Năm 2023, Bộ GD cần thống nhất một số phương thức tuyển sinh hiệu quả, công bằng

30/12/2022 06:38
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Vừa qua, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, tồn tại quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến thí sinh bị rối, hoang mang. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thể hiện vai trò quản lý của mình, thống nhất một số phương thức tuyển sinh hiệu quả, có tính công bằng cho tất cả thí sinh, tránh việc học sinh miền núi, dân tộc thiểu số bị thiệt thòi.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có chỉ đạo kịp thời, đồng bộ và quyết liệt đối với hệ thống các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Hiện nay, các trường tự chủ nên muốn tuyển sinh theo hướng độc lập, tuy nhiên chúng ta cần có định hướng chung cho tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục phổ thông phải nằm trong sự quản lý của nhà nước”, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Phương thức tuyển sinh hiệu quả mà thí sinh có thể dễ dàng tiếp cận đó là phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét điểm học bạ. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ vì trong những năm qua các phương thức này đã xảy ra một số biểu hiện tiêu cực. Muốn đưa ra được kết quả khách quan, trung thực, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cần làm công tác giám sát, đối chiếu từ điểm thi, điểm học bạ và thực tế quá trình học của thí sinh qua kênh nhà trường phổ thông.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguồn: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguồn: quochoi.vn

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, rất khó để có đủ tiềm lực thẩm định được tất cả các thí sinh nên đối với các em học sinh giỏi đã nổi bật qua từng kỳ thi từ cấp tỉnh đến quốc gia, quốc tế thì Bộ không cần đối chiếu vì năng lực của các em đã được công nhận và khẳng định.

Đồng thời, việc đối chiếu, thẩm định cần dựa trên bộ tiêu chí chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, nhằm có sự đồng bộ, Bộ cần hướng dẫn, thống nhất, tránh việc mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản trước đó và các luật của Quốc hội đã ban hành.

Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, bãi ngang, ven biển thiệt thòi hơn so học sinh ở thành thị về điều kiện tiếp cận với giáo dục. Tại những vùng này, vì hoàn cảnh phần lớn còn khó khăn nên các em thường phải lao động giúp gia đình từ sớm, không có thời gian khai thác thêm kiến thức.

Chưa kể, đường truyền mạng yếu, thậm chí có những nơi không có đường truyền mạng cũng tạo bất cập, cản trở trong việc các em tìm tòi kiến thức mới, kiến thức mở rộng. Chính vì vậy, với những trường tuyển sinh bằng phương thức xét điểm của kỳ thi riêng hay chứng chỉ ngoại ngữ cũng phải tính toán tính công bằng, xem xét đến tình huống học sinh các vùng miền này có tiếp cận được không. Từ đó cân đối, có những điểm ưu tiên phù hợp hoặc quy định chỉ tiêu hợp lý với các phương thức mà thí sinh miền núi, dân tộc thiểu số,... dễ dàng tiếp cận.

“Học sinh miền núi, dân tộc thiểu số ưu tiên học tiếng phổ thông nên với việc học ngoại ngữ thì khó càng thêm khó. Vì vậy, việc xây dựng các phương thức đảm bảo tính công bằng là cần thiết, không chỉ là ưu tiên đơn thuần mà còn là phương pháp tạo nguồn nhân lực chung, đồng bộ cho tất cả các vùng, miền từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn.

Trải qua khoảng thời gian đào tạo tại trường đại học, cao đẳng, trong số các em miền núi, dân tộc thiểu số sẽ có những em trở về quê hương công tác. Thực tế, các em đã có tiếng dân tộc, hiểu văn hóa quê mình nên sẽ thuận lợi hơn”, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh nên việc các trường đưa ra phương thức xét tuyển như thế nào để đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu tuyển sinh là quyền của các trường. Việc có nhiều phương thức tuyển sinh đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh nhưng cũng có những bất cập nhất định.

Hiện nay, đa số các trường sử dụng năm phương thức xét tuyển và quy định tỷ lệ rõ ràng, tuy nhiên theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai phương thức được rất nhiều thí sinh đăng ký đó là xét điểm thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét điểm học bạ.

"Theo tôi, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông khách quan hơn. Riêng đối với phương thức xét điểm học bạ, tôi thấy còn băn khoăn bởi qua việc khảo sát ở nhiều địa phương có thể thấy ở mỗi nơi mỗi khác. Những trường đánh giá thực chất năng lực của học sinh thì điểm trung bình học sinh thấp nhưng cũng có trường tạo điều kiện cho học sinh thì điểm trung bình các môn cao hơn. Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các thí sinh ở địa phương này với địa phương khác, giữa trường này với trường kia.

Do vậy, để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như công bằng giữa các thí sinh thì trường cao đẳng, đại học cũng nên cân nhắc phương thức xét tuyển này”, Đại biểu Dương Minh Ánh nói.

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Nguồn: TTXVN

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Nguồn: TTXVN

Theo Đại biểu Dương Minh Ánh, mùa tuyển sinh năm 2022 vừa qua kéo dài khá lâu nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển sinh và kế hoạch tổ chức đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp.

Tâm lý của thí sinh phải đợi kết quả công bố điểm xét tuyển của các trường đại học. Nếu không trúng đại học mới quyết định lựa chọn ở các trường cao đẳng và trung cấp. Bên cạnh đó, theo phản ánh của các trường cao đẳng và trung cấp thì trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở các trường trung học phổ thông có một tồn tại mà nhiều năm nay chưa được giải quyết. Đó là thông tin về tuyển sinh thì chỉ có của các trường đại học mà không có của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

"Để đạt được các mục tiêu đề ra, giải quyết những bất cập về công tác tuyển sinh và phân luồng học sinh trong thời gian qua, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có sự thống nhất chung. Cụ thể, quy định về thời gian tuyển sinh, đưa danh sách các trường cao đẳng, trung cấp vào hệ thống thông tin chung những điều cần biết về tuyển sinh hàng năm. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có tiếng nói chung trong công tác tuyển sinh", Đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.

Anh Trang