Dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo: Địa phương gặp khó vì không có giáo viên

17/12/2022 06:43
Hoài Linh
GDVN- Thông tư 50/TT-BGDĐT về chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo đã ban hành 2 năm, khi triển khai, các trường vẫn gặp khó. 

Nếu có biên chế giáo viên, sẽ "không trẻ nào bị bỏ lại phía sau" khi triển khai làm quen với tiếng Anh

Huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình hiện có 30 trường đăng ký triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Thế nhưng tất cả các trường đều không có giáo viên chính thức và phải hoàn toàn liên kết với các trung tâm ngoại ngữ. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải) nói: “Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường mầm non đều mong muốn có ít nhất mỗi trường một giáo viên ngoại ngữ để thực hiện Thông tư 50 một cách hiệu quả nhất thế nhưng không có đủ biên chế.

Dù giáo viên ở các trung tâm đã được chọn lựa kỹ càng, có chứng chỉ sư phạm mầm non nhưng họ chỉ đến dạy 2 buổi/ tuần, mỗi buổi 30 - 35 phút nên các cháu không có điều kiện để sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Nếu mỗi trường có một giáo viên dạy ngoại ngữ thì học sinh có thể giao tiếp bằng tiếng Anh mỗi ngày vài phút để tránh quên bài.

Một giờ học làm quen với tiếng Anh của học sinh Trường mầm non Nam Hải (Tiền Hải, Thái Bình). Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải

Một giờ học làm quen với tiếng Anh của học sinh Trường mầm non Nam Hải (Tiền Hải, Thái Bình). Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải

Thêm vào đó, hiện tại các nhà trường triển khai dạy tiếng Anh theo nhu cầu của phụ huynh học sinh và phải nộp học phí, dẫn đến trường hợp có trẻ được học, có trẻ không được học”. Việc này tạo ra sự không đồng đều và phân hóa giữa các học sinh. Nếu có giáo viên tiếng Anh chính thức ở trường, tình trạng này sẽ được cải thiện đáng kể và sẽ “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau” vì cháu nào cũng được làm quen với tiếng Anh.

Trên thực tế, không phải chỉ trên địa bàn huyện Tiền Hải, ở nhiều trường mầm non triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo thì giáo viên của trường đóng vai trò trợ giảng, sử dụng các câu giao tiếp đơn giản, biết một số từ ngữ phổ biến, chủ yếu dừng lại ở quản lý trật tự lớp học.

Trong trường hợp nhà trường sử dụng giáo viên người nước ngoài, việc trao đổi giữa giáo viên và trợ giảng đã khó, việc trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh rồi trẻ càng khó hơn, dẫn đến phụ huynh không thể nắm bắt được nội dung bài học cũng như chất lượng mỗi buổi học, cha mẹ không mặn mà cho con học ngoại ngữ. Như vậy, lại xuất hiện một vòng luẩn quẩn, phụ huynh không nắm được chất lượng nên không có nhu cầu cho con học, trẻ không được tiếp cận tiếng Anh sớm.

Là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Gia Lai cũng đang nỗ lực triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 70/263 trường, riêng tại thành phố cũng chỉ có 12/35 trường đủ điều kiện thực hiện được chương trình dạy ngoại ngữ cho trẻ.

Địa phương này vẫn đang loay hoay, gặp nhiều khó khăn vì không có đội ngũ giáo viên đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ, chứng chỉ sư phạm mầm non. Chủ yếu các nhà trường vẫn dựa vào việc kết nối với các giáo viên của trung tâm ngoại ngữ, thậm chí có một số trường mời giáo viên tiểu học đảm đương nhiệm vụ dạy tiếng Anh cho trẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương Huệ (Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai) cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi triển khai thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh là không có nguồn giáo viên để dạy. Theo Thông tư 50/TT-BGDĐT, giáo viên đứng lớp phải có đủ khung năng lực, có chuyên môn, chứng chỉ sư phạm mầm non.

Gia Lai gặp khó vì ngay cả trung tâm ngoại ngữ cũng rất ít. Những huyện không có trung tâm ngoại ngữ như Kông Chro hay Phú Thiện thì phải nhờ giáo viên tiểu học đứng lớp. Vì thế, việc mỗi trường mầm non có một giáo viên tiếng Anh chính thức là điều vô cùng cần thiết.

Chương trình giáo dục mầm non sửa đổi có bổ sung thêm các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh và cả làm quen với Tin học. Chương trình giáo dục mầm non là chính thức nhưng việc làm quen với tiếng Anh, Tin học lại mang tính tự nguyện, phụ thuộc vào nhu cầu của phụ huynh. Việc có một hoặc hai giáo viên ngoại ngữ thường trực ở mỗi trường là quan trọng nhưng khó thực hiện bởi giáo viên mầm non bình thường vẫn còn đang thiếu rất nhiều chứ nói gì đến giáo viên mầm non có chuyên ngành tiếng Anh”.

Vẫn thiếu trang thiết bị dạy học

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn: “Các trường chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học cũng là nguyên nhân khiến việc triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo gặp nhiều khó khăn. Một số trường không có tivi, một số trường lại thiếu đài, băng đĩa.

Việc học tiếng Anh cần có những thiết bị tối thiểu để học sinh có cái nhìn trực quan, dễ tưởng tượng, quan sát. Ở độ tuổi này, các cháu khó ghi nhớ từ ngữ nếu không được học bằng những phương pháp phù hợp như nghe nhạc, xem các tình huống hoạt hình”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Huệ: “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo triển khai, thực hiện chương trình này từ những năm học trước thế nhưng đến nay cơ sở vật chất vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn.

Hầu hết, các trường không có phòng học tiếng Anh riêng, chưa đảm bảo điều kiện tối thiểu, có đầy đủ tivi nhưng lại thiếu các giáo cụ trực quan, những đồ vật thật, thiết bị nghe nhìn để giúp cho trẻ nắm được các từ vựng cũng như là cách nghe hay cách phát âm.

Bên cạnh đó, nguồn tài liệu như sách, vở đều do phụ huynh tự mua. Hiện chưa có nguồn sách, vở miễn phí cho trẻ học tập, tất cả mọi thứ đều do phụ huynh chi trả. Sở cũng đang tính toán, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt mức học phí của mỗi trẻ là 8.000 đồng/buổi tiếng Anh. Mức học phí này dựa trên lương tối thiểu vùng và điều kiện kinh tế của người dân nhưng cũng vẫn là con số mà phụ huynh e ngại. Nếu có một nguồn ngân sách riêng thì chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ được triển khai hiệu quả và rộng rãi hơn.

Làm quen với tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập là điều vô cùng cần thiết, độ tuổi mẫu giáo là giai đoạn vàng để các con học ngôn ngữ. Tuy nhiên, do điều kiện của Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung vẫn còn gặp nhiều hạn chế nên dù đã triển khai Thông tư 50 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn nhiều trẻ chưa thể tiếp cận được chương trình, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa”.

Để chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cần sớm giải quyết được hai bài toán lớn về nhân lực và trang thiết bị ở các trường. Tuy nhiên, giải quyết được hai bài toán này rất khó vì đây vẫn luôn là vấn đề không thể khắc phục trong một sớm một chiều của giáo dục mầm non nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung trong nhiều năm qua.

Hoài Linh