GV môn Hoá: Đang dạy mà gặp từ tiếng Anh, tôi phải dừng lại để xem cách phát âm

08/12/2022 06:42
Ngọc Mai
GDVN- Môn Hóa học lớp 10, việc đưa vào phát âm chuẩn tiếng Anh tên các nguyên tố, chất hóa học là thử thách đối với học sinh và giáo viên.

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai ở bậc trung học phổ thông đối với lớp 10. Do là năm đầu tiên nên ngoài việc tổ chức dạy học còn nhiều vướng mắc thì công tác xây dựng đề kiểm tra, đánh giá học sinh cũng khiến nhà trường, giáo viên than khó.

Tận dụng triệt để thiết bị dạy học hiện có

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang) đã có những chia sẻ về thực tế dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Đồng thời, đề xuất kiến nghị để công tác giáo dục và đào tạo của nhà trường được thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Ngọc Mai).

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Ngọc Mai).

Thầy Hùng nói: “Từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường ghi nhận những thuận lợi nhất định như sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các chuyên viên ở phòng chuyên môn của Sở. Cán bộ quản lý, giáo viên trong nhà trường được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để thuận lợi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10.

Song, sau quá trình thực hiện, thiết bị dạy học cho chương trình mới hiện chưa có, nên các giáo viên phải tận dụng các thiết bị dạy học của chương trình cũ. Việc dạy và học chưa được đồng bộ giữa sách và thực tiễn, khó đạt hiệu quả mà mục tiêu yêu cầu đào tạo đặt ra”.

Cũng theo thầy Hiệu trưởng, đối với thiết bị dạy học ở một số môn còn thiếu nhà trường đang đề nghị mua sắm bổ sung. Trong thời gian chờ đợi, giáo viên chủ động khắc phục bằng cách tận dụng các trang thiết bị dạy học hiện có và khai thác tài nguyên trên mạng internet để dạy cho học trò.

Chưa đồng bộ trong sử dụng tiếng Anh ở môn Hóa học, Sinh học và Vật lý

Chia sẻ với phóng viên, một giáo viên dạy môn Hóa học của Trường Trung học phổ thông Phương Sơn cho rằng, ở môn Hóa học lớp 10, việc đưa vào phát âm chuẩn tiếng Anh tên các nguyên tố, chất hóa học là thử thách đối với học sinh và giáo viên.

“Trước đây, chúng tôi đi học đại học cũng không phải phát âm tên các nguyên tố, chất hóa học bằng tiếng Anh. Ra trường và đi dạy bao nhiêu năm, chúng tôi cũng không phát âm bằng tiếng Anh. Đến nay, khi chương trình mới thay đổi, chúng tôi phải nỗ lực vừa học, vừa dạy.

Do chưa quen, nên mỗi lần đứng lớp, gặp từ tiếng Anh, tôi phải dừng lại để xem cách phát âm như thế nào để tránh đọc nhầm, học sinh cười. Tôi thường chia sẻ với các em, mong các em thông cảm vì đây cũng là lần đầu tiên các cô được tiếp xúc chương trình mới”, giáo viên này chia sẻ.

Tiếp tục đưa ra quan điểm, giáo viên này cho rằng, đổi mới thì phải hướng tới đồng bộ, chỉn chu và nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế đó là hiện giáo viên môn Hoá đang phải vừa dạy vừa mò để học tiếng Anh, thực chất là học cách đánh vần, đọc các chất hóa học bằng tiếng Anh. Đối với giáo viên trẻ, các cô hoàn toàn có thể thích ứng rất nhanh. Những đội ngũ giáo viên lớn tuổi, học sinh yếu thì thực sự là một thử thách.

“Đọc đã khó, để nhớ trong ngày một, ngày hai lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, 3 môn Hóa học, Sinh học và Vật lý liên quan đến nhau do đều là các môn tự nhiên và có những chất hóa học xuất hiện trong bài. Cùng một chất nhưng môn Hóa học đọc khác, môn Vật lý, Sinh học lại có cách đọc khác.

Tôi dạy môn Hóa học cả lớp 10, 11, và 12. Dạy lớp 11, 12 thì đọc các chất theo cách việt hóa (như trước đây). Đến khi sang lớp 10 thì lại "ngựa quen đường cũ", quên không đọc các chất hóa học bằng tiếng Anh. Như vậy, do chưa đồng bộ trong dạy và học khiến giáo viên chúng tôi cũng như học sinh cảm thấy lúng túng”, giáo viên chia sẻ.

