Môn Ngữ văn thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó chú trọng tới phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Trên tinh thần đổi mới, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều chỉ đạo ráo riết liên quan đến việc dạy và học môn Ngữ văn.
Quá trình đổi mới dạy và học hiện đang được triển khai từng bước ở các cơ sở giáo dục địa phương. Qua tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, quá trình này hiện vẫn có rất nhiều bất cập và còn sự lúng túng ở cả thầy và trò. Nhiều vấn đề băn khoăn hiện vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.
Hiện nay, việc đổi mới dạy và học môn Ngữ văn tại các địa phương vẫn đang tồn tại nhiều điểm bất cập, và lúng túng trong triển khai giữa cả thầy cô giáo và học sinh. Ảnh minh họa: BS |
“Dạy xong, cả cô cả trò đều thấy bài khó quá!”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Quỳnh - giáo viên Ngữ văn của một trường Phổ thông dân tộc nội trú bày tỏ sự lo lắng khi chương trình Ngữ văn ở chương trình mới so với năng lực học sinh vùng miền núi có phần quá sức.
“Thực hiện dạy và học môn Ngữ văn theo chương trình mới có thuận lợi là cả cô trò đều có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý, ngoài ra, nhà trường cũng tạo mọi điều kiện quan tâm, giúp đỡ. Tuy nhiên, học sinh lớp 10 năm nay là lứa học trò đầu tiên học, các thầy cô giáo cũng là năm đầu tiên dạy học nên còn rất nhiều khó khăn và mới mẻ”, cô giáo Quỳnh tâm sự.
Một đặc điểm của học sinh trường nội trú là học sinh được xét vào trường chứ không phải tham gia kỳ thi chuyển cấp. Ngoài ra, học sinh trong trường chủ yếu là con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện học tập và năng lực học so với học sinh miền xuôi có phần hạn chế hơn.
Cô Quỳnh chỉ ra điểm khó khăn: “Các em học sinh không có nhiều kiến thức, kỹ năng để phát triển một đoạn văn, bài văn có mở rộng. Do đó, khi tiếp xúc với một văn bản mới hoàn toàn, học sinh hầu như chưa tự tìm hiểu, định hướng được”.
Bài thi gồm 2 phần: Đọc hiểu (gồm 20% trắc nghiệm, 40% câu tự luận ngắn) và phần Tự luận: Nghị luận văn học (chiếm 40%). Thời gian kiểm tra 90 phút.
Theo tinh thần đổi mới môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục, hiện việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn chủ yếu sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Điều này, theo cô Quỳnh cũng là một khó khăn với giáo viên, khi ngữ liệu chọn để kiểm tra vừa phải đáp ứng yêu cầu chương trình đổi mới, đồng thời cũng phải phù hợp với đối tượng thí sinh của mình.
“Thực ra chính các giáo viên cũng không tự tin khi xây dựng đáp án, vì trước giờ các văn bản trong sách giáo khoa đã có sẵn chuẩn kỹ năng và kiến thức rồi. Hiện tại, với một ngữ liệu mới hoàn toàn, việc xây dựng đáp án và chấm thi như thế nào để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm cũng là một bài toán khó”, cô Quỳnh nói.
Hiện tại, trường phổ thông dân tộc nội này đang dạy học theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Cô Quỳnh đánh giá kiến thức trong sách hay, nội dung chương trình được thiết kế theo yêu cầu phát huy năng lực học sinh. Tuy nhiên, cách lựa chọn ngữ liệu để minh họa đặc trưng thể loại chưa phù hợp với năng lực đặc thù chung của học trên cả 63 tỉnh thành cả nước.
“Đối với học sinh ở miền xuôi, hay các em trường chuyên thì có thể các em sẽ dễ dàng tiếp cận với các bài học trong sách mới này. Tuy nhiên, với học sinh trường tôi thì khá chật vật. Có những hôm dạy xong cô trò ngơ ngác nhìn nhau vì bài khó quá!
Ví dụ có những đơn vị kiến thức rất mô phạm, những cách gọi tên mà ngay cả bản thân tôi là giáo viên đọc lên cũng cảm thấy khó diễn đạt rồi, vậy với đặc điểm của học sinh miền núi, học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu thì làm sao tiếp cận được?
Điển hình những cái tên như “Chữ bầu lên nhà thơ”, “Bản hoà âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư”, “Hiện đại soi bóng tiền nhân”...”, Cô Quỳnh nói.
Có những hôm dạy xong cô trò ngơ ngác nhìn nhau vì bài khó quá!
