà là Thanh toán quốc tế. Bởi, môn học này có rất nhiều từ ngữ Tiếng Anh chuyên ngành. Để học tốt, Hà cố gắng vượt qua bằng cách nỗ lực học Tiếng Anh thông qua các bài dạy của giảng viên, qua slide (trình chiếu) và đọc kỹ giáo trình.

“Mỗi người sẽ có một phương pháp học tập riêng và phù hợp nhất. Việc làm rất nhiều bài tập là kỹ năng không thể thiếu trong suốt quá trình học của sinh viên. Nhờ đó, trình độ Tiếng Anh của em cũng được cải thiện rõ rệt.

Nguyễn Thị Hà - tấm gương giàu nghị lực vượt khó, lòng nhân ái và sẵn sàng sẻ chia, thiện nguyện vì cộng đồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nguyễn Thị Hà - tấm gương giàu nghị lực vượt khó, lòng nhân ái và sẵn sàng sẻ chia, thiện nguyện vì cộng đồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, em xác định mục tiêu là sẽ phải đạt tấm bằng xuất sắc khi ra trường. Nhưng lúc biết mình là thủ khoa đầu ra và được vinh danh, em vẫn rất bất ngờ và hạnh phúc. Thành tích này không chỉ là sự cố gắng của riêng bản thân mà là sự đồng hành, sẻ chia từ gia đình, thầy cô”, Hà chia sẻ.

Góp sức nhỏ để sẻ chia nhiều hơn với những người yếu thế

Không chỉ là một người con hiếu thảo, thủ khoa học tốt, Hà còn là tấm gương giàu tình nhân ái, sẵn sàng thiện nguyện vì cộng đồng.

Chia sẻ về hoạt động làm thiện nguyện của mình, Hà nói, em sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều người khó khăn, nhất là ở vùng cao, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, điều kiện sinh sống, giáo dục thiếu thốn vô cùng.

Với mong muốn được góp sức nhỏ sẻ chia với cộng đồng, Hà cùng với một số anh, chị ở quê thành lập ra nhóm thiện nguyện gồm hơn 10 người. Nhóm tự thực hiện và kêu gọi từ thiện để có vật phẩm hỗ trợ, mang tặng người nghèo, trẻ em, người già ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Những vật phẩm chủ yếu bao gồm: quần áo, đồ dùng sinh hoạt, sách vở cũ, còn sử dụng được.

“Nghỉ hè năm thứ 2 đại học, em từ Hà Nội về quê để cùng với nhóm thiện nguyện tham gia kêu gọi, phát quà, quần áo, đồ dùng cho người dân, sách vở cho trẻ em vùng cao của tỉnh.

Chuyến đi để lại trong em nhiều cảm xúc nhất, có lẽ là chuyến thiện nguyện tới huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa). Khi đặt chân đến đây, tận mắt chứng kiến đời sống của các cụ già, các em nhỏ quá nhiều thiếu thốn, tạm bợ, em rất thương và vô cùng xót xa.

Em thật sự khâm phục các em nhỏ bởi tinh thần lạc quan, vượt lên chính mình để thực hiện mơ ước được học chữ với hy vọng thay đổi tương lai. Dù khó khăn, các em nhỏ ở đó vẫn luôn ý thức được rằng, chỉ cố gắng học thật tốt, chăm chỉ thì mới có thể giúp bản thân, gia đình được tốt hơn.

Chuyến thiện nguyện cũng tạo điều kiện cho em được gặp gỡ và trò chuyện cùng các thầy, cô giáo vùng cao, từ đó, giúp em hiểu hơn về nỗi vất vả của nghề giáo. Em từng làm gia sư, mặc dù không chính thức được đứng trên bục giảng, nhưng em cũng phần nào cảm nhận được những khó khăn, vất vả đặc thù của nghề dạy học. Ấy vậy mà, nơi non cao, nhọc nhằn, thiếu thốn đủ thứ này không cản bước được thầy, cô giáo - những người luôn gắn bó, tâm huyết với việc mang con chữ đến với trẻ em nghèo cùng hy vọng thắp sáng tương lai.

Em tiếc vì chưa có nhiều thời gian để tổ chức và tham gia nhiều hơn những chiến dịch thiện nguyện. Em luôn ấp ủ sau này có kinh tế ổn định sẽ chung tay, góp sức nhiều hơn để sẻ chia với những người bất hạnh, yếu thế, cơ cực trên địa bàn quê hương và các tỉnh lân cận”, Hà tâm sự.

