Phó Hiệu trưởng mê giảng dạy, chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi

12/12/2022 06:32
LÃ TIẾN
GDVN- Là hiệu phó phụ trách chuyên môn, cô Đào Thị Hoa (Hải Phòng) say sưa với những tiết dạy, với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi.

Năm 1989, rời giảng đường đại học, lúc đó, cô giáo trẻ Đào Thị Hoa về công tác tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Hồng Bàng, Hải Phòng).

Thời gian công tác tại ngôi trường này, cô Hoa luôn dành tâm huyết với nghề và trải qua nhiều vị trí công tác như: làm giáo viên, Bí thư đoàn, Chủ tịch công đoàn, sau đó được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng nhà trường.

Dù ở cương vị nào, cô Hoa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô đã đạt được những danh hiệu cao quý như: Giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố, Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền.

Cô giáo Đào Thị Hoa - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Đào Thị Hoa - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Sau 25 năm giảng dạy, làm quản lý tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, năm 2014, cô Hoa được điều động về làm Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng.

Đến tháng 10/2016, cô được điều động về Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng làm Phó hiệu trưởng nhà trường đến nay.

Chia sẻ về nghề, cô Hoa cho biết: “Sau hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có.

Còn nhớ năm học 2011-2012, tôi chủ nhiệm lớp có một cậu học trò nhỏ tên Hoàng. Hoàng nhỏ nhắn, tinh nhanh, học giỏi, thông minh nhưng thiếu thân thiện, thiếu đoàn kết tập thể.

Một hôm, có học sinh báo cáo với tôi rằng bạn Hoàng đã có hành động làm mất vệ sinh bình nước uống tinh khiết của lớp, dù bình đã hết nước đang chờ nhà cung cấp thu lại vỏ để cấp bình nước mới.

Là giáo viên chủ nhiệm, trong buổi sinh hoạt lớp ngày thứ 7, tôi đã cho tất cả học sinh viết giấy nhận xét (tất nhiên là kín tên) trên giấy để các bạn góp ý với Hoàng về tinh thần thái độ học tập, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, ý thức giữ gìn vệ sinh...

Sau khi thu lại, tôi đã đọc những nhận xét, góp ý của các bạn cho cả lớp (có Hoàng) cùng nghe. Các em học sinh rất thẳng thắn nhận xét về bạn Hoàng: Học giỏi, thông minh, nhanh nhẹn nhưng hay bắt nạt bạn, gây mất đoàn kết.

Đặc biệt, có em còn kể lại việc Hoàng nói tục, chửi bậy khi đi ngoài đường, làm bẩn bình nước uống. Có sự nhận xét của các bạn, sự chia sẻ, giải thích của cô, Hoàng đã có những lắng nghe rất tích cực.

Thời gian sau đó, tôi tìm hiểu nhiều hơn về Hoàng từ bạn bè để biết rõ hơn về tính cách của trò. Khi nói chuyện với ông ngoại của Hoàng, tôi biết em là con một của gia đình, thường giao lưu với các anh chị lớn tuổi hơn nên có những ảnh hưởng chưa tốt đến hành vi của em.

Tôi đã mời phụ huynh đến để trao đổi tình hình học tập và ý thức kỷ luật của học sinh Hoàng. Tôi cũng để phụ huynh xem các ý kiến nhận xét của bạn cùng lớp về con mình, và sau đó, tư vấn để phụ huynh nghiêm khắc với con hơn, không nên cưng chiều quá mức và lặng lẽ theo sát con trong quá trình đi học.

Sau đó, phụ huynh gặp lại và cảm ơn cô vì sự trao đổi kịp thời, phụ huynh cũng qua đó hiểu được con hơn và mong cô cùng giúp đỡ để giáo dục cháu. Từ khi gia đình Hoàng hiểu và hợp tác với cô, Hoàng đã hoà đồng hơn với bạn, biết lắng nghe, chia sẻ.

Mặc dù làm công tác quản lý nhưng cô giáo Hoa vẫn luôn say sưa với công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi. (Ảnh: NVCC)

Mặc dù làm công tác quản lý nhưng cô giáo Hoa vẫn luôn say sưa với công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi. (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện đó, giúp tôi tích lũy thêm những tình huống, nghiệp vụ sư phạm. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn trao đổi với phụ huynh về việc quan tâm chăm lo giáo dục các em không chỉ ở chỗ: cho con ăn ngon, mặc đẹp, điểm số bài thi cao mà phải chú ý giáo dục nhân cách cho trẻ, luôn hướng thiện và sống thật với bản thân.

Đến nay, cậu học trò năm xưa đã học xong đại học, đi làm. Hàng năm, lớp học trò ấy vẫn thường đến thăm cô, vẫn nhắc lại chuyện xưa rồi cả cô cả trò cùng cười.

Có lẽ, các em với thời gian trưởng thành đã nhận ra rằng, một thời học trò ngây ngô đã qua với những kỷ niệm đáng nhớ và luôn trân quý tình bạn, tình thầy trò ấm áp, yêu thương”.

Nói về nghề giáo, cô Hoa cho rằng nghề dạy học là cả một nghệ thuật. Người thầy phải vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa phải linh hoạt trong giao tiếp, ứng xử sư phạm cả lúc dạy học và trong cuộc sống.

Có khả năng khích lệ, động viên học sinh tham gia tích cực các hoạt động, học tập tự giác, chuyên cần và hướng thiện.

Đồng thời, người thầy cần phải giúp đỡ, hướng dẫn phụ huynh học sinh quan tâm, theo dõi quá trình phát triển của con không chỉ trong học tập mà cả trong các hoạt động khác (ở nhà, ở trường, ở ngoài xã hội ...) để phối hợp tốt trong công tác giáo dục toàn diện học sinh.

Bên cạnh đó, người thầy phải được sự đồng thuận quan điểm trong công tác giáo dục của phụ huynh với học sinh, qua đó sẽ giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của mình nhằm hình thành nhân cách và phát triển năng lực phẩm chất của học sinh.

Bằng sự tận tâm, yêu nghề, chắc chắn các thầy cô giáo sẽ nhận được nhiều sự tin yêu, quý trọng của các thế hệ nhà giáo, phụ huynh học sinh và học sinh, chính quyền và nhân dân.

Cô giáo Hoa luôn được các học trò quý mến. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Hoa luôn được các học trò quý mến. (Ảnh: NVCC)

Cô Ngô Thị Thủy Huệ - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng nhận xét: Là hiệu phó phụ trách chuyên môn, cô Hoa say sưa với những tiết dạy, với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Đặc biệt, cô đam mê trao truyền kiến thức, chú trọng công tác giáo dục học sinh. Học sinh Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng luôn chăm ngoan.

Năm học vừa qua, nhà trường có 100% xếp hạnh kiểm khá, tốt; trên 48% học sinh xếp học lực giỏi, học sinh khá là 31,36%.

Trong số 110 học sinh khối 6 xếp loại học lực tốt có 24 học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, 86 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Điểm trung bình 3 môn thi vào lớp 10 của nhà trường đạt đạt 8,02 - đứng thứ 6/197 trường trung học cơ sở toàn thành phố, vượt 6 bậc so với chỉ tiêu Uỷ ban nhân dân quận, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng giao.

Đặc biệt, tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường có học sinh đỗ thủ khoa, á khoa vào Trường Trung học phổ thông Hồng Bàng.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của cô Hoa, công tác công tác học sinh giỏi có sự chuyển biến cả về lượng và chất, thành tích đạt được năm sau cao hơn năm trước, khẳng định vị trí tốp đầu của quận.

Toàn trường đoạt 133 giải học sinh giỏi các cấp, trong đó: cấp quận 30 giải; cấp thành phố 4 giải; 99 giải học sinh giỏi Toán bằng tiếng Anh hội nhập khu vực quốc gia và quốc tế - Trong đó 63 giải quốc gia (53 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 3 huy chương đồng, 1 giải khuyến khích), 36 giải quốc tế (5 huy chương bạc, 14 huy chương đồng, 17 giải khuyến khích).

Bản thân cô Hoa bồi dưỡng học sinh giỏi đạt 12 giải trong kỳ thi học sinh giỏi Toán bằng tiếng Anh hội nhập quốc gia và quốc tế.

Hơn 33 năm gắn bó với nghề, cô giáo Đào Thị Hoa đã nhận được: Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua: “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” giai đoạn 2005-2009, 2010-2015; Giấy khen đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc tiêu biểu năm 2020; Bồi dưỡng Học sinh giỏi thi đạt giải; Giấy khen đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc tiêu biểu năm 2021; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2021-2022.

LÃ TIẾN