Thầy cô vùng khó bộn bề khó khăn nhưng thưởng Tết đa phần chỉ ở mức động viên

01/01/2023 06:38
Ngân Chi
GDVN-“Nhiều thầy cô công tác ở vùng khó thường rất xa quê nhà, nên dịp Tết phải đi lại, chi tiêu rất tốn kém, nếu có một khoản thưởng Tết san sẻ được nỗi lo thì tốt”.

Mong có chế độ quan tâm hơn với giáo viên “gieo chữ” vùng khó

Nhắc đến chuyện thưởng Tết, không chỉ bản thân các giáo viên đang mòn mỏi chờ tin, mà cả nhiều cán bộ quản lý cũng gửi gắm không ít hy vọng.

Thầy Lý Văn Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: “Hằng năm, nhà trường trích từ chi thường xuyên ra làm món quà Tết cho các thầy cô giáo, khoảng 1 triệu đồng/thầy cô.

Căn cứ vào tình hình thực tế, những năm qua, nhà trường mới chỉ hỗ trợ được cho các thầy cô một khoản nho nhỏ như vậy vào dịp Tết Nguyên đán và ngày 20/11, còn Tết dương lịch thậm chí còn ít hơn nữa... Bởi để phục vụ cho công tác, đối với hoạt động của một cá nhân trong năm đã có rất nhiều khoản phải chi, chẳng hạn tập huấn, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới, nhà trường cũng phải “căng mình” ra để cân đối, điều tiết.

Giờ học ở điểm trường Yên Thành, Trường Mầm non Yên Thành. Ảnh: Ngân Chi.

Giờ học ở điểm trường Yên Thành, Trường Mầm non Yên Thành. Ảnh: Ngân Chi.

Nếu là các trường ở miền xuôi, đôi khi có thể tận dụng việc cho thuê sân bãi hay mở bãi gửi xe dịch vụ trông qua đêm... chẳng hạn, như vậy nhà trường có thêm nguồn thu thì cuối năm cũng sẽ có thêm một khoản, cải thiện cho mỗi giáo viên... Nhưng các trường vùng cao thì đâu có những khoản thu ngoài như vậy để bổ sung”.

“Mặc dù biết để tăng thêm mức hỗ trợ này chắc rất khó, nhưng là lãnh đạo nhà trường, chúng tôi cũng mong muốn ngành giáo dục được các cấp ngành quan tâm hơn, để hỗ trợ, chia sẻ, tạo động lực để thầy cô yên tâm công tác, đặc biệt là với những giáo viên đang “gieo chữ” ở vùng khó, vốn chịu nhiều thiệt thòi” - vị Hiệu trưởng bày tỏ.

Từ Yên Bái lên Hà Giang công tác và gắn bó hơn chục năm với giáo dục vùng khó, cô giáo Quốc Thu Hiền - giáo viên điểm trường Yên Thành, Trường Mầm non Yên Thành (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) nhớ lại: “Các năm trước, mỗi giáo viên chúng tôi được nhận 400.000 đồng mang tính chất động viên dịp Tết Nguyên đán. Riêng năm vừa qua, số tiền được nhận cao hơn vài trăm nghìn đồng.

Liên quan đến thưởng Tết ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Cây - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) cũng cho biết: “Những năm gần đây, hầu hết các trường trên địa bàn huyện tặng quà Tết cho giáo viên ít nhất là khoảng 500.000 đồng. Số tiền này chủ yếu mang tính chất động viên là chính. Chắc chắn, thầy cô nào cũng mong mỏi sẽ có một khoản thưởng Tết kha khá để có thể hỗ trợ các thầy cô có thêm một khoản vun vén, sắm sửa”.

Nhắc đến thưởng Tết, tôi cho rằng, đây là mong mỏi không chỉ của riêng tôi, mà có lẽ là của rất nhiều đồng nghiệp. Giáo viên mầm non như chúng tôi nếu có muốn làm thêm “nghề tay trái” để phụ thêm thu nhập cũng thật sự khó khăn, vì quỹ thời gian dành cho công việc quá nhiều.

Tôi nhớ, vài năm trước, chỉ muốn mua một chiếc áo có giá nhỉnh hơn 100.000 đồng chút xíu thôi mà tôi còn phải băn khoăn, cân nhắc, tính toán rất nhiều.

Nếu như sắp tới, giáo viên được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo, được nhà nước hỗ trợ thêm về chế độ, thì chúng tôi cũng phần nào yên tâm công tác hơn”.

Chia sẻ về kế hoạch thưởng Tết cho giáo viên, cô Trần Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thành (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) cho biết: “Năm nay, tối thiểu các thầy cô sẽ được nhận khoảng 700.000 đồng (nhà trường trích 500.000 đồng, Công đoàn hỗ trợ 100.000 đồng và Chi bộ thêm 100.000 đồng)”.

