Hòa Bình: Tài liệu GD địa phương bậc tiểu học được tích hợp vào các môn học

22/12/2022 09:06
Mạnh Đoàn
GDVN- Sở GDĐT Hòa Bình triển khai tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học dưới hoạt động tích hợp trải nghiệm, các môn học...

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình có văn bản về việc cung cấp tài liệu và hướng dẫn sử dụng tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hòa Bình cấp tiểu học.

Cụ thể, về việc cung cấp tài liệu giáo dục địa phương lớp 1,2,3 dùng cho học sinh, giáo viên đã được Sở cấp, đối với lớp 4,5 được cấp phát theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về hướng dẫn sử dụng tài liệu, Sở Giáo dục đề nghị các Phòng giáo dục, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học đưa nội dung giáo dục địa phương đến với học sinh. Nội dung giáo dục địa phương ở tiểu học chủ yếu được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm và sử dụng tích hợp trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương.

Tích hợp vào Hoạt động trải nghiệm: Tổ chuyên môn dựa vào kế hoạch thời gian tổ chức thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường; kết quả nghiên cứu các chủ đề, bài học trong tài liệu giáo dục địa phương để lựa chọn các chủ đề, bài học phù hợp để tích hợp vào thời lượng của Hoạt động trải nghiệm.

Hình ảnh minh họa (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Hình ảnh minh họa (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Khi xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào hoạt động trải nghiệm không cần tuân theo trình tự các chủ đề, bài học cụ thể trong tài liệu. Xây dựng kế hoạch trải nghiệm linh hoạt phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của trường, lớp học.

Nội dung giáo dục địa phương trong tiết trải nghiệm có thể là một tiết trọn vẹn để thực hiện một bài học hoặc là tích hợp một, vài nội dung hoặc là liên hệ đến nội dung giáo dục địa phương trong hoạt động trải nghiệm có liên quan. Cần sắp xếp hợp lý để dành thời lượng của Hoạt động trải nghiệm trong việc tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh.

Tích hợp vào các môn học: Tất cả các môn học đều có thể tích hợp nội dung giáo dục địa phương. Tuy nhiên, các môn Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Tiếng Việt, Âm nhạc, Mĩ thuật có nhiều địa chỉ thuận lợi cho tích hợp giáo dục địa phương hơn. Cần chú trọng việc nghiên cứu, rà soát nội dung các môn học để tìm ra các bài học, các chủ đề có thể tích hợp, lồng ghép nội dung tài liệu giáo dục địa phương.

Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu và xây dựng kế hoạch dạy học để đưa tài liệu giáo dục địa phương vào các môn học. Để tạo thuận lợi cho giáo viên, tổ chuyên môn có thể giao cho mỗi giáo viên trong tổ nghiên cứu chương trình một môn học và đề xuất tích hợp nội dung của tài liệu giáo dục địa phương vào chủ đề của các môn học.

"Kế hoạch dạy học tài liệu giáo dục địa phương của từng khối lớp được tổ chuyên môn phê duyệt; giáo viên áp dụng linh hoạt, phù hợp đối tượng, điều kiện thực tế của từng lớp. Việc xây dựng kế hoạch mang tính tổng thể, linh hoạt không gây nặng nề cho giáo viên", Sở Giáo dục cho hay.

Đối với nội dung giáo dục địa phương tích hợp, lồng ghép vào môn học, bài học có thể dưới 3 hình thức gồm tích hợp toàn phần (nội dung bài học của môn học có nội dung cơ bản trùng với trên 90% nội dung giáo dục địa phương); tích hợp bộ phận (nội dung bài học của môn học có một hoặc một vài nội dung gần với nội dung bài học ở tài liệu giáo dục địa phương); và lồng ghép, liên hệ nội dung giáo dục địa phương vào tiết học: Là bài học của môn học có nội dung gần với tài liệu giáo dục địa phương.

Mạnh Đoàn