Sở LĐ-TBXH Quảng Ninh: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong các cơ sở GDNN

06/11/2022 11:57
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở LĐ-TBXH Quảng Ninh tổ chức hội thi giúp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực cho nữ sinh trong các cơ sở GDNN.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho nữ sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2022 do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức là hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho học sinh, sinh viên về Luật bình đẳng giới năm 2006 và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Đồng thời, góp phần thu hút từ 40%-45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới hằng năm.

Phát biểu tại hội thi, ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả quan trọng trong phòng, chống bạo lực giới và thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực.

Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thi (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thi (Ảnh: Phạm Linh)

Nổi bật trong đó có việc thúc đẩy phụ nữ tham gia lĩnh vực tham chính, tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh tăng cao hơn nhiệm kỳ trước.

Thực tế tại Quảng Ninh, tỷ lệ phụ nữ được đào tạo nghề, nâng cao trình độ, dịch chuyển lao động nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp, tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng tăng.

Chính sách đối với nữ cán bộ công chức, viên chức, lao động và phụ nữ yếu thế được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.

Tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được tăng cường: mở rộng địa bàn, số lượng người tham gia, đổi mới hình thức truyền thông, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ.

Việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em được tăng cường thông qua phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp dịch vụ. Bình đẳng giới trong các lĩnh vực đều có tiến bộ.

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh trao cúp lưu niệm cho 21 thí sinh tham gia hội thi (Ảnh: Phạm Linh)

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh trao cúp lưu niệm cho 21 thí sinh tham gia hội thi (Ảnh: Phạm Linh)

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng nhận thấy còn nhiều hạn chế.

Sự bất bình đẳng trong gia đình, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn xảy ra phức tạp và tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong bộ phận nhỏ người dân.

Trong một số ngành, lĩnh vực phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn và điều kiện phát huy sức sáng tạo của phụ nữ còn hạn chế.

Nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân, nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế.

Chính vì vậy, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân nhằm chuyển đổi hành vi và chủ động hành động vì bình đẳng giới và ngăn chặn, giảm thiểu bạo lực giới là một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong công tác bình đẳng giới.

Hội thi được tổ chức với mục đích đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm phổ biến sâu rộng các kiến thức và quy định về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới thông qua hình thức sân khấu hóa.

Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực học đường”.

Phần biểu diễn năng khiếu hát của thí sinh đến từ thành phố Móng Cái (Ảnh: Phạm Linh)

Phần biểu diễn năng khiếu hát của thí sinh đến từ thành phố Móng Cái (Ảnh: Phạm Linh)

Sân chơi bổ ích cho nữ sinh trong các cơ sở GDNN

Hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là cuộc thi đầu tiên dành cho nữ sinh cho nữ sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đây cũng là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cho các nữ sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thể hiện tài năng cũng như quan điểm của bản thêm về bình đẳng giới.

Tại hội thi, các nữ sinh sẽ tham gia phần thi năng khiếu và hùng biện. Trong đó, các thí sinh mang đến hội thi nhiều đề tài ý nghĩa và phản ánh sát thực tế và những giải pháp hay để nâng cao bình giới trong gia đình, trong các ngành, lĩnh vực hiện nay.

Hội thi là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cho các nữ sinh thể hiện tài năng, quan điểm về bình đẳng giới (Ảnh: Phạm Linh)

Hội thi là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cho các nữ sinh thể hiện tài năng, quan điểm về bình đẳng giới (Ảnh: Phạm Linh)

Em Vũ Thị Loan – sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, một trong ba thí sinh đạt giải nhất hội thi chia sẻ trong phần hùng biện: “Bên cạnh việc quan tâm tới thực hiện sự bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho mọi người nói chung cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt tới đảm bảo quyền bình đẳng với cán bộ y tế với việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý trong toàn ngành nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực này.

Tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh việc thực hiện bình đẳng giới cũng được triển khai sâu rộng và toàn diện.

Đối với đội ngũ cán bộ viên chức việc học tập, nâng cao trình độ cho cán bộ nữ luôn được ưu tiên, đưa vào kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm, đặc biệt là việc giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo.

Bên cạnh đó, sinh viên nữ cũng được quan tâm bồi dưỡng, tham gia các chương trình tập huấn liên quan tới bình đẳng giới, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống bạo lực gia đình, ký cam kết không lựa chọn giới tính khi mang thai...

Trong các hoạt động của lớp của đoàn các sinh viên nữ cũng được cơ cấu giữ các chức vụ cán bộ lớp, cán bộ đoàn hay ban chủ nhiệm các câu lạc bộ và được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách, học bổng và khen thưởng.

Như vậy chúng ta có thể thấy việc quan tâm tới bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế đang được các cấp các ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm và đẩy mạnh.

Tuy nhiên vẫn còn đó những sự bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế còn hiện hữu như định kiến trọng nam khi nữ, lựa chọn giới tính khi sinh làm mất đi sự cân bằng giới.

Vẫn còn hàng ngàn phụ nữ và trẻ em nghèo chưa được tiếp cận tới các chính sách chăm sóc y tế cơ bản, hàng ngày chúng ta vẫn còn nghe tới những vụ bạo hành tại các cơ sở y tế, hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc do áp lực công việc và đồng lương chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống .....và còn rất nhiều những vấn đề khác mà chưa kịp nhắc đến ở đây.

Vì bình đẳng giới, chúng ta hãy cùng nhau chung tay, góp sức để hoạt động bình đẳng giới thật sự mang lại hiệu quả tốt nhất”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng ban giám khảo cùng lưu niệm với thí sinh đạt giải Nhất hội thi (Ảnh: Phạm Linh)

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng ban giám khảo cùng lưu niệm với thí sinh đạt giải Nhất hội thi (Ảnh: Phạm Linh)

Kết quả chung cuộc, 8 nữ sinh xuất sắc đến từ các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các Trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt giải trong hội thi.

Phạm Linh