Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 20/12, nhiều băn khoăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đã được đưa ra trao đổi, thảo luận.
Địa phương gặp khó khăn trong chuyển đổi số khi phần mềm phổ cập xóa mù chữ hơn 10 năm qua chưa nâng cấp
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: BS |
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nêu ra một số khó khăn khi thực hiện học bạ điện tử như liên quan đến vấn đề chuyển trường, chuyển lớp của học sinh,... Do vậy, ông đề xuất trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện các quy định chung và chính sách về kết nối dữ liệu học bạ điện tử để giải quyết các bất cập hiện nay.
Đồng thời, ông cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, Phó giám đốc Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất có thêm các hướng dẫn cụ thể về mặt tài chính. Ông lấy ví dụ:
“Trường có được phép thu để có sự hỗ trợ thêm cho chuyển đổi số hay không? Hay chuyển đổi số là nhiệm vụ của nhà trường gắn với ngân sách của của đơn vị? Đây là những vấn đến chúng tôi rất muốn có hướng dẫn rõ ràng, để tránh việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay”, ông Quốc phát biểu.
Tại phiên thảo luận, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh cũng nêu ra một số khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số, đó là việc chuyển đổi số ở giáo dục mầm non và chữ kí số.
Cụ thể, vị này đặt vấn đề: Hiện nay, phần mềm phổ cập xóa mù chữ đã được triển khai đã hơn 10 năm, địa phương thực hiện việc báo cáo cập nhật lên hệ thống gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm nâng cấp phần mềm, hoặc tích hợp trên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của ngành để tạo thuận lợi cho việc báo cáo, cập nhật thông tin.
Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn sớm có hướng dẫn hệ thống sổ sách hồ sơ điện tử mang tính pháp lý, đảm bảo sự thống nhất dữ liệu trong toàn ngành để hỗ trợ tốt nhất cho các trường hợp như học sinh chuyển trường, giáo viên chuyển nơi công tác,... về mặt thủ tục hành chính,...
Nhiều đề xuất khác mang tính thực tiễn cao liên quan tới thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục cũng được ông Nguyễn Đình Hùng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định nêu ra tại hội thảo.
Cụ thể, theo ông, các quy định về hồ sơ, thủ tục tuyển sinh tại Thông tư 11 liên quan tới tuyển sinh còn chưa đáp ứng được hoàn toàn với việc chuyển đổi số.
Thứ hai, ông kiến nghị Bộ Giáo dục tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định liên quan tới hồ sơ nhà trường, quản lý, quản trị, tính pháp lý số ở trên các cái loại hồ sơ.
Thứ ba, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định mong muốn sớm có sự đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu của các địa phương.
Ngoài ra, ông còn đề xuất thêm một số vấn đề cấp thiết khác như: Cung cấp phần mềm dữ liệu chung về công tác tuyển sinh; công tác kiểm định chất lượng; công tác quản lý văn bản, bằng cấp, chứng chỉ… Các quy chuẩn để đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống. Đồng thời, đề xuất bổ sung thêm biên chế để thực hiện việc chuyển đối số ở bậc mầm non.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định. Ảnh: BS |
Số hóa văn bản trên giấy không phải là chuyển đổi số
Phát biểu tổng kết sau hơn 1 tiếng trao đổi, thảo luận với các ý kiến sôi nổi từ đại biểu các cơ sở, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn ghi nhận những nỗ lực của tất cả các Sở Giáo dục, nhà trường, các Cục, Vụ của Bộ.
Thứ trưởng Sơn cho biết, công việc chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, tuy nhiên trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm qua, chúng ta đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BS |
Từ nhận thức rõ hơn về thực hiện dạy học trên môi trường số đến sử dụng các phần mềm quản trị nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, tích hợp những phần mềm công cụ khác nhau. Ngành Giáo dục cũng đã từng bước cung cấp dịch vụ công, thực hiện Chính phủ điện tử.
Trước những khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người và vấn đề nhận thức, năng lực.
“Có hiểu đúng về chuyển đổi số và mức độ cấp thiết mới tích cực tự học, tham gia tập huấn và triển khai thực tế. Số hóa văn bản trên giấy không phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là đưa những thực thể lên môi trường số, không còn giới hạn về không gian, thời gian, số người sử dụng, số lần sử dụng.
Điều quan trọng là phải lấy lợi ích của người học, người thầy, người dân làm hàng đầu và đem đến những trải nghiệm để họ thấy được lợi ích của chuyển đổi số. Thông tin và học liệu số không những tiện lợi, có thể sử dụng mọi nơi, mọi lúc mà còn đưa lại hiệu quả to lớn cho người dùng, đồng thời giá trị càng tăng khi càng nhiều người sử dụng. Công tác quản lý, dạy học cũng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, giảm trung gian, sổ sách, thời gian”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về phương hướng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất với chuyển đổi số, theo đó, ngành Giáo dục phấn đấu hoàn thiện toàn bộ cơ sở dữ liệu trong năm 2023.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường hoàn tất định danh điện tử cho học sinh. Đối với cơ sở dữ liệu, yêu cầu đặc biệt quan trọng là cập nhật dữ liệu đầy đủ, thường xuyên, thống nhất, theo thời gian thực. “Cập nhật dữ liệu vào hệ thống xong thì quy trình làm việc mới kết thúc”, Thứ trưởng lưu ý. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương đầu tư cho hạ tầng công nghệ theo đề xuất của các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Về học liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng nền tảng, kho học liệu số quốc gia cho tất cả các cấp. Năm 2023 sẽ xây dựng một phần hệ thống bài giảng, bài học, tài liệu tham khảo, trước hết phục vụ học sinh tự học, thầy cô giáo tham khảo; sau đó từng bước mở rộng và hoàn thiện.
Đối với phát triển năng lực, năm 2023, Bộ sẽ xây dựng chuẩn năng lực số cho học sinh, sinh viên, giáo viên, trên cơ sở đó xây dựng giáo trình, tài liệu, trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo, địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cũng như lồng ghép vào chương trình giảng dạy.
Để có đầy đủ căn cứ triển khai, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các vụ, cục bậc học quan tâm rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản, các thông tư liên quan chuyển đổi số trong năm 2023.