Các trường đại học ngang nhiên tuyển vượt chỉ tiêu: chế tài không đủ răn đe?

02/01/2023 06:50
Khánh An
GDVN-  Theo các chuyên gia, cần phải xem lại quy định xử phạt bởi dù đã áp dụng các chế tài nhưng hàng năm, nhiều trường ĐH vẫn "ngang nhiên" tuyển vượt chỉ tiêu.

Theo Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học vi phạm trong công tác tuyển sinh năm 2021 như: Vượt chỉ tiêu; Tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai,...

Trong đó, một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường Đại học FPT (tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học lẫn thạc sĩ), Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi…

Bàn về vấn đề trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:

“Mặc dù hiện nay các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn cần làm theo đúng quy định tại Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, chúng ta nên xem lại việc quy định việc sắp xếp một giảng viên chỉ được dạy tối đa bao nhiêu sinh viên đã phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay chưa mà có nhiều trường vi phạm như vậy.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Ví dụ như số sinh viên theo học trình độ cao đẳng hình thức chính quy ngành Giáo dục Mầm non trên một giảng viên quy đổi không vượt quá 25 sinh viên căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mặc dù ngành giáo dục nước ta đang hướng tới phát triển và hội nhập, và cũng muốn học tập những phương pháp hay từ các trường đại học ở những nước có nền giáo dục phát triển.

Đúng là tại trường học ở các nước phát triển, một lớp học chỉ có khoảng 10-15 người học/1 giảng viên. Tuy nhiên, chúng ta phải biết chọn lọc đâu là điều phù hợp với điều kiện của Việt Nam".

Cũng theo bà Phương Anh, với mức xử phạt hành chính đối với lĩnh vực giáo dục theo quy định hiện hành thì cao nhất đối với tổ chức là 150 triệu đồng và cá nhân là 75 triệu đồng có thể tính răn đe còn thấp.

Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, nếu một trường tuyển quá 10 chỉ tiêu thì học phí của khoảng 2 - 3 sinh viên là đã có thể bù được mức phạt cao nhất rồi.

Bên cạnh đó, theo bà Phương Anh, đối với giáo dục Việt Nam cũng còn một số quy định chưa hợp lý với điều kiện nước ta như sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có chứng chỉ B1, B2 hay IELTS với số điểm tương đối cao.

Trong khi đó, trình độ tiếng Anh của người Việt còn hạn chế nên đã dẫn đến vấn nạn nhiều người học phải "chạy" bằng mọi cách để ra trường.

Vậy nên, bà Phương Anh cho rằng, khi có nhiều đơn vị, nhiều người cùng vi phạm một lỗi thì cần phải xem lại quy định chứ không phải là tiếp tục tăng thêm mức phạt. Bởi, nếu chi phí phạt quá cao cũng có thể dẫn đến bất công giữa các trường với nhau; và nếu có đến 60-70% số trường vi phạm thì cũng không thể ngưng tuyển sinh được vì sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của sinh viên.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ cũng như tính toán tổng thể về dự toán số sinh viên cũng như số giảng viên cần có cho mỗi trường trong mỗi năm, và cần phải nâng tỉ lệ giảng viên lên để đáp ứng theo sĩ số người học nếu cần thiết.

Nhà nước cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho người dạy để tuyển đủ được lượng giảng viên rồi từ đó mới có thể thực hiện tiếp những mục tiêu khác, các phương pháp đổi mới phù hợp", bà Phương Anh nói.

Cũng chia sẻ về vấn đề xử phạt hành chính với các trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) nêu quan điểm:

“Theo tôi, việc xử phạt của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết nhưng rất khó để triệt tiêu hết được vấn đề này.

Bởi dù Bộ cũng có thêm các chế tài xử phạt như: cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo điều 34 của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14) cũng chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt chứ không có tính bền vững và lâu dài".

Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) (Ảnh: NVCC).

Thầy Luyến cũng cho rằng, nhìn nhận từ thực tế, việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu chủ yếu xảy ra đối với trường đại học tư hơn là trường đại học công.

“Theo quy định hiện hành về mức phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh so với học phí của các trường đại học tư thì mức phạt này dường như không “hề hấn” gì.

Ngành giáo dục cũng có thể sử dụng thêm các chế tài xử phạt như đình chỉ việc tuyển sinh năm kế tiếp của trường hay không công nhận chức danh nghề nghiệp cho lãnh đạo các trường tuyển vượt chỉ tiêu đó thì có thể trường hạn chế vi phạm hơn.

Nhưng theo tôi, dù có áp dụng những chế tài này thì cũng chỉ có tác dụng giải quyết vấn đề tạm thời chứ không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi”, thầy Luyến nói thêm.

Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, ngành giáo dục cần phải nhìn nhận được rằng, mục đích cuối cùng của việc các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu là để giải quyết vấn đề tài chính của trường.

Hầu hết các trường đại học thì nguồn thu nhập bên ngoài không đáng kể mà nguồn thu đến chủ yếu từ học phí của người học, trong khi đó, học phí lại thấp, không đáp ứng được về việc thu chi của trường.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến: "Có ý kiến cho rằng do thu nhập của người Việt thấp nên không thể tăng học phí đại học, nhưng theo tôi, chúng ta không cần nhìn từ đâu xa, ngay tại Campuchia, quốc gia có thu nhập bình quân/người còn thấp hơn cả Việt Nam, nhưng từ năm 2005, họ đã có mức học phí đại học khoảng 1.000 đô la/năm.

Các trường đại học ở quốc gia khác trên thế giới cũng thường chỉ có một số lượng sinh viên nhất định nhưng với mức học phí đảm bảo cho tài chính của trường nên họ không bao giờ phải tuyển sinh vượt chỉ tiêu như vậy".

Do đó, theo tôi, việc cân đối và đưa ra mức học phí phù hợp là việc làm rất cần thiết cũng như có thể hạn chế được việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu của nhiều trường đại học mỗi năm đang có xu hướng tăng dần như vậy”, thầy Luyến nói.

Khánh An