PGS Đặng Quốc Bảo: Kỳ vọng về nền giáo dục khai phóng, nhà trường kiến tạo

25/01/2023 06:53
Phạm Minh
GDVN- Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo luôn tâm niệm: tinh thần thực học - thực nghiệp phải thấm vào tiến trình giáo dục và đào tạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục là một mặt trận quan trọng, làm sao hướng tới cả dân tộc được học, mọi người được học. Ý tưởng kiến tạo “nền giáo dục cho tất cả mọi người” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và luôn theo đuổi trên con đường cách mạng.

Hôm nay, đất nước Việt Nam vẫn đang bước đi trên hành trình đổi mới giáo dục với nhiều cơ hội và cũng không ít những khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và toàn ngành, nền giáo dục đã gặt hái được nhiều thành tựu ý nghĩa.

Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nền giáo dục đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số. Bước sang năm 2023, chúng ta càng đặt nhiều kỳ vọng hơn về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp Xuân Quý Mão, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) đã có những chia sẻ tâm huyết về chặng đường phát triển giáo dục trong năm mới.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo đã gửi gắm những chia sẻ, tâm tư về giáo dục và đào tạo trong dịp Xuân Quý Mão. Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo đã gửi gắm những chia sẻ, tâm tư về giáo dục và đào tạo trong dịp Xuân Quý Mão. Ảnh: Phạm Minh

Nhìn lại chặng đường một năm qua, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo bày tỏ niềm vui và phấn khởi khi nền giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.

Năm học 2022-2023 là năm thứ ba triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta đang thực hiện mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Phương pháp dạy học trong các nhà trường đang từng bước đổi mới, không đơn thuần là dạy học truyền thụ kiến thức mà còn giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực.

Đặc biệt, vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, ngành giáo dục đã nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

“Có thể thấy, theo dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành giáo dục đứng trước nhiều cơ hội để có thể “cất cánh” bay cao. Nhưng thời cơ và thách thức luôn đi song hành với nhau, chính vì vậy, chúng ta phải biết nắm bắt cơ hội nhưng đồng thời cũng phải dám đương đầu với khó khăn.

Chúng ta phải dám nhìn thẳng vào những “nan đề”, những bài toán chưa giải được của ngành giáo dục. Trong năm qua, đó là vấn đề thiếu giáo viên hay câu chuyện thiếu trường lớp ở những đô thị lớn. Đây là những việc cấp thiết đặt ra cho ngành giáo dục hiện nay”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo bày tỏ trăn trở.

Thầy Bảo chia sẻ, về vấn đề người thầy, chúng ta cần có chiến lược để thu hút được nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết vào ngành giáo dục, cần có cơ chế, chính sách khích lệ tinh thần sáng tạo của người giáo viên.

Và đặc biệt, ngành giáo dục cần phải làm tốt hơn về chế độ lương thưởng cho tương xứng với lao động của người thầy, ghi nhận những đóng góp của người thầy đối với sự nghiệp giáo dục.

Đối với vấn đề thiếu trường học, lớp học ở những khu đô thị lớn, chúng ta phải giải quyết được bài toán quy hoạch. Khi quy hoạch một khu dân cư, trước hết phải ưu tiên xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và các bậc học kế tiếp, không thể “tắc trách” bỏ qua vấn đề xây dựng trường học.

Bên cạnh đó, thách thức của nền giáo dục hiện nay là chúng ta bị ảnh hưởng bởi những nền sư phạm như nền sư phạm quyền uy, nền sư phạm kiêu ngạo, nền sư phạm tư duy đồng phục. Chính những tác động này khiến cho ta thấy, giáo dục bên cạnh những mảng màu tươi sáng vẫn còn những góc tối, bên cạnh những điều hài lòng vẫn còn đó những điều làm ta băn khoăn. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được một nền giáo dục khai phóng thực sự, các trường phổ thông cũng chưa được trao quyền tự chủ để phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển giáo dục

Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, năm 2023 là tròn 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời huấn đức: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Ngày 13/9/1958, khi đến thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc đặt tại Hội trường Trường Bổ túc Công nông Trung ương (nay là Học viện Quản lý Giáo dục), Bác Hồ sau khi ân cần hỏi thăm khích lệ lớp học, nói về vị trí của giáo dục trong giai đoạn mới, đã ra lời kêu gọi:

Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây

Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”

Lời kêu gọi của Bác trở thành thông điệp cốt lõi của chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển con người của đất nước.

Giáo dục Việt Nam hôm nay cần vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy đó làm phương châm cho chiến lược giáo dục, mà việc tổ chức giáo dục, dạy học phải hướng vào người học, lấy lợi ích của người học làm mục tiêu chủ đạo của quá trình đào tạo.

Bác mở đầu thông điệp bằng cụm từ “vì lợi ích” với hàm ý như một lời nhắc nhở mọi cán bộ giáo dục, giáo viên cần có tư duy mới về công tác giáo dục, dạy học.

Ích lợi của việc học là điều kiện cần, song lợi ích của người học phải là điều kiện đủ trong chiến lược giáo dục cho mọi người.

Sự nhất quán trong quan điểm giáo dục của Bác là phải xây dựng phát triển được nền giáo dục, hệ thống giáo dục, kiểu nhà trường, cách dạy học vì lợi ích của Nhân dân, vì lợi ích của người học.

Đó là nền giáo dục dân tộc, dân chủ, nhân văn, lao động, thiết thực, giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước về chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nền giáo dục phải chứa các thiết chế “hợp với hoàn cảnh mới của đất nước”.

Thông điệp thiêng liêng ấy cần là phương châm hành động của nền giáo dục Việt Nam hôm nay, nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước bền vững, giải quyết thiết thực, toàn diện và sâu sắc các vấn đề phát triển con người của nước ta.

Thầy Bảo gửi gắm kỳ vọng, năm 2023, chúng ta sẽ hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục quán triệt tinh thần dân chủ, tổ chức nhà trường kiến tạo, tiến hành các hoạt động dạy học hiệu quả. Đặc biệt, rèn luyện được cho thế hệ trẻ thực hiện hệ thống giá trị đúng đắn; đào tạo, bồi dưỡng được lực lượng hiệu trưởng năng động.

Về xây dựng trường học kiến tạo, trước tiên phải hướng đến hoạt động của người thầy. Người thầy trong nhà trường thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 phải làm tròn 4 vai: người chỉ huy, người thiết kế, người dẫn dắt và người cố vấn, giúp học trò khám phá, sáng tạo.

Chúng ta muốn xây dựng một nhà nước kiến tạo thì trong lòng nó phải có một nền giáo dục kiến tạo. Nhưng muốn có nền giáo dục kiến tạo phải có nhà trường kiến tạo. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sau này Cách mạng công nghiệp lần thứ 5, lần thứ 6... cũng vậy, cần phải có dạy học kiến tạo. Trong dạy học kiến tạo, thầy là người cố vấn, trò là người khám phá. Thầy chủ đạo, trò chủ động (tự phục vụ và tự học).

Theo minh triết của nền giáo dục cách mạng, đất nước ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục quốc dân theo các tiêu chí: dân tộc - dân chủ - khoa học. Ngày nay, hệ thống giáo dục càng phải quán triệt tinh thần dân chủ sâu sắc, đảm bảo cho mọi công dân đều được đi học, học được, được phát triển phẩm chất, năng lực một cách toàn vẹn.

Đặc biệt, thầy Bảo nhấn mạnh, tinh thần thực học - thực nghiệp phải được “thấm” vào trong tiến trình đào tạo của mọi loại hình nhà trường trong cả hệ thống giáo dục. Thực học phải đi đến thực nghiệp, học phải đi đôi với hành, người thầy phải giúp học sinh phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng được kiến thức đã học vào thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, chúng ta phải xác định được hệ giá trị phù hợp với biến đổi của thời đại, bảo toàn văn hóa dân tộc, rèn luyện cho thế hệ trẻ thực hiện: Tu thân đúng - Xử thế sáng khôn - Dưỡng sinh tích cực theo chân - thiện - mỹ và tình nghĩa.

“Bước sang chặng đường mới của năm 2023, tôi kỳ vọng toàn ngành nỗ lực từng bước một để hướng tới nền giáo dục khai phóng và nền giáo dục kiến tạo.

Trước mắt, hành trình đổi mới giáo dục sẽ vượt qua được những khó khăn, thách thức, để hướng tới mục tiêu đã đặt ra. Muốn vậy, chúng ta phải từ bỏ được phương thức sư phạm quyền uy, ban ơn, tư duy đồng phục. Bởi như việc thực hiện chương trình giáo dục mới cũng phải thực sự linh hoạt, gắn với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi địa phương, mỗi trường học.

Và để hành trình đổi mới giáo dục đến đích thành công, tôi kỳ vọng các trường phổ thông sẽ được trao quyền tự chủ, tự chủ gắn liền với dân chủ và trách nhiệm giải trình, để mỗi trường học đều có thể phát huy tinh thần sáng tạo, bứt phá vươn lên, nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Bảo gửi gắm trong dịp đầu Xuân Quý Mão.

Phạm Minh