Vừa qua, Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử phạt hành chính với 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu của mùa tuyển sinh 2021. Điều đáng nói, đây không phải năm đầu tiên có trường vi phạm quy định này.
Việc nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu đã gây khó khăn cho hệ thống lọc “ảo”, làm nhiễu hệ thống tuyển sinh, ảnh hưởng tới quyền lợi người học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phải có chế tài mạnh hơn với các trường vi phạm, tuyển sinh vượt chỉ tiêu. (Ảnh: Tùng Dương) |
Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, căn cứ vào năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục và nhu cầu nhân lực của xã hội để chúng ta xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường.
Năng lực đào tạo của trường được phản ánh thông qua điều kiện về cơ sở vật chất; trình độ, số lượng đội ngũ giảng viên,... Bên cạnh đó, phải tính đến nhu cầu của thị trường lao động, có ngành nhu cầu nhân lực rất lớn nhưng có những ngành nhu cầu lại rất thấp. Vì vậy, phải có tính toán chỉ tiêu cho từng ngành, từng lĩnh vực để có sự điều tiết, cân bằng nguồn nhân lực cho xã hội.
Nếu các trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, vì cơ sở vật chất, đội ngũ không thể đáp ứng được.
“Ví dụ, khi tuyển đúng chỉ tiêu, 1 giảng viên hướng dẫn 5 sinh viên thì khi tuyển vượt chỉ tiêu, có thể 1 giảng viên phải hướng dẫn 7 sinh viên, hoạt động đào tạo, hướng dẫn không được chu đáo. Làm giáo dục mà không chu đáo thì chất lượng sẽ sa sút, ảnh hưởng tới chất lượng nhân lực cho xã hội.
Hơn nữa, nếu trường nào cũng tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì sẽ gây ra sự xáo trộn, khó điều tiết được nguồn nhân lực trong tương lai”, thầy Nhĩ khẳng định.
Hiện nay, mỗi sinh viên nhập học là một đơn vị tài chính, các trường càng tuyển nhiều càng tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, nếu chạy theo số lượng thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.
Về việc trường đại học tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, việc công khai đề án tuyển sinh là thể hiện trách nhiệm giải trình, cam kết chất lượng của trường đại học với xã hội, với người học. Chính vì vậy, các trường phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng đề án đã được công khai.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, xử phạt hành chính như quy định hiện hành thì các trường sẵn sàng chịu phạt, vì mức tiền phạt là quá nhỏ với nguồn thu tăng thêm khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Chính vì vậy, cần phải có chế tài mạnh, ví dụ như nâng cao mức phạt lên hoặc thay đổi hình thức xử phạt.
Trường nào vi phạm trong tuyển sinh là thiếu trách nhiệm trong công tác đào tạo, xét tính chất vi phạm gây hậu quả lớn có thể xử lý trách nhiệm của người đứng đầu hoặc dừng hoạt động tuyển sinh. Phải có chế tài đủ mạnh để răn đe và ngăn ngừa việc các trường vi phạm quy định.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo nói rằng, làm việc trong ngành giáo dục phải có “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, và kỷ cương phải được xếp hàng đầu, nghĩa là phải làm việc theo đúng quy định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, các trường đại học cần chú trọng chất lượng đầu vào cũng như thực hiện được các yêu cầu về bảo đảm chất lượng. |
Các trường đại học làm sai quy định, tuyển sinh vượt chỉ tiêu hay tuyển sinh không đúng với đề án đã công khai nghĩa là không thực hiện theo kỷ cương, đồng thời cũng thiếu tinh thần trách nhiệm.
Nếu năng lực đào tạo của các trường đại học không đáp ứng được so với số lượng sinh viên nhập học qua từng năm thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, đặc biệt nếu điều này xảy ra với những ngành đào tạo y dược, đào tạo giáo viên thì sẽ rất nguy hiểm, vì đây là những ngành học liên quan đến con người, chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu.
Khâu tuyển sinh là bước đầu quan trọng cho công tác đào tạo của một cơ sở giáo dục, vì vậy, cần phải thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Cần chú trọng chất lượng đầu vào cũng như thực hiện được các yêu cầu về bảo đảm chất lượng.
Hiện nay, việc xử phạt hành chính chưa thực sự tạo được hiệu quả, các trường chịu bị phạt để tuyển được nhiều người học, để tạo được nguồn thu lớn hơn.
“Tôi cho rằng, nếu các trường muốn tuyển số lượng sinh viên lớn hơn thì trước hết phải nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Chúng ta cần có chế tài mạnh hơn bên cạnh việc xử phạt hành chính bằng tiền. Và các trường phải nêu cao tinh thần kỷ cương trong hoạt động tuyển sinh, đào tạo”, thầy Bảo nêu quan điểm.
Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, đào tạo đại học là chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng cao, không thể tuyển sinh tùy tiện, đào tạo không quan tâm đến hiệu quả.
Tất nhiên, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét năng lực đào tạo của các trường để cùng đồng hành, tạo điều kiện cho các trường thực hiện, phát huy tối đa khả năng đào tạo của mình.
Bộ phải thực hiện trách nhiệm quản lý với trường đại học, trường đại học cũng phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của cơ quan quản lý. Nhưng cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cơ sở giáo dục đại học đều phải có trách nhiệm với người học, trách nhiệm với xã hội.
Vì cuối cùng, hoạt động đào tạo có chất lượng mới cung cấp được sản phẩm thật, sản phẩm chất lượng cho xã hội, thực sự tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao và đưa đất nước phát triển, hội nhập.
Ngành giáo dục đang thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “học thật, thi thật, nhân tài thật” như chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Vậy muốn học thật, để có nhân tài thật phải thực hiện tốt từ việc tuyển sinh, không thể chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/78-truong-dai-hoc-bi-xu-phat-do-vi-pham-tuyen-sinh-20221226101600763.htm
Việc xử phạt chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục, cao nhất đối với tổ chức là 150 triệu đồng và cá nhân là 75 triệu đồng có thể tính răn đe còn thấp nhưng đối với cơ sở giáo dục khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh. Hình thức phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất; Đình chỉ hoạt động có thời hạn và 22 biện pháp khắc phục hậu quả.
Đối với cơ sở giáo dục đại học vi phạm sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng về tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.