“Các cô giáo mầm non ở đây rất vất vả, có những cô là phải làm 3 ca: ca sáng, trực trưa và ca chiều, nhưng lại không có chế độ với trực trưa. Đó là chưa tính đến thời gian soạn bài và làm đồ chơi cho học sinh, hầu như các cô không có nhiều thời gian để chăm lo cho cuộc sống riêng. Trong khi đó, có những cô giáo ở xa nhà, xa quê, thậm chí phải thuê nhà ở huyện, rất tốn kém.

Cô Trần Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thành (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Cô Trần Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thành (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Chính vì vậy, chúng tôi cũng mong, giáo viên sẽ ngày càng được quan tâm hơn nữa, nếu được, hằng năm, mong huyện có thể cấp thêm ngân sách để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên vào dịp Tết. Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng khó như chúng tôi, có thể chưa hỗ trợ được nhiều như “tháng lương thứ 13” giống như mong mỏi của một số đồng nghiệp, nhưng có thể ở mức tăng thêm 1-2 triệu đồng/thầy cô” - nữ Hiệu trưởng bày tỏ.

Nếu có thưởng Tết, sẽ góp phần san sẻ với nỗi lo của thầy cô

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) cũng chia sẻ về những tâm tư của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục liên quan đến chế độ thưởng Tết.

“Tâm lý chung của các thầy cô vẫn đang từng ngày mong ngóng được thưởng Tết. Tuy nhiên, câu chuyện thưởng Tết đối với ngành giáo dục ở vùng cao như thế này là rất khó khăn, bởi với nguồn ngân sách hằng năm, cũng chỉ đủ trang trải chi lương, phụ cấp, và những hoạt động thường xuyên của đơn vị.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Vậy nên thưởng Tết của giáo viên ở Bắc Quang nói riêng hay ở vùng cao nói chung, có lẽ phần nào chỉ mang tính chất tượng trưng, nói là thưởng Tết thì cũng không hẳn, chỉ là trong năm đó, nhà trường tiết kiệm chi để hỗ trợ cho các thầy cô có thêm chút ít để động viên tinh thần. Số tiền hỗ trợ giáo viên vào dịp Tết của mỗi trường sẽ khác nhau, nhưng thường cũng không nhiều, bình quân cũng chỉ dao động trong khoảng từ 500.000 đồng trở lại.

Ví dụ, trường nào ít giáo viên thì chi thường xuyên rất ít, thường vừa đủ chứ cũng không còn dư nhiều để động viên các thầy cô.

Ngoài ra, một số nhà trường chỉ có thể tổ chức cho thầy cô một bữa liên hoan tổng kết năm trước khi nghỉ Tết.

Kể ra, nếu có quy định thưởng “lương tháng 13” cho các thầy cô vào dịp Tết Nguyên đán, sẽ là một nguồn động lực tuyệt vời. Bởi, đối với các thầy cô đã cống hiến cho giáo dục vùng khó, thường công tác xa nhà, quê lại càng xa, nên việc di chuyển, đi lại với đường sá xa xôi, chi tiêu đã rất tốn kém..., nên thưởng Tết sẽ góp phần san sẻ những nỗi lo đó cùng các thầy cô” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn đối với các nhà trường, bà Hoàng Thị Thu Hiền cũng đề cập đến thiệt thòi của các cán bộ quản lý cấp phòng. Cụ thể, bà cho biết: “Các đồng chí công tác ở phòng Giáo dục và Đào tạo cũng rất thiệt thòi, trong khi cùng là nhà giáo, nhưng lại không có phụ cấp thâm niên nhà giáo. Phòng là cơ quan tham mưu cho huyện quản lý nhà nước về giáo dục đối với rất nhiều đơn vị trường học trên địa bàn nhưng phụ cấp chức vụ của lãnh đạo phòng nhiều khi không bằng phụ cấp chức vụ của Hiệu trưởng các trường học.

Biên chế của phòng Giáo dục và Đào tạo hiện nay ít nhưng địa bàn quản lý rộng nên thường xuyên phải trưng tập, biệt phái từ cơ sở lên, khi đó, khối lượng công việc nhiều nhưng lại mất một khoản hỗ trợ. Vì vậy, tôi cho rằng, biên chế công chức đối với phòng, nên được quan tâm nhiều hơn, khi đã là công chức thì sẽ gắn trách nhiệm với công việc lâu dài, nếu các chế độ được bảo đảm thì cũng yên tâm hơn. Nếu tăng cường các thầy cô biệt phái lên phòng, nên chăng vẫn giữ nguyên chế độ cho các thầy cô, như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nhà giáo để yên tâm công tác”.

Ngân Chi