Học sinh bị giảm điểm ưu tiên từ năm 2023: Lãnh đạo trường THPT nói gì?

07/12/2022 06:55
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-"Cộng điểm mới đỗ ĐH là một chuyện, khả năng học, kỹ năng tay nghề làm việc thực chất cũng lại là vấn đề cần được quan tâm", Hiệu trưởng nói. 

Để bảo đảm công bằng và quyền lợi của thí sinh trên mặt bằng chung của toàn hệ thống, từ năm 2023, thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Đối với thí sinh đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có biểu đồ mức giảm điểm ưu tiên theo quy định như sau:

Việc áp dụng này không chỉ đối với các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn với tất cả các phương thức xét tuyển khác. Các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Trước lo ngại quy định mới này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển của các thí sinh miền núi vào đại học, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, vị Phó Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Bắc Giang cho rằng, nhờ chính sách cộng điểm ưu tiên nên học sinh dân tộc thiểu số hoặc ở khu vực ưu tiên của nhà trường nói riêng và các trường khu vực miền núi nói chung sẽ có cơ hội rộng mở hơn để học lên đại học.

“Được biết thông tin từ năm 2023, mức cộng điểm ưu tiên của thí sinh từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần, điều chỉnh này thu hút nhiều quan tâm của nhà trường và các em học sinh.

Nhìn tổng thể, quy định này sẽ giúp cho các trường đại học sàng lọc được thí sinh tốt. Nhưng cũng có thể sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh ở địa bàn vùng núi (trước đây thường được cộng điểm cố định vào điểm xét tuyển đại học theo quy chế cũ)”, vị này chia sẻ.

Áp dụng cách tính này, những học sinh là người dân tộc thiểu số, hộ khẩu thường trú ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa thì sẽ bị thiệt nhiều hơn. Còn học sinh không thuộc diện được cộng điểm ưu tiên thì đa phần sẽ rất đồng tình với việc giảm điểm ưu tiên theo quy chế thi mới.

Với nhà trường, đối tượng học sinh dân tộc thiểu số ít hơn các trường khác trong cùng địa bàn của tỉnh. Do đó, không có nhiều học sinh lo lắng sẽ bị thiệt thòi với cách tính điểm ưu tiên mới”, vị Phó Hiệu trưởng nhận định.

Tiếp cận dưới góc độ của cán bộ quản lý giáo dục, vị này nêu quan điểm đồng tình với cách tính điểm ưu tiên áp dụng tuyển sinh từ năm 2023.

Bởi nhìn ở khía cạnh khác, giảm điểm ưu tiên như vậy tạo ra một cú hích để giúp học sinh xác định động cơ học tập đúng đắn. Hay có thể nói, giảm điểm ưu tiên tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục đào tạo, nhất là tăng cường ý thức học tập tốt cho học sinh vùng miền. Để các em không còn phụ thuộc quá nhiều vào điểm cộng, dẫn đến chủ quan trong học tập, với các kỳ thi mang tính cạnh tranh cao.

Ngoài ra, chủ trương cũng tạo tính cạnh tranh công bằng để thí sinh thi vào các trường đại học top đầu được đảm bảo chất lượng. Theo đó, để vào được các trường đại học này, học sinh phải thực sự là người có năng lực.

Có năng lực thì các em mới đủ khả năng theo học chương trình đào tạo ở các trường đại học top cao. Muốn làm được điều này, bản thân học sinh phải đạt điểm trần cao ngay từ khâu đầu vào, không tính điểm cộng.

Vị Phó Hiệu trưởng phân tích thêm, thí sinh để đạt mức 25, 26 điểm (chưa tính điểm cộng) xét tuyển vào đại học không dễ. Ấy thế mà, có thí sinh điểm thi thực chất chỉ được 23, 24 điểm nhưng khi tính cả điểm cộng (cao nhất) lại tăng vọt lên 26, 27 điểm. Khi đó, thí sinh đạt mức 25, 26 điểm có nguy cơ không đỗ đại học, trong khi thí sinh được cộng ưu tiên tăng vọt lên 27 điểm lại đỗ.

Cùng bàn về vấn đề này, một Hiệu trưởng của trường trung học phổ thông ở Hà Nội nêu quan điểm: “Quy định về việc điều chỉnh điểm ưu tiên tạo ra nhiều yếu tố tích cực không chỉ cho công tác tuyển sinh của các trường đại học top đầu mà còn củng cố, nâng cao chất lượng học thật, thi thật của học sinh.

Những năm gần đây, cộng điểm ưu tiên cũng khiến điểm chuẩn của nhiều ngành, nhiều trường bị đẩy cao chót vót. Mà những thí sinh đỗ chủ yếu là do được cộng điểm ưu tiên. Băn khoăn của tôi là chất lượng đào tạo đại học đối với những thí sinh này liệu có đảm bảo hay không”.

Cả hai lãnh đạo trường trung học phổ thông đều chia sẻ lo ngại về chất lượng đào tạo đại học giữa sinh viên được cộng điểm ưu tiên và sinh viên không được cộng điểm ưu tiên.

Theo đó, hai vị này cho rằng, giảm điểm ưu tiên cũng là một cách để các trường đại học chọn lọc được những thí sinh thực sự có năng lực, trình độ, đáp ứng bước đầu mục tiêu yêu cầu đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng.

“Chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào việc thiệt hay không thiệt đối với học sinh vùng miền khi giảm điểm ưu tiên. Trong giáo dục thì yếu tố đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Hãy quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, khả năng học tập của sinh viên đại học.

Thứ nhất, nếu cứ áp dụng chính sách ưu tiên cộng điểm thì nguy cơ là các em học sinh có tâm lý “vịn” vào điều này để đặt ra ngưỡng chỉ cần học đến mức nào đó để khi tính cả điểm cộng là sẽ đủ điểm đỗ đại học chứ không cần học nhiều, hiểu sâu.

Thứ hai, các em học sinh nhờ điểm cộng mới đỗ đại học thì liệu khả năng các em có theo được chương trình đào tạo bậc đại học hay không? Học sinh nhờ cộng điểm mới thi đỗ đại học là một chuyện, theo học được hay không, chất lượng liệu có đảm bảo kỹ năng, tay nghề làm việc không cũng lại là vấn đề cần được quan tâm”, vị Hiệu trưởng trường trung học phổ thông ở Hà Nội cho biết.

Riêng với vấn đề thời hạn áp dụng, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, vị này chia sẻ rằng: quy định rõ ràng về thời hạn này có cả yếu tố tích cực và hạn chế đối với từng đối tượng thí sinh.

“Sẽ có nhiều trường hợp học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông những chưa muốn đi học đại học ngay. Có nhiều em vì gia đình khó khăn nên có tư tưởng đi làm, kiếm tiền trước rồi mới đi học lên để thực hiện ước mơ, hoài bão.

Sau 1, 2 năm đi làm, tích luỹ đủ tiền đi học đại học, đến khi các em thi lại không được cộng điểm trong khi kiến thức học đã trôi qua khá xa. Điều này là một thiệt thòi rất lớn đối với những học sinh không đủ kinh tế đi học ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông”, vị Hiệu trưởng nêu ý kiến.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển đại học không được cộng tối đa điểm ưu tiên; đạt 30 điểm sẽ không được cộng.

Công thức tính là: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Ngọc Mai