Quảng Ninh đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt

20/12/2022 13:58
Phạm Linh
GDVN- Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt góp phần phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo thiết bị đào tạo

Hiện nay, mô hình giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt đang được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhằm cải cách và thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường việc làm.

Các loại hình đào tạo đa dạng sẽ đáp ứng nhu cầu của người học và khuyến khích họ tiếp nhận những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, cứ 3 năm 1 lần, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh tổ chức “Hội thi thiết bị đào tạo tự làm”, là bước kế tiếp và nâng cao thành quả của các kỳ Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh trước đây.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, trong giáo dục nghề nghiệp, với đặc thù là tỷ lệ thực hành chiếm khoảng 70% thời gian đào tạo.

Thiết bị đào tạo tự làm chính là phương tiện không thể thiếu được giúp người dạy truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho người học.

Thiết bị đào tạo tự làm cùng với nhà giáo và chương trình giáo trình là ba điều kiện quan trọng để thực hiện quá trình đào tạo nghề nghiệp.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tự làm là một trong ba hoạt động chuyên môn thường kỳ của khối giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua các phong trào thi đua của nhà giáo và người học.

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia hội thi. (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia hội thi. (Ảnh: Phạm Linh)

Là một trong những hoạt động chuyên môn lớn của khối đào tạo nghề nghiệp trong tỉnh, hội thi này thể hiện sự cố gắng lớn của các đơn vị đào tạo nghề trong hoàn cảnh kinh tế, tuyển sinh học nghề còn khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đào tạo nghề.

Đồng thời, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo phục vụ cho công tác đào tạo, các thầy cô giáo sẽ có những thu thập bổ ích thông qua việc học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tạo các thiết bị đào tạo nghề.

Thông qua hội thi, cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng thu nhận được các thông tin cần thiết, kinh nghiệm để có kế hoạch đầu tư có hiệu quả cho các thiết bị đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị.

Năm 2022, hội thi thiết bị đào tạo tự làm có chuyển biến tích cực khi thu hút sự tham gia của 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia với 41 số lượng thiết bị.

Chất lượng của các thiết bị được đánh giá phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị. Từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật, lập trình phức tạp.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm có chuyển biến tích cực khi thu hút sự tham gia của 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia với 41 số lượng thiết bị. (Ảnh: Phạm Linh)

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm có chuyển biến tích cực khi thu hút sự tham gia của 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia với 41 số lượng thiết bị. (Ảnh: Phạm Linh)

Hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo.

Nổi bật trong đó có các thiết bị: Bàn thực hành tự động hóa thủy lực – khí nén của nhóm tác giả - Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng; Mô hình tời trục giếng đứng của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Hệ thống kiểm soát biển số xe máy, xe ô tô và đóng/mở Barie tự động của nhóm tác giả - Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng;…

Đổi mới trong từng tiết dạy

Không riêng việc tạo không gian mở, sáng tạo để giáo viên có cơ hội được giao lưu học hỏi, sáng tạo những thiết bị giảng dạy, ngành giáo dục nghề nghiệp Quảng Ninh còn khuyến khích giáo viên sáng tạo trong từng tiết dạy để mang tới hiệu quả đào tạo tốt nhất.

Trong tháng 10 vừa qua, Tổ Chế biến – Khoa Du Lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh đã tổ chức buổi sinh hoạt với chuyên đề “Kỹ thuật chế biến ruốc tôm thịt và rong biển sấy khô”.

Đây là hoạt động nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, với mục tiêu định hướng học tập gắn với thực tiễn, tạo hứng thú cho học sinh học môn “Kỹ thuật chế biến món ăn”, cũng như tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội được nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm ăn uống đặc sắc, ấn tượng.

Buổi sinh hoạt chuyên đề của Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh giúp định hướng học tập gắn với thực tiễn, tạo hứng thú cho học sinh học môn “Kỹ thuật chế biến món ăn”. (Ảnh: Phạm Linh)

Buổi sinh hoạt chuyên đề của Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh giúp định hướng học tập gắn với thực tiễn, tạo hứng thú cho học sinh học môn “Kỹ thuật chế biến món ăn”. (Ảnh: Phạm Linh)

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Thạc sĩ Mạc Thị Mận – phụ trách Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh cùng các cô giáo bộ môn đã có định hướng gợi mở cho học sinh lớp trung cấp chế biến món ăn về một số phương pháp chế biến, sản phẩm chế biến và cách bảo quản, đóng gói, thiết kế logo một vài sản phẩm ăn uống, cụ thể là hai món ruốc tôm thịt và rong biển sấy khô.

Đây là 2 món ăn mang thương hiệu không chỉ mang thương hiệu quảng bá hình ảnh của nhà trường mà còn quảng bá một số sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của Quảng Ninh như tôm sắt Hạ Long, thịt lợn Móng Cái…

Để tạo ra được các món ăn như vậy thì nguyên liệu cũng như cách chế biến rất quan trọng. Nguyên liệu được lựa chọn một cách rất kỹ càng, bên cạnh đó để chế biến được đòi hỏi người làm cần phải có các thao tác kỹ thuật chuẩn xác.

Không chỉ vậy, việc thiết kế logo, nhãn mác cũng phải đảm bảo yêu cầu về tính thẩm mỹ, khoa học; các thông tin trên bao bì phải đảm báo tính chính xác (như tên đơn vị, tên sản phẩm, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách sử dụng món ăn…).

Để lưu thông trên thị trường, sản phẩm ngoài việc đăng ký thương hiệu cũng phải đạt chuẩn và có giấy chứng nhận về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Buổi sinh hoạt chuyên đề diễn ra rất sôi nổi, học sinh hào hứng tham gia chế biến từ khâu đầu tiên sơ chế nguyên liệu cho đến khâu bảo quản, đóng hộp và trình bày.

Có thể nói, buổi sinh hoạt chuyên đề mang đến nội dung ý nghĩa, tạo sự hứng thú đối với học sinh không chỉ trong bài học mà còn gắn với thực tiễn, giúp học sinh có thể có những ý tưởng khởi nghiệp ngay khi còn trên ghế nhà trường.

Phạm Linh