Cũng theo Hà kể, các thành viên trong nhóm thiện nguyện tiến hành kêu gọi qua hệ thống loa phát thanh của thành phố, đồng thời chia sẻ bài viết ủng hộ ở trên trang Facebook. Nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, người dân địa phương, các mạnh thường quân nên chiến dịch thiện nguyện của nhóm trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

“Em cũng như các thành viên trong nhóm cảm thấy rất vui khi vì nhận được nhiều sự ủng hộ, hưởng ứng từ cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình chọn lọc vật phẩm, nhóm nhận thấy khá nhiều đồ vật không sử dụng được nữa vì quá cũ. Do đó, thời gian tới, em mong sẽ không còn xuất hiện những đồ như vậy được quyên góp để quá trình chọn lọc của các thành viên bớt tốn thời gian và công sức, hoạt động thiện nguyện mới trọn vẹn ý nghĩa”, nữ sinh chia sẻ.

Tri ân sâu sắc đến “người lái đò” tâm huyết của cuộc đời mình

Dù đã học hết 3 năm cấp 3 và qua 4 năm đại học nhưng nhà giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với Nguyễn Thị Hà cho đến tận bây giờ là cô giáo Lương Thị Lan.

Hà chia sẻ: “Cô Lan là giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của em. Cô là người truyền lửa, tiếp sức và định hướng cho em trong suốt quá trình học tập, ôn thi vào 10, cho em những lời khuyên thiết thực ngay cả khi em học đại học. Cô bảo, đã lựa chọn học gì, làm gì là phải cố gắng, nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh".

Khi biết tin học trò xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra đại học và được vinh danh, cô Lan không giấu được cảm xúc vui mừng.

“Hà trầm tính, ít nói, nhân hậu và hiếu thảo. Cô gái nhỏ nhắn nhưng trưởng thành và rất có ý chí nghị lực. Thành tích mà em đạt được không nằm ngoài kỳ vọng của gia đình và cá nhân tôi. Với khả năng của Hà, tôi tin tưởng em sẽ tiếp tục học tốt, làm việc tốt và trở thành người tốt trong tương lai.

Hiện tại, em gái thứ 2 (ngay sau Hà) đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Hồng Đức, trường gần nhà nên có thể đi về trong ngày để chăm lo cho mẹ, gia đình. Nhờ đó, Hà cũng yên tâm ở lại Hà Nội để tập trung làm việc.

Nói về cô giáo Lan, Hà tâm sự, ngày nào về quê, cô trò cũng gặp nhau để chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Những lần trở về Hà Nội, cô thương nên lại cho một chút tiền để đi tàu xe. Những lần lâu không về quê, hay gặp vấn đề khó không thể tự giải quyết, Hà gọi điện hỏi thăm và xin ý kiến, động viên của cô.

"Nhà tôi cách nhà Hà không xa nên dịp lễ Tết năm nào Hà cũng tự làm bánh, kẹo cho gia đình, các em nhỏ, và mang sang tận nhà biếu tôi. Những ngày Hà bận học, không về quê được, tôi lại tranh thủ sang nhà của bố mẹ Hà để hỏi han và động viên...", cô Lan chia sẻ.

Ngoài gia đình, cô Lan là người đồng hành với Hà trên suốt chặng được học tập, cô hiểu và sẵn sàng bên cạnh để động viên, khích lệ Hà trước mọi biến cố xảy ra. Thành tích học tập xuất sắc cũng là món quà tri ân Hà gửi tặng đến cô giáo của mình.

"Em biết ơn và cảm thấy mình may mắn vì gặp được một cô giáo vô cùng tâm huyết. Cô Lan giống như “người mẹ thứ hai” luôn bảo ban và hỗ trợ em bất cứ khi nào, giúp em có thêm sự kiên định, tiếp tục phấn đấu trên con đường mình lựa chọn”, Hà chia sẻ.

Sắp tới, Hà dự định học thêm khóa Tiếng Trung để mở rộng con đường học vấn và cơ hội nghề nghiệp.

“Em sẽ cố gắng trau dồi, tích lũy kiến thức để tương lai không xa có thể trở về quê làm việc - nơi có gia đình, người thân và người cô yêu kính. Về quê cũng là cơ hội để em thuận lợi tham gia các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh, góp sức vào xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế phát triển trên quê hương", Hà chia sẻ.

Những thành tích nổi bật của Nguyễn Thị Hà:

12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Thủ khoa đầu vào Trường Đại học Hòa Bình năm học 2018-2019.

4 năm học đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc; Giành học bổng sinh viên xuất sắc năm học 2019-2020; Giành học bổng Hessen của Cộng Hòa Liên Bang Đức năm 2020.

Thủ khoa đầu ra năm 2022 Trường Đại học Hòa Bình.

Top 98 sinh viên, học viên tốt nghiệp xuất sắc trường đại học, học viện được Hà Nội vinh danh năm 2022.

Ngọc Mai