Thưởng Tết của giáo viên nơi hàng chục triệu, nơi chưa hề biết tới

13/12/2022 06:41
Sơn Quang Huyến
GDVN- Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết, chuyện “thưởng Tết” cứ ngỡ đã “cũ” lắm nhưng vẫn là đề tài “nóng hổi” trên các diễn đàn của giáo viên vào dịp cuối năm.

Đến hẹn lại lên, giáo viên nhiều nơi lại hỏi han nhau chuyện thưởng tết.

“Ước gì Tết này giáo viên có tháng lương thứ 13 thầy cô nhỉ!” của một giáo viên đăng trên mạng xã hội, đã thu hút gần 3 ngàn sự đồng cảm, gần sáu trăm lượt bình luận và 20 lượt chia sẻ sau hơn 12 giờ.

Cô giáo Đàm Quyên chia sẻ: “Ở Quảng Ninh giáo viên chúng mình vẫn có tháng lương thứ 13, gọi là thu nhập tăng thêm, tiền đó được trích từ mục Chi thường xuyên, trường chi tiêu tiết kiệm để có tiền tết cho giáo viên, chỉ khoảng 8 triệu thôi nhưng cũng vui!”.

Phần lớn bình luận của giáo viên cho biết, họ chưa hề biết đến khái niệm thu nhập tăng thêm như ở Quảng Ninh, tiền Tết chỉ khoảng 100.000 hay chai dầu ăn, vài gói kẹo.

Thực tế, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định bắt buộc phải chi tháng lương thứ 13 cho giáo viên công lập nói riêng, viên chức nói chung.

Tiền “thưởng Tết”, lương tháng 13, mà giáo viên ở một số địa phương nhận được vào dịp Tết, thực chất là thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức, được quy định tại Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

Ảnh chụp màn hình trên Facebook - Sơn Quang HuyếnẢnh chụp màn hình trên Facebook - Sơn Quang Huyến

Thu nhập tăng thêm nơi nhiều, nơi ít, nơi chưa hề biết

Thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức được quy định tại Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

Thu nhập tăng thêm là khoản chi trả cho cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan thực hiện chế độ tự chủ trong phạm vi quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm được xác định cụ thể theo từng năm.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 71, trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi xác định tại mục 2, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức và người lao động (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) nhưng phải trên cơ sở gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (từng bộ phận trực thuộc).

Điều đó có nghĩa là, người nào/bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn. Việc chi trả thu nhập tăng thêm không được thực hiện theo hình thức cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương.

Mức chi trả cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan.[1]

Theo tìm hiểu của người viết, một số địa phương, như Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, …, được nhận thu nhập tăng thêm của năm dương lịch trước đó, trùng vào dịp Tết, nên giáo viên thường gọi là … thưởng Tết, hay lương tháng 13.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, có tính đặc thù riêng, thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, nên Thu nhập tăng thêm cấp hàng tháng.

Từ 1/7/ 2023 giáo viên thành phố Hồ Chí Minh, ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, thầy cô sẽ được nhận thu nhập tăng thêm tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông (hạng III) có hệ số lương bậc 5 (3,66), không có chức vụ, sẽ được nhận thu nhập tăng thêm: 3,66 x 1,8 x 1,8 = 11.858.400 đồng/tháng.[2]

Như vậy, thu nhập tăng thêm của giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh một năm là con số không hề nhỏ.

Giáo viên các địa phương khác thu nhập tăng thêm tùy từng địa phương, tùy trường, năm nhiều, năm ít, tuy nhiên rất nhiều giáo viên ở các địa phương cho biết chưa hề biết đến khái niệm “Thu nhập tăng thêm”.

Đôi điều kiến nghị

Ước mơ có thưởng Tết, có "tháng lương thứ 13", đã và đang là mơ ước của rất nhiều thầy cô giáo trên cả nước, người viết xin kiến nghị:

Thực tế hiện nay cấp ngân sách cho nhà trường không thống nhất, nơi cấp nhiều, nơi cấp ít, nên mới xảy ra hiện tượng nơi Thu nhập tăng thêm hàng chục triệu, nơi chưa hề biết.

Người viết đề nghị Chính phủ quy định, thống nhất trên cả nước về cấp ngân sách cho nhà trường, cấp theo định mức học sinh, hay định mức biên chế.

Quy định ngân sách chi cho mỗi học sinh hay biên chế là bao nhiêu/năm, các địa phương căn cứ vào đó thực hiện.

Chính phủ quy định, thống nhất trên cả nước về cấp ngân sách cho nhà trường sẽ đảm bảo bình đẳng trong giáo dục, một mục tiêu mà chúng ta đang muốn đạt được.

Chính phủ quy định, thống nhất trên cả nước về cấp ngân sách cho nhà trường, học sinh sẽ nhận được mức chi đầu tư cho hoạt động như nhau, lúc đó việc giảm điểm ưu tiên trong tuyển sinh giữa các vùng miền mới thực sự bình đẳng.

Bên cạnh đó, giáo viên vùng sâu, vùng xa sẽ phấn khởi khi hàng năm có thêm tăng thu nhập, sẽ vượt qua khó khăn gieo chữ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatminhkhue.vn/thu-nhap-tang-them-cua-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-cach-tinh-va-chi-tra.aspx

[2]https://giaoduc.net.vn/tu-2022-thay-co-o-thanh-pho-ho-chi-minh-co-thu-nhap-tang-them-toi-da-bao-nhieu-post225772.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến