Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, Giáo dục là 1 trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, bởi giáo dục là một lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hàng ngày tới người dân.
Giáo dục được chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức con người một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho nhiều hoạt động trong đời sống – xã hội, đồng thời, tạo động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác.
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số
Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục:
“Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”.
Hải Phòng đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục và đào tạo (Ảnh: Lã Tiến) |
Như vậy việc chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo tập trung vào hai nội dung chính: Chuyển đổi số trong quản lý và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá.
Chuyển đổi số trong quản lý là số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành.
Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…; chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, Hải Phòng là một trong những thành phố đầu tiên của cả nước ban hành Kế hoạch chuyển đổi số thành phố (Kế hoạch 227 ngày 21/9/2020).
Tiếp theo đó, Hải Phòng cũng là thành phố thứ ba trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện chỉ đạo của ngành giáo dục, của thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 03 ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.
Ngày 06/3/2022, Sở cũng ban hành Quyết định số 118/QĐ-SGDĐT về việc kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng; Kế hoạch số 39/QĐ-SGDĐT ngày 25/3/2022 về việc ban hành Kế hoạch Hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng năm 2022;
Đồng thời phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) triển khai thử nghiệm Bộ chỉ số đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tại 42 đơn vị giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai ký số hồ sơ điện tử (Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, …) để có căn cứ triển khai thí điểm tại Hải Phòng.
Tạo nền móng về chuyển đổi số
Theo ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đến thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tạo nền móng chuyển đổi số.
Cụ thể, về phát triển nền tảng số, hạ tầng số, dữ liệu số: Sở đã phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa; Tiếp tục phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thành phố đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quản lý đặc thù của địa phương.
Sở cũng xây dựng hệ thống học bạ điện tử của học sinh theo quy chuẩn của Bộ để đảm bảo mỗi học sinh có mã (ID) duy nhất và có hồ sơ, học bạ điện tử lưu trữ lâu dài.
Hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến được triển khai thí điểm trên toàn thành phố trong năm học 2022-2023 (Ảnh: Lã Tiến) |
Điểm nhấn là trong năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến đầu cấp trên toàn thành phố đối với tuyển sinh đầu cấp mầm non, lớp 1 và lớp 6.
Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thí điểm Hệ thống quản lý hồ sơ, bước đầu số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu, giáo trình điện tử của giáo viên. Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Sở cũng triển khai dạy và học trực tuyến; ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trước khi đến lớp học.
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học trên các nền tảng số (Zalo, Enetviet, vnEdu,..).
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thanh toán học phí, lệ phí điện tử không dùng tiền mặt cho tất cả các trường học; triển khai thí điểm hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử cho 11 trường (5 trường trung học phổ thông và 6 trường trung học cơ sở).
Trường Trung học cơ sở Trương Công Định (quận Lê Chân) là một trong những trường thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong dạy và học (Ảnh: Lã Tiến) |
Về phát triển Chính quyền số, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thành phố giai đoạn 2, có API đồng bộ và bảo đảm chia sẻ dữ liệu về Kho dữ liệu dùng chung thành phố, Bộ Giáo dục và các ứng dụng khác.
Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản tích hợp chữ ký số trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Về phát triển Kinh tế số, Sở đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tổ chức tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số cho các đơn vị, trường học bảo đảm thiết thực, hiệu quả; Triển khai việc thanh toán không sử dụng tiền mặt tại cơ quan quản lý giáo dục, đơn vị, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực GDĐT trên địa bàn thành phố.
Về phát triển Xã hội số, Sở Giáo dục đã xây dựng cổng thông tin điện tử, chuyên mục kênh theo dõi phản hồi, đánh giá của người dân, các đơn vị, trường học, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong quá trình trải nghiệm chuyển đổi số của Sở.
Về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh các Hệ thống thông tin của ngành; Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục triển khai đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị theo đúng quy định.
Đồng thời triển khai có hiệu quả ký số trên hệ thống Văn phòng điện tử HP-Eoffice, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở (bao gồm việc xác thực trên thiết bị di động); triển khai thí điểm ký số trên học bạ điện tử tiến tới việc phát triển, hoàn thiện hệ thống xác thực chữ ký số tại các đơn vị.