Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có tài liệu Giáo dục địa phương cho lớp 7,10

21/09/2022 06:48
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7,10 hiện đã hoàn thành việc biên soạn, trình hội đồng thẩm định phê duyệt, sau đó mới báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 20/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi khảo sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020 - 2022.

Báo cáo về việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, áp lực gia tăng dân số cơ học là một trong những khó khăn mà ngành giáo dục thành phố đang gặp phải.

Tính đến năm 2021, tỷ lệ số phòng học/10 nghìn dân đã đạt 293 phòng học, năm nay là 2022 có thể đạt 294 phòng học và trong năm 2025 có thể đạt kế hoạch là 300 phòng học/10 nghìn dân.

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh không có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng đều qua các năm học. Trong đó, năm học vừa rồi, tỷ lệ học sinh không có hộ khẩu tại thành phố chiếm đến hơn 21,2% tổng số học sinh.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo điều kiện cho giáo viên tích cực đổi mới trong mục tiêu của giáo dục phổ thông, đảm bảo việc dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Thế nhưng, với yêu cầu của chương trình mới ở bậc tiểu học là dạy 2 buổi/ngày, nhưng với áp lực gia tăng dân số cơ học cao, số trường và số phòng học tại thành phố vẫn chưa thể đảm bảo cho việc 100% học sinh tiểu học trên địa bàn được học 2 buổi/ngày.

Nhiều trường có sĩ số lớp học đông, nên giáo viên sẽ rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát được học sinh.

Ngoài ra, cơ sở vật chất của các trường hiện nay vẫn chưa được đáp ứng đồng bộ theo yêu cầu thực hiện chương trình mới. Nhiều nơi có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng do tất cả các phòng đều tập trung làm chỗ học chính khóa cho học sinh.

Việc tuyển dụng giáo viên thực hiện chậm, dẫn đến một số trường thiếu giáo viên bộ môn, giáo viên dạy nhiều môn, nhất là đối với tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật.

Công tác lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình mới, đã được thành phố thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với tài liệu Giáo dục địa phương, của các lớp 1,2,3,6 đã được phê duyệt, nhưng Sở lại không có chức năng in ấn và phát hành.

Do đó, hiện Sở đang có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phương án thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.

Buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng ngày 20/9 (ảnh: P.L)

Buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng ngày 20/9 (ảnh: P.L)

Còn với tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7 và 10 hiện đã hoàn thành việc biên soạn, trình hội đồng thẩm định, phê duyệt. Sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt thì sẽ có báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngay sau khi nghe đại biểu Quốc hội của thành phố có ý kiến, đại diện các Sở, ban ngành và ngành giáo dục của thành phố giải đáp các thắc mắc của đại biểu, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục thành phố tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành, các quận huyện tổ chức quy hoạch mạng lưới trường lớp, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, việc đầu tiên và quan trọng nhất để triển khai chương trình mới là đảm bảo mọi chỗ học cho học sinh, nên ngành giáo dục cần tính toán việc này.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, bằng nhiều giải pháp khác nhau, thì ngành giáo dục thành phố cần phải đảm bảo được chất lượng giáo dục đã đặt ra, như là đảm bảo số lượng giáo viên, có chương trình bồi dưỡng thường xuyên chứ không phải theo đợt, đảm bảo thiết bị phục vụ dạy học cho giáo viên để có thể đảm đương công việc của mình.

Việt Dũng