Những năm qua, khi các trường đại học từng bước thay đổi chính sách tuyển sinh để phù hợp với tác động của dịch bệnh, chuyển đổi số thì công tác tuyển sinh của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp khó khăn vì chưa có hệ thống tuyển sinh chung.
Mong muốn của các trường đào tạo nghề là có dữ liệu của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông để làm căn cứ, có thông tin xây dựng chiến lược tuyển sinh phù hợp.
Nhu cầu người học rất lớn trong khi chỉ tiêu tuyển sinh giới hạn
Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng An Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ đã có những chia sẻ về thuận lợi, vướng mắc trong công tác tuyển sinh ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ - thầy Đặng An Bình. (Ảnh: website Nhà trường). |
“Thuận lợi trong công tác tuyển sinh của nhà trường, cũng như của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến từ việc thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh.
Thực tế cho thấy, bước qua thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2022, chiến dịch tuyển sinh của trường có nhiều cải tiến. Việc phân luồng đối tượng người học tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được quan tâm, làm tốt hơn.
Hơn nữa, nhận thức của người dân về việc học nghề (trung cấp, cao đẳng nghề) được củng cố, cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập đảm bảo, yêu cầu của doanh nghiệp lớn nên công tác tuyển sinh có những ưu điểm vượt trội.
Thể hiện bằng con số, đó là riêng năm 2022, trường tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu, tăng hơn 10% so với các năm trước”, thầy Bình cho biết.
Cũng theo thầy Bình, các nhóm ngành thuộc công nghệ thông tin, điện, điện tử, kỹ thuật ô tô, dệt may và một số nhóm ngành dịch vụ… thu hút lượng lớn người học đăng ký.
Còn về những khó khăn, thầy Bình cho biết thêm, do tính chất đặc thù, trường đào tạo cho nhiều đối tượng. Trong đó, có đối tượng là học sinh trung học phổ thông có nhu cầu học và đào tạo các môn văn hoá. Nhìn chung, việc đào tạo này đảm bảo theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Song, khó khăn là trường phải thông qua một trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để liên kết đào tạo văn hoá cho học sinh phổ thông của trường.
“Đội ngũ giáo viên hiện nay dạy chương trình phổ thông của nhà trường chủ yếu từ các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường trung học phổ thông. Do phải qua một đơn vị trung gian nên trường sẽ phải mất một khoản chi phí (tiền lương…) cho bộ phận này. Kinh phí chi trả sẽ lấy từ nguồn học phí của người học, không có các nguồn thu khác nên nhiều hạn chế”, thầy Bình chia sẻ khó khăn.
Vừa dạy văn hoá, vừa đào tạo nghề cho học sinh, chiến lược của trường vẫn là chú trọng chất lượng thực hiện song song 2 chương trình (đào tạo văn hoá và dạy nghề), không phân biệt chương trình nào hơn.
Theo thầy Bình, tuyển sinh hệ cao đẳng giáo dục nghề nghiệp khác với tuyển sinh đại học. Do đó, muốn có một hệ thống phần mềm tuyển sinh chung cũng không dễ dàng, nhưng nếu có sẽ mang lại ý nghĩa thực chất đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Đối với nhà trường, riêng ở địa phương và một số khu vực lân cận, nhu cầu người học rất lớn trong khi số lượng chỉ tiêu tuyển sinh giới hạn, theo phê duyệt của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Do đó, tăng quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh cũng là một trong những mong muốn của nhà trường, nhất là sau khi Thông tư 15 về việc dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực”, thầy Bình chia sẻ thêm.
“Gõ cửa” trường trung học phổ thông để tuyển sinh
Cùng chia sẻ với phóng viên, thầy Lê Đình Thâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cho biết, năm 2022 trường tuyển được hơn 2.000 chỉ tiêu, chủ yếu trường tuyên truyền online và “gõ cửa” trực tiếp các trường phổ thông để phục vụ công tác tuyển sinh.
“Nhà trường chia ra 2 đối tượng để tiến hành xây dựng kế hoạch tư vấn trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, cấp trung học cơ sở (lớp 9), trường tiến hành tư vấn tuyển sinh từ tháng 4-6. Còn với cấp trung học phổ thông (lớp 12) là từ tháng 6-7.
Với 2 đối tượng này, năm 2022, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nộp hồ sơ vào trường học hệ trung cấp (kèm văn hóa) nhiều hơn so với sinh viên hệ cao đẳng. Ngoài ra, trường cũng có một số ít người học tốt nghiệp trung học phổ thông và có nguyện vọng học hệ trung cấp với mục đích rút ngắn thời gian học, đi làm sớm.