Luôn trăn trở, đau đáu với những khó khăn trong việc dạy học chương trình mới, cô Quỳnh tự đặt câu hỏi, liệu có phải do chính giáo viên chưa thoát ly khỏi cách dạy và tiếp cận của chương trình cũ nên vẫn chưa phát huy được hết năng lực, dẫn đến việc truyền tải kiến thức tới học trò còn có điểm “chưa tới”?...
Trong quá trình giảng dạy, cô Quỳnh nhận thấy một khó khăn nữa là yêu cầu nghiên cứu một vấn đề. Theo cô, bài tập yêu cầu nghiên cứu một vấn đề gần giống như một cuốn tiểu luận thu nhỏ. Thông thường, cần có khoảng thời gian ít nhất từ 1-3 tuần để tìm hiểu và nghiên cứu, tuy nhiên với kết cấu chương trình Ngữ văn hiện tại, học sinh gần như không có đủ thời gian để tìm hiểu.
“Với 45 phút ở lớp, rất khó để học sinh kịp thời tìm hiểu, nghiên cứu và có ngay sản phẩm được. Do vậy, các thầy cô giáo thường phải hướng dẫn thêm nhiều cho các em, đồng thời tạo các phiếu bài tập, nhiệm vụ… để học sinh có định hướng tự ôn tập và tìm hiểu.
Tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh một vấn đề, học sinh phản ánh môn học nào cũng yêu cầu cần có sản phẩm nên các em không có đủ thời gian để hoàn thành. Vấn đề này theo tôi cũng là một bất cập của chương trình mới”, cô Quỳnh cho hay.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu giáo viên đóng vai trò định hướng là chủ yếu, ngược lại khuyến khích học trò tư duy, tìm tòi và sáng tạo. Tuy nhiên, chính những bất cập của chương trình mới hiện tại đã khiến vai trò lúc này phải đảo ngược: Giáo viên lại là người làm việc nhiều hơn, “vì bài học khó quá nên cô lại phải phải giảng giải, phân tích kỹ hơn thì học trò mới hiểu được”, giáo viên Ngữ văn chỉ ra điểm khó khi thực hiện.
Với quá trình dạy học và kết quả bài thi kiểm tra giữa kỳ vừa qua, cô Quỳnh đánh giá mức độ tiếp cận chương trình mới của đa phần học sinh mới chỉ đạt 30%.
“Trước đây khi tham gia các lớp tập huấn, hầu hết giáo viên đều rất hào hứng vì kết cấu chương trình đi theo trục thể loại, khác hẳn so với chương trình cũ. Tuy nhiên, khi đi vào từng đơn vị bài học thì mới thấy vướng mắc nhiều điều, do vậy phải cần thêm thời gian giảng dạy mới để có thể rút được kinh nghiệm”, cô Quỳnh nói.
Tập huấn chỉ giống như “cưỡi ngựa xem hoa”
Cũng bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lan - giáo viên Ngữ văn một trường trung học phổ thông ở tỉnh Quảng Trị thừa nhận:
“Trước đây giáo viên đã được tập huấn làm quen với chương trình Ngữ văn mới và phương pháp giảng dạy, tuy nhiên cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy trong thực tiễn. Thời gian tập huấn lúc trước giáo viên chưa được trực tiếp tiếp cận với sách mà chủ yếu học qua các module. Cùng với tác động của dịch bệnh, nhiều đợt tập huấn phải học online nên chất lượng cũng không được đảm bảo”.
Việc tập huấn cho giáo viên trước đây thực tế cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy trong thực tiễn.
Đội ngũ thầy cô giáo trong bối cảnh đổi mới phải mang trên mình nhiều trách nhiệm nặng nề. Trong đó, “giáo viên ngoài việc giảng dạy, còn phải đảm nhận thêm nhiều công việc khác, nhiều cuộc thi đã khiến quỹ thời gian của thầy cô giáo bị chiếm dụng rất nhiều. Như vậy làm sao có thể đảm bảo việc giảng dạy tốt được, nhất là khi thực hiện chương trình mới, giáo viên cần rất nhiều thời gian để học tập và nghiên cứu?”, cô Lan đặt vấn đề.
Cô Lan cho rằng, quá trình đổi mới phải cần thời gian để hoàn thiện, trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là tự thân giáo viên, làm sao để giáo viên trước tiên phải phát huy hết năng lực của mình - đây chính là chìa khóa giúp quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới.
“Sau mỗi giờ dạy, chúng tôi đều chia sẻ với nhau để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Chương trình này thực sự rất mới mẻ, tài liệu tham khảo cũng rất hiếm, giáo viên bắt buộc phải vừa dạy vừa tự làm quen dần, không có cách nào khác!”, cô Lan tâm sự.
(*Tên các nhân vật đã được thay đổi).