Cùng bàn về môn Hóa học, thầy Hùng cho hay, ở cấp trung học cơ sở, bản thân các em học sinh vẫn học theo chương trình cũ. Lớp 10, các em học theo chương trình mới nên sẽ có những bỡ ngỡ nhất định về tên gọi, kiến thức…

Do đó, trong quá trình dạy học, giáo viên phải khảo sát, tìm hiểu các nội dung kiến thức học sinh còn thiếu mà vốn các em phải được học ở cấp dưới nhằm bổ sung, điều chỉnh ngay trên lớp.

“Phần thực hành và một số nội dung mang tính ứng dụng cao, giáo viên sử dụng các tư liệu điện tử để học sinh được tiếp cận đầy đủ”, thầy Hùng cho biết.

Không chỉ riêng với môn Hóa học, với những môn đòi hỏi thực hành nhiều, giáo viên khai thác sử dụng triệt để các đồ dùng, thiết bị hiện có và tự làm mới các đồ dùng để phục vụ dạy học. Theo từng bài giảng, giáo viên phải khai thác thí nghiệm mô phỏng để chiếu cho các em trên tivi ở lớp, từ đó, giúp các em xem và quan sát dễ dàng hơn, hiểu kiến thức nhanh và sâu sắc hơn thay vì học chay.

Đề kiểm tra Ngữ văn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến học sinh khó cảm nhận, khó viết hay

Với môn Ngữ văn, thầy Hùng cho rằng, những năm gần đây, phần Đọc hiểu trong đề kiểm tra được khuyến khích và đã hoàn toàn sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa.

Tuy nhiên, với đề kiểm tra trong chương trình mới môn Ngữ văn lớp 10, từ năm học 2022-2023 phần Đọc hiểu có nhiều câu hỏi hơn. Do vậy, những học sinh có học lực trung bình sẽ rất khó đạt điểm cao, nhất là ở những câu hỏi mức thông hiểu, vận dụng.

“Đặc biệt, từ năm học này, theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới kiểm tra đối với môn Ngữ văn, phần nghị luận văn học cũng sẽ lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Điều này thực sự là khó khăn đối với học sinh lớp 10 vì các em đang quen với cách học và kiểm tra theo chương trình cũ – đề ra vào những văn bản nằm trong phạm vi sách giáo khoa", thầy Hiệu trưởng chia sẻ thêm.

Môn Ngữ văn lớp 10 có nhiều thay đổi về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Chính vì vậy, bản thân giáo viên cũng cần có đổi mới trong cách dạy và học.

Trong đó, giáo viên phải có sáng tạo trong thiết kế các hoạt động học tập của học sinh. Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, tăng cường ứng dụng thiết bị dạy học, nhất là công nghệ thông tin (sử dụng hình ảnh, video…).

Bên cạnh đó, giáo viên sáng tạo nhiều hình thức kiểm tra đánh giá cho học sinh như thuyết trình, làm mô hình sản phẩm học tập, xây dựng phiếu học tập…

“Với sự đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy cũng như kiểm tra đánh giá, giáo viên từng bước đã đổi mới được cách học, phát huy tính chủ động hơn của học sinh khi học môn Ngữ văn”, thầy Hùng chia sẻ.

Một trong những khó khăn nhà trường đang phải đối mặt đó là thiếu giáo viên và học sinh lớp 10 có nguyện vọng chuyển tổ hợp môn.

Chia sẻ chi tiết về vấn đề này, thầy Hùng cho biết, thứ nhất, đội ngũ giáo viên nhà trường cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên môn Mỹ thuật và Âm nhạc nên nhà trường đã tư vấn cho học sinh khối 10 không lựa chọn 2 môn này ngay từ đầu năm.

Thứ hai, học sinh muốn chuyển tổ hợp môn chỉ được thực hiện khi kết thúc năm học.

Lường trước được tình huống này xảy ra khi chưa có hướng dẫn cụ thể về chuyển tổ hợp môn khi dạy chương trình mới, vào đầu năm học 2022-2023, nhà trường phổ biến tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về việc chọn các môn lựa chọn. Cụ thể, do môn học này có kiểm tra, đánh giá và tổng kết khi kết thúc năm học nên học sinh chọn các môn phải xác định đúng ngay từ đầu năm. Trường quán triệt học sinh chỉ được đổi môn lựa chọn khi kết thúc năm học.

Trước những bất cập trong dạy, kiểm tra đánh giá đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước mắt, nhà trường đề xuất một số kiến nghị như sau:

Một là, tuyển bổ sung giáo viên dạy Mỹ thuật và Âm nhạc để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong những năm tới.

Hai là, ngành giáo dục sớm có thông báo về thi tốt nghiệp trung học phổ thông và hình thức xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đối với học sinh áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, để học sinh có lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với ngành nghề xét tuyển ngay từ đầu năm học, tránh tình trạng chuyển tổ hợp sau này.

Ngọc Mai