Về học phí, hỗ trợ, nhà trường áp dụng đúng quy định theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, ứng với từng đối tượng. Ngoài giáo viên cơ hữu, trường mời thêm các giáo viên đang công tác tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường phổ thông về thỉnh giảng”, thầy Nhâm chia sẻ.
Sinh viên trong tiết thực hành. (Ảnh: website Nhà trường). |
Gỡ khó trong công tác tuyển sinh, thầy Nhâm cho biết, nhà trường có tham gia sử dụng ứng dụng dành cho các trường dạy nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đây là ứng dụng sử dụng chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường đăng tải cụ thể các thông tin tuyển sinh, mã ngành, nghề để phụ huynh, học sinh quan tâm, tham khảo.
“Phần mềm có phần đăng ký hồ sơ xét tuyển nên học sinh nào có nhu cầu sẽ đăng ký online hoặc liên hệ qua số điện thoại để bộ phận chuyên viên của trường nắm được. Song, đây là một kênh truyền thông với mục đích tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh ai có nhu cầu cho con em học thì đăng ký, liên hệ với trường. Hình thức tuyển sinh chủ yếu hiện nay của trường vẫn là đi đến từng trường để vận động, tư vấn và thu hút người học”, thầy Nhâm cho hay.
Cũng theo thầy Nhâm, khi đến các trường phổ thông, Ban Giám hiệu và giáo viên phụ trách nội dung hướng nghiệp sẽ phối hợp để cùng với nhà trường tổ chức tư vấn. Song, để tuyên truyền được hiệu quả, nhà trường cũng phải chọn lọc những lớp, học sinh có khả năng quyết định ngành học.
Một khó khăn của trường đó là để di chuyển đến các cơ sở giáo dục, nhà trường phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: xây dựng kế hoạch nội dung, chuẩn bị kinh phí và bố trí nhân lực.
Thông thường, nếu tập trung toàn bộ học sinh ở hội trường, dưới cờ như sinh hoạt thì thông tin sẽ đầy đủ đến tất cả các lớp trong cùng thời điểm, nhân lực tham gia sẽ không cần nhiều. Tuy nhiên, có trường không bố trí được, khi đó, chúng tôi sẽ phải đi từng lớp về tư vấn cho các em học sinh nên tiêu tốn nhiều thời gian, nhân sự tham gia nhiều hơn”, thầy Nhâm chia sẻ thêm.
Để tác tuyển sinh thuận lợi, mong muốn của trường cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đó là những dữ liệu liên quan đến học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ được chia sẻ với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp.
“Khi đó, nhà trường sẽ có những thông tin như địa chỉ email, số điện thoại liên lạc với học sinh để gửi nội dung tuyển sinh, tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động của trường đến học sinh được biết, gia tăng cơ hội lựa chọn ngành học cho học sinh”, thầy Nhâm chia sẻ.
Bàn thêm về việc thực hiện Thông tư 15 quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực ngày 24/12/2022), nhà trường phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Hiện, nhà trường đang cố gắng dạy văn hóa cho học sinh trung học phổ thông của trường. Hơn nữa, đa số phụ huynh, học sinh đều có mong muốn cho con học song song vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp với các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Áp dụng Thông tư 15, nhà trường sẽ càng phải chú trọng hơn việc dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước mắt, xác định không thể phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên thỉnh giảng, nhà trường đang đẩy mạnh kiện toàn đội ngũ giáo viên cơ hữu, trong đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các bộ môn chủ đạo, bắt buộc trước (Toán, Ngữ văn, Lịch sử).
Có thể thấy, những năm qua, hàng loạt chính sách để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp được chú trọng và đã có tác động rất tích cực đến mọi mặt của hệ thống. Theo đánh giá của một số lãnh đạo trường nghề, khi phân luồng học sinh về trường nghề được thực hiện tốt thì sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc. Khi đó, trường có nhiều người học và có nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Việc tuyển sinh của trường nghề gặp trở ngại hơn khi cánh cửa đại học ngày càng dễ dàng với nhiều phương thức xét tuyển, nhiều trường đại học dân lập có điểm chuẩn đầu vào thấp đã "vét" học sinh. Bối cảnh đó đặt các trường nghề vào thế bị động, phải nỗ lực “gõ” từng trường phổ thông để tuyển